Một YouTuber nổi tiếng đã hé lộ để trở thành một KOL đánh giá xe nổi tiếng sẽ phải trải qua những chông gai gì - Ảnh: Doug DeMuro/YouTube
Doug DeMuro có 4,45 triệu người theo dõi (khoảng gấp đôi dân số bang New Mexico, Mỹ). Anh đã làm nghề này được 6 năm và cho biết thực tế đằng sau hào quang có thể gói gọn trong câu: Nói những gì mình thích, nhưng phải biết nói gì cho đúng.
Luôn phải “quay nháp”
Quay video review xe không chỉ đơn giản là chụp ảnh/ghi hình, hay nhờ người khác quay khi đang cầm lái rồi sau đó viết về quá trình thử nghiệm. Chỉ đơn giản như vậy thì ai cũng có thể làm.
Một vài suy nghĩ, lời nói có thể khá hài hước khi viết thành chữ, nhưng có thể trở thành “lố bịch” khi xuất hiện trong video, tương tự với việc giao tiếp qua điện thoại sẽ khác với giao tiếp qua email.
Do đó, luôn phải thực hiện “video nháp”, luôn phải điều chỉnh phong cách khi cầm lái những chiếc ôtô khác nhau. Cũng khá tương tự việc mỗi chiếc xe nhắm đến những đối tượng người dùng khác nhau vậy.
Video 20 phút nhưng làm mất mấy ngày
Quay video cũng mất rất nhiều thời gian. Việc chỉnh sửa video trước khi đăng tải thậm chí có thể còn lâu hơn.
Một video dài 20 phút có thể mất tới 1-2 giờ quay, chỉ để có được những chi tiết quan trọng nhất cần nói, chưa tính đến sai sót hay tác động bất ngờ như thời tiết xấu đột ngột.
Việc chỉnh sửa video đánh giá xe có thể mất cả ngày, thậm chí lâu hơn. Một số video cần được bổ sung chú thích, hình ảnh lịch sử, chèn lại những câu nói có liên quan của chuyên gia hay người dùng nào đó (nếu được phép)...
Đó là khi đã quen với công việc, còn khi mới bắt đầu tập tành tìm hiểu để trở thành YouTuber thì sẽ còn mất nhiều thời gian hơn nữa.
Thời gian làm ra một video hoàn chỉnh dài 10-20 phút có thể mất nhiều ngày - Ảnh minh họa: Pinterest
Không dễ tìm được xe đánh giá
Doug cho biết mình may mắn được hãng cho mượn xe khi mới bắt đầu, nhưng phải chật vật lắm anh mới có thể xin được quay video đầu tiên (với xe mượn hãng) trong vai trò một YouTuber đánh giá xe.
Anh cho biết thường nên bắt đầu từ xe của chính mình hoặc bạn bè thân thiết, gây dựng được một nhóm người theo dõi cơ bản thì mới có thể bàn chuyện với các hãng/đại lý hoặc một chủ xe xa lạ (vốn không biết bạn là ai).
Rủi ro khi quay phim
Một khía cạnh Doug không đề cập đến trong video trải lòng là rủi ro khi quay phim, chẳng hạn tự làm mình bị thương, làm người khác bị thương, làm hư hại xe…
Rủi ro luôn thường trực, có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào. Do đó, YouTuber đánh giá xe không phải là công việc dành cho những người yếu tim.
Chắc chắn phải có khả năng tài chính hoặc khả năng vay mượn để chi trả cho những thiệt hại khi xảy ra những trường hợp ngoài ý muốn.
Một công việc “đốt tiền”
Một vấn đề đáng chú ý khác là giờ Doug có thể kiếm sống bằng kênh YouTube nhờ quảng cáo. Nhưng khi mới bắt đầu, chắc chắn gần như chỉ có chi mà không có thu. Tức là sẽ phải tự bỏ tiền ra cho những video đầu tiên.
Ngay cả khi thành danh, cũng phải làm cả những video miễn phí và được trả phí quảng cáo (và những video này sẽ phải được chú thích rõ ràng theo quy định).
Đó cũng là lý do hầu hết YouTuber phải biết quay phim và chỉnh sửa video trước khi mở kênh.
Một số người chua chát nói rằng: YouTuber là nghề có thể khiến bạn trở thành triệu phú khi xuất phát điểm bạn là… tỉ phú. Điều đó khá tương tự với những nghề “đốt tiền” khác như đua xe, chơi golf.
Doug là một người may mắn với xuất phát điểm khá cao, nên anh có thể chi trả cho việc đặt phòng nghỉ khi phải đánh giá xe lâu ngày, thanh toán tiền xăng, tiền sửa chữa nếu có. Nhưng hầu hết YouTuber khác sẽ không được như vậy.
Tâm lý vững vàng
Một điều nữa mà những ai muốn trở thành YouTuber đánh giá xe cần phải chuẩn bị trước là tâm lý. Một khi video được đăng tải, sẽ có rất nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí mỉa mai, châm chọc, khiêu khích, đặc biệt nếu lỡ nói một điều gì đó bị cho là “gà mờ”.
Người ta cũng có thể chê trách bạn đánh giá xe sai khi họ đã dùng xe cả chục năm trong khi bạn mới chỉ tiếp xúc với chiếc xe được vài ngày.
Điều quan trọng là không phải ai đúng ai sai. Internet là môi trường tranh luận. YouTuber là nghề cần cứng cỏi, và khéo léo để không đôi co với cộng đồng mạng một cách vô nghĩa, thậm chí có thể làm giảm lượng người theo dõi video.