Trước khi Intel giới thiệu XMP (Extreme Memory Profile) vào cuối năm 2007, ép xung bộ nhớ thường rất mất thời gian, cần cả kinh nghiệm, bởi vì bạn phải thay đổi thiết lập bộ nhớ trong BIOS, khởi động lại hệ thống và hy vọng tiến trình khởi động suôn sẻ. Nếu gặp vấn đề gì, bạn phải quay trở lại khôi phục thiết lập cũ cho BIOS. Nhưng XMP đã rút gọn quy trình này chỉ còn một bước đơn giản là kích hoạt XMP trong BIOS.
10 năm sau, XMP vẫn là cách nhanh nhất để ép xung bộ nhớ. Còn ở góc nhìn người tiêu dùng thông thường, tiến trình sử dụng XMP không có nhiều thay đổi suốt chục năm qua. Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi cách mà nhà sản xuất bộ nhớ và bo mạch chủ xác thực cho các sản phẩm tương thích với hệ thống với nhiều chipset khác nhau? Những chuyên gia từ các công ty công nghệ về bộ nhớ và bo mạch chủ cho chúng ta biết nhiều điều hay về đặc tả XMP hiện nay.
Đầu vào/ra của XMP
Đặc tả XMP được lập trình trong SPD (serial present detect), là một vùng bên trong bộ nhớ EEPROM (electrically erasable programmable read-only memory) của bộ nhớ DIMM, với các thông số về bộ nhớ thiết bị và các chi tiết cấu hình. Tóm lại, thông tin SPD mô tả chính xác cách mà hệ thống sử dụng bộ nhớ của máy. Ngoài các giá trị XMP, SPD còn chứa các bit thông tin khác về module, như loại bộ nhớ được lắp và các tham số về chuẩn JEDEC.
Nếu bạn để ý đến các tham số JEDEC, là những chỉ số thiết lập cơ bản thấp hơn, với độ trễ cao hơn, bạn có thể bắt gặp ngay lần đầu tiên vào BIOS khi bạn lắp đặt hệ thống. Nói chung, các bo mạch chủ thường sử dụng giá trị mặc định là cấu hình JEDEC cơ bản, bởi vì thiết lập cơ bản, thấp và không chính xác nhưng lại đảm bảo cho hệ thống khởi động được. Ví dụ, bộ RAM Viper 4 DDR4-3400MHz 16GB của Patriot có tốc độ JEDEC ở 2.133MHz và độ trễ 15-15-15-36. So với profile XMP Viper 4 trên bo mạch khi lần đầu tiên khởi động, bạn sẽ thấy hệ thống chạy bộ nhớ ở 3.400MHz nhưng độ trễ ở 16-18-18-36 và tăng điện thế từ 1,2V lên 1,35V.
Một khi bạn chọn profile XMP trong BIOS, hệ thống mới tận dụng tốc độ và độ trễ tối ưu nhanh hơn của XMP. Với vài loại bộ nhớ, bạn có thể chọn một trong hai thiết lập XMP. Khi Intel lần đầu tung ra thiết kế hai profile bộ nhớ, profile đầu thường dành cho giới ép xung, được Intel chứng thực qua chương trình Extreme Memory Certification của Intel, còn profile thứ hai là thiết lập bộ nhớ nhanh nhất có thể, nên profile thứ hai có thể không chạy được trên mọi hệ thống.
Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất bộ nhớ sử dụng profile thứ hai như là chọn lựa thấp hơn, nhưng nằm ở mức giữa thiết lập mặc định JEDEC và thiết lập nhanh nhất. Nếu bạn muốn biết các thiết lập này cụ thể hơn, bạn có thể sử dụng tiện ích CPU-Z của CPUID để xem được thông tin profile này. Chỉ việc nhấn vào tab SPD trong CPU-Z thì bạn có thể thấy nhiều profile khác nhau có trong RAM, cũng như tần số DRAM (bạn cần nhân đôi tần số, vì bộ nhớ DDR mang hai bit thông tin ở mỗi chu kỳ) và độ trễ cho mỗi profile.
Tiến trình xác thực
Khi nhà sản xuất xác định tốc độ và độ trễ mới cho sản phẩm, họ sẽ thử nghiệm RAM ấy trên nhiều nền tảng khác nhau để kiểm tra tính tương thích. Sau khi kiểm tra xong và không có lỗi, nhà sản xuất gửi mẫu RAM đến nhà sản xuất bo mạch chủ để thử với các thiết lập XMP đề nghị.
Nhà sản xuất bo mạch chủ cũng đóng vai trò không nhỏ trong phát triển XMP. Như nhà sản xuất bo mạch chủ MSI cho biết, trong quá trình xác nhận XMP, họ điều chỉnh XMP và trao đổi với nhà sản xuất RAM để giúp XMP hoạt động hiệu quả. Tiến trình xác thực XMP không hề đơn giản. Như MSI phải làm việc với nhiều nhà sản xuất RAM như Kingston, G.Skill, Corsair, ADATA... để xác nhận XMP hoạt động tốt. Ví dụ, MSI muốn tung ra bo mạch chủ nền tảng X299 mới của Intel, cụ thể là bo mạch chủ X299 GAMING PRO CARBON AC, hãng phải xác thực nó có thể tương thích tốt với hơn 200 bộ RAM. Bộ RAM nhanh nhất là Avexir 4GB, chạy ở xung nhịp 3.800MHz và MSI cho biết bo mạch chủ này có thể hỗ trợ đến DDR4 4.266MHz.
Tiến trình xác thực XMP của Gigabyte cũng giống với MSI. Gigabyte tự thử nghiệm RAM và nhà sản xuất RAM cũng tự thử nghiệm lấy. Khi gặp trục trặc, cả hai bên mới cùng ngồi lại giải quyết. GIGABYTE có các chương trình xác thực với nhiều nhà sản xuất bộ nhớ, nhưng nhìn chung quy trình xác thực đều tốn nhiều thời gian của cả hai bên.
Mặc dù các hãng sản xuất RAM lẫn bo mạch chủ đều đưa ra nhiều bảng dài về tính tương thích sản phẩm nhưng thực tế họ không thể thử nghiệm được hết các trường hợp có trên thị trường. Vì có thể có những cặp RAM tương thích với bo mạch chủ mà chưa qua thử nghiệm, nhưng điều này không có gì đảm bảo. Intel cũng có một danh sách RAM được chứng thực XMP, bạn có thể tham khảo tại bit.ly/memchart.
Nền tảng AMD
Điều chỉnh bộ nhớ trên nền tảng AMD và Intel rất khác nhau. Hầu hết thiết lập XMP được điều chỉnh và xác thực trên nền tảng này thì không thể áp dụng trên nền tảng kia. Điều này cũng không có nghĩa là các nhà sản xuất bo mạch chủ khước từ XMP cho nền tảng AMD, mà họ chỉ đơn giản là phải làm thêm nhiều việc hơn mà thôi.
Đến nay, mọi nhà sản xuất bo mạch hỗ trợ XMP đều sử dụng AMP profile nhưng dùng các tên gọi khác nhau. ASUS gọi là D.O.C.P (Direct Over Clock Profile), còn MSI gọi là A-XMP. Trong một số trường hợp, thiết lập XMP trên nền AMD chậm hơn tốc độ thực của bộ nhớ vì dựa trên thử nghiệm của nhà sản xuất bo mạch với bộ RAM đó. Thậm chí, một số trường hợp thiết lập XMP không hoạt động được trên AMD.
Nền tảng AMD Ryzen không thực sự tải được profile XMP trực tiếp khi bạn thiết lập một profile XMP trên một chipset AMD, và bo mạch chủ sẽ phải đọc profile XMP của bộ nhớ và áp dụng thiết lập ấy thủ công. Nên thiếu hỗ trợ ở mức mặc định có thể gây ra vài vấn đề cho dù nhà sản xuất bo mạch có thử nghiệm suôn sẻ đi chăng nữa. Như có một số trục trặc về độ trễ vì không dịch được chính xác profile XMP. Hiện thời, bộ xử lý Ryzen có vẻ như có thể đạt được xung nhịp 3.200MHz và 3.600MHz nhất quán hơn nếu kết hợp đúng phần cứng.
Nhưng một số vấn đề về tốc độ XMP của Ryzen có thể khiến nền tảng AM4 khó lòng chạy mượt mà được nên nhà sản xuất bo mạch buộc phải hứa hẹn cập nhật BIOS mới cho nền tảng AM4 để có thể tăng được xung nhịp cao hơn. Đồng thời, profile XMP trên AMD cho kết quả không nhất quán.
Số hiệu phiên bản XMP
Các công cụ phần mềm và đặc tả DIMM thường cho bạn biết phiên bản Intel XMP, như là 1.2, 1.3 hay 2.0. Không có sự khác biệt nào về tốc độ giữa XMP 1.3 và 2.0, cũng như sự khác biệt phiên bản không liên quan gì đến nền tảng. Bởi vì kích thước file SPD của DDR4 lớn hơn (512KB) so với các phiên bản DDR trước đó (256KB), nên XMP phải định nghĩa lại địa chỉ SPD và do vậy có thêm phiên bản XMP 2.0. Một thay đổi khác của XMP 2.0 là SPD chứa thêm thông tin về module PCB, trong khi phiên bản 1.3 chỉ gồm thông tin về tốc độ, độ trễ và các thông số điện thế. Nhìn chung, bộ nhớ DDR3 hỗ trợ XMP 1.3, còn DDR4 hỗ trợ XMP 2.0.
Còn chỗ để ép xung bộ nhớ?
Đối với bộ nhớ tốc độ cao, các nhà sản xuất đã đưa ra những profile XMP rất "gắt" để tối đa hóa tốc độ của bộ nhớ nên sẽ không còn nhiều khoảng không để những người mê ép xung đẩy tốc độ lên cao hơn nữa. Nhưng với những bộ nhớ tốc độ thấp hơn, giới ép xung vẫn còn nhiều cơ hội. Nhìn chung, Patriot đề nghị người dùng sử dụng tốc độ XMP. Ngược lại, các nhà sản xuất bo mạch chủ luôn tìm kiếm thêm một khoảng trống nhỏ nhoi nào đó để tăng thêm "sức" cho hệ thống. Mỗi cặp bộ nhớ không có tốc độ và độ trễ cố định, duy nhất. Vì thế người dùng có thể tăng thêm hay giảm bớt chút ít tốc độ và độ trễ này.
Ví dụ, một nhà sản xuất bộ nhớ đưa ra bộ nhớ xung nhịp 3.200MHz và hãng không có cơ hội chạy thử bộ nhớ này ở 3.600MHz. Và người dùng có cơ hội nâng xung nhịp thử lên 3.600MHz. Ở viễn cảnh tệ nhất, bạn phải xóa CMOS và quay lại XMP gốc. Vài nhà sản xuất bo mạch chủ cũng đưa ra các chế độ để nhích thiết lập XMP lên. Như chế độ các profile "Memory Try It" của MSI cho phép người dùng chạy thử profile XMP cao hơn một chút so với XMP mặc định, nhưng ở cùng điện thế DIMM như XMP mặc định.
Nhanh, dễ và tuyệt
Vài người mê máy tính vẫn thích chỉnh DRAM thủ công để ép xung bộ nhớ, nhưng không thể nào nhanh gọn bằng cách chuyển XMP nếu bạn muốn tối ưu tốc độ, độ trễ và điện thế của bộ nhớ. Chúng ta cần biết rằng các nhà sản xuất bộ nhớ luôn làm việc chặt chẽ với các hãng sản xuất bo mạch chủ để đưa ra được những profile XMP thích hợp nhất, vừa vặn nhất, cho cả nền tảng Intel lẫn AMD.
Nguồn gốc của XMP Trước đây, khi NVIDIA tự thiết kế chipset riêng cho họ vào năm 2006, hãng đã giới thiệu bộ nhớ SLI, có thể chạy với bo mạch chủ nền nForce thông qua thiết lập EPP (Enhanced Performance Profile). NVIDIA đã từng làm việc với các hãng sản xuất bộ nhớ để tối ưu tốc độ thanh nhớ này và hãng đưa ra chứng thực SLI-ready. Lúc ấy, trên thị trường, bộ nhớ OCZ DDR3 2GB SLI-ready chạy ở xung nhịp 2.000MHz, có độ trễ 9-9-9-30 với mức giá 249 USD. |