Có được một công việc phù hợp, có khả năng phát triển là điều không hề đơn giản, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế không nằm ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Để chứng minh được bản lĩnh của mình, cho nhà tuyển dụng thấy được bản thân phù hợp hơn ai hết cho vị trí đó, ứng viên cần thể hiện được năng lực, kinh nghiệm cũng như khả năng tư duy của mình.
Ngày nay, việc phỏng vấn ngày càng trở nên đa dạng hơn, khi các câu hỏi phỏng vấn không còn chỉ giới hạn trong những vấn đề về nghiệp vụ. Thông qua các câu hỏi, nhà tuyển dụng còn muốn kiểm tra khả năng phản ứng, thích nghi, sự linh hoạt, cách đối nhân xử thế…
Lý Dung là người đã từng thất bại trong nhiều cuộc phỏng vấn tuyển dụng. Kết quả học tập cũng như hồ sơ xin việc của cô nhìn chung không có vấn đề gì song đã “rải” hồ sơ kha khá nơi nhưng Dung vẫn chưa nhận được lời đề nghị chính thức nào.
Không nản lòng, cô nàng tiếp tục gửi hồ sơ tới các công ty đang tuyển dụng. Lý Dung tin rằng, nhất định mình kiên trì thì sẽ tìm được công việc phù hợp.
Lần này, cô nộp hồ sơ xin việc vào một công ty tài chính. Sau khi nhận được lời hẹn phỏng vấn, Lý Dung đã chuẩn bị rất nhiều cả về tinh thần và kiến thức chuyên môn. Cô biết mình cần thể hiện thật tốt để có được vị trí này.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như kinh nghiệm từng tham gia phỏng vấn ở nhiều công ty, Lý Dung nhanh chóng vượt qua các câu hỏi về nghiệp vụ. Nửa đầu buổi phỏng vấn trôi qua trong êm đẹp, cô nàng tự tin bước vào vòng phỏng vấn cuối cùng cùng 3 ứng viên khác.
Trái với những dự đoán của các ứng viên, nhà tuyển dụng đã đưa ra một câu hỏi khiến tất cả phải bất ngờ. Đó không phải là một câu hỏi cao siêu về nghiệp vụ mà là một câu hỏi có vẻ không liên quan gì đến vị trí công ty này tuyển dụng.
“Nếu bạn đứng trước lời đề nghị, nhận 3,5 tỷ đồng để đi tù thay trong 1 năm, bạn có đồng ý không? Hãy trả lời sau 3 phút suy nghĩ”.
Cả căn phòng rơi vào trạng thái im lặng. Ai nấy đều bất ngờ với nội dung câu hỏi đưa ra song nhanh chóng suy nghĩ để đưa ra câu trả lời của mình.
Một nam thanh niên nhanh nhẹn giơ tay ra hiệu muốn trả lời đầu tiên.
"Đầu tiên, tôi cho rằng câu hỏi này hoàn toàn không có giá trị. Sẽ chẳng ai đưa tôi 3,5 tỷ đồng để tôi đi tù thay trong vòng 1 năm. Và vì câu hỏi vốn không có giá trị nên tôi xin phép không trả lời tình huống này”, chàng thanh niên quả quyết đáp.
Nhà tuyển dụng nghe xong câu trả lời của ứng viên đầu tiên thì không nói gì mà chỉ mỉm cười. Ông ra hiệu người tiếp theo hãy đưa ra câu trả lời của mình. Đó là một cô gái trông có vẻ còn ít tuổi:
“Thực ra, với tôi đây cũng có thể coi như một lời đề nghị công việc đầy hấp dẫn. 3,5 tỷ đồng cho thời gian một năm không phải là quá hời sao. Tôi nghĩ không nên có sự phân biệt công việc ở đây. Tôi sẽ nhận lời đề nghị hấp dẫn đó”.
Câu trả lời của cô gái có lẽ nằm ngoài suy đoán của nhà tuyển dụng. Ông đã nhíu mày, thể hiện sự ngạc nhiên trước suy nghĩ kỳ lạ của ứng viên.
Ứng viên thứ 3 là một người đàn ông đã dày dặn kinh nghiệm. Ông rất tự tin với câu trả lời của mình:
"Đầu tiên, tôi sẽ nhận lời đề nghị 3,5 tỷ đồng đó nhưng tôi sẽ không đi tù. Kế hoạch của tôi là sẽ nhận 3,5 tỷ đồng rồi tiêu một nửa và dùng một nửa còn lại để đề nghị người khác đi tù thay. 1,75 tỷ đồng theo tôi là đủ hấp dẫn để tìm được người đi tù thay rồi”.
Câu trả lời của ứng viên này đã khiến nhà tuyển dụng ấn tượng về khả năng phản ứng.
Cuối cùng cũng đến lượt Lý Dung. Cô trả lời dứt khoát:
“Tôi sẽ không bao giờ đồng ý với đề nghị đó. Vấn đề chúng ta đang bàn đến không phải 3,5 tỷ mà là 3,5 tỷ đồng để đi tù thay người khác. Làm sao có thể vì tiền mà làm một việc trái luật pháp như vậy được? Người đó dù là mắc tội gì và mức án là bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng phải thực thi đúng và đủ, tuân theo pháp luật.
Dùng đồng tiền để làm trái pháp luật là điều không thể chấp nhận được. Sao tôi có thể đồng ý với lời đề nghị này, khiến cho người đó nghĩ rằng ở xã hội này, chỉ cần có tiền là giải quyết được hết mọi việc. Họ đã làm sai thì phải nhận hình phạt thích đáng”.
Sau khi nghe câu trả lời của cả 4 người, cuối cùng nhà tuyển dụng đã quyết định bắt tay Lý Dung. Ông nói:
"Xã hội này ngày càng có lắm người tài nhưng cũng ngày càng có nhiều người đánh mất lòng tự trọng, cái tôi của chính mình. Người có tài mà hành động trái đạo đức thì không những vô ích mà còn gây hại cho xã hội. Dù là trong bất kỳ công việc nào, giữ vững được bản lĩnh, sự chính trực của mình luôn là điều quan trọng, được đánh giá cao”.
Nếu là bạn, bạn sẽ trả lời thế nào?