Bắt đầu từ ngày 1-8, Zalo sẽ không cho phép người dùng sử dụng username, giới hạn danh bạ với 1.000 liên hệ, chỉ được phản hồi 40 hội thoại từ người lạ… Khi vượt quá hạn mức cho phép, bạn vẫn có thể đọc tin nhắn nhưng không thể trả lời và một số hạn chế khác.
Cụ thể, người dùng cá nhân nếu muốn sử dụng đầy đủ tính năng có thể nâng cấp lên 3 gói trả phí gồm Standard, Pro và Elite. Tuy nhiên, hiện tại Zalo chỉ mới cho phép đăng kí thử nghiệm gói Pro với giá 5.500 đồng/ngày (dùng thử miễn phí đến hết ngày 30-8) với các lợi ích gồm 120 lượt hiển thị trong kết quả tìm kiếm mỗi tháng, 120 lượt chat với người lạ, hỗ trợ danh bạ tối đa 3.000 liên hệ…
2 gói còn lại gồm Standard (giá 2.800 đồng/ngày) và Elite (55.000 đồng/ngày) chưa ấn định ngày ra mắt.
Trước đó vào ngày 22-6, Zalo cũng đã triển khai thu phí đối với tài khoản OA doanh nghiệp với 4 lựa chọn, đơn cử như gói cơ bản (miễn phí), gói dùng thử (10.000 đồng/tháng), gói nâng cao (59.000 đồng/tháng) và gói Premium (399.000 đồng/tháng).
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Zalo là nền tảng nhắn tin có lượng người sử dụng lớn nhất tại Việt Nam (hơn 70 triệu người dùng), hỗ trợ gửi hơn 620 tỉ tin nhắn, 52 tỉ phút gọi video và 14 tỉ thông báo khẩn trong thời gian chống dịch.
Zalo được sử dụng nhiều trong công tác tuyên truyền với người dân. Ảnh: TIỂU MINH
Tuy nhiên, nếu xét về vấn đề an toàn, tiện dụng và đồng bộ dữ liệu, có rất nhiều ứng dụng ‘ăn đứt’ Zalo. Thay vì giới hạn các tính năng cơ bản (người dùng nào cũng cần), Zalo nên phát triển những tính năng nâng cao để dành riêng cho những ai muốn trả phí.
Đa số các ứng dụng nhắn tin tức thời (OTT) đều có các gói trả phí với những tính năng nâng cao. Đơn cử như Discord có gói Nitro (sử dụng các stickers riêng biệt), Telegram cũng thu phí nhưng chỉ dành cho những tính năng nâng cao nhất.
Nhiều người hiện tại đã bắt đầu từ bỏ Zalo và chuyển sang sử dụng các nền tảng nhắn tin khác, đơn cử như Telegram, Viber, Messenger…