Chiều 7/9, bà Thanh Thuý - phó giám đốc Sở Văn hoá Thể thao TP.HCM - xác nhận với chúng tôi thông tin diễn viên điện ảnh Thẩm Thuý Hằng đã qua đời. Bà mất tại nhà riêng vào rạng sáng 7/9, hưởng thọ 82 tuổi.
Bà Dương Cẩm Thúy, chủ tịch Hội điện ảnh TP.HCM cho biết, sức khỏe Thẩm Thuý Hằng suy yếu vài tháng gần đây. Hiện gia đình chờ người con ở nước ngoài về để lo hậu sự. Lễ viếng diễn viên Thẩm Thuý Hằng dự kiến được tổ chức tại nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Thẩm Thúy Hằng sinh năm 1940 tại Hải Phòng, là ngôi sao sáng nhất của điện ảnh thương mại miền Nam Việt Nam giai đoạn cuối thập niên 1950 đến cuối thập niên 1970. Bà tham gia nhiều bộ phim, trong đó nhiều phim hợp tác với Mỹ, Philippines, Thái Lan, Hồng Kông, Nhật Bản,... Tên tuổi của bà không chỉ nổi tiếng tại Việt Nam mà còn được biết tới tại các nước trong khu vực.
Với vai diễn đầu tiên Tam Nương trong phim “Người đẹp Bình Dương” năm 1958, Thẩm Thúy Hằng nổi lên như một ngôi sao điện ảnh và chinh phục khán giả màn ảnh rộng lúc bấy giờ. Cái tên “Người đẹp Bình Dương” đã đi theo Thúy Hằng suốt cuộc hành trình nghệ thuật thập niên 50 - 60.
Cái tên “Người đẹp Bình Dương” đã đi theo Thúy Hằng suốt hành trình nghệ thuật
Sau khi trở thành ngôi sao, Thẩm Thúy Hằng được các hãng phim lúc bấy giờ mời vào vai chính liên tục. Bà đóng rất nhiều phim (khoảng 60 phim) và trở thành minh tinh số một với tiền cát-xê một triệu đồng cho một vai diễn (tương đương một kg vàng 9999 thời bấy giờ).
Năm 1969, bà đứng ra thành lập nhóm làm phim riêng mang tên Thẩm Thúy Hằng, tiền thân của hãng Vilifilms nổi tiếng ở Sài Gòn sau này. Bộ phim đầu tiên của bà trong vai trò chủ hãng là “Chiều kỷ niệm”. Sự thành công rực rỡ của “Chiều kỷ niệm” giúp tên tuổi của Thẩm Thúy Hằng thêm nổi tiếng, bà tiếp tục cho ra đời thêm các bộ phim “Nàng”, “Ngậm ngùi”… đều thu được thành công rực rỡ.
Thẩm Thúy Hằng được nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú
Không chỉ điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn tham gia lĩnh vực sân khấu, đóng kịch và diễn cải lương. Ban Thẩm Thúy Hằng là một trong những ban kịch được yêu thích ở Sài Gòn thời gian đó. Trong vai trò trưởng ban, bà viết kịch bản, dàn dựng và đóng vai chính. Một số vở thành công như “Người mẹ già”, “Suối tình”, “Đôi mắt bằng sứ”... Trên sân khấu cải lương, Thẩm Thúy Hằng có vai vũ nữ Cẩm Lệ trong vở “Bóng chim tăm cá” của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga...
Sau 1975, Thẩm Thúy Hằng ở lại Việt Nam. Bà tiếp tục tham gia những bộ phim điện ảnh “Như thế là tội ác”, “Ngọn lửa Krông Jung”, “Hồ sơ một đám cưới”, “Đám cưới chạy tang”… Ở lĩnh vực sân khấu, Thẩm Thúy Hằng có những vai diễn dáng chú ý trong “Cho tình yêu mai sau”, “Đôi bông tai”, “Hoa sim gai trắng”, “Biệt thự hoang tàn”... Vai diễn cuối cùng của Thẩm Thúy Hằng là vai Phồn Y trong vở “Lôi Vũ” của đoàn kịch Kim Cương.
Thẩm Thúy Hằng được nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Hình ảnh Thẩm Thúy Hằng thời trẻ
Năm 1959, Thẩm Thúy Hằng lập gia đình với một người chồng lớn hơn bà 2 tuổi, theo sự sắp xếp của mẹ và các anh. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân tan vỡ sau 5 năm, dù 2 người đã có chung 1 con (sinh năm 1961).
Năm 1968, bà gặp ông Nguyễn Xuân Oánh, một Tiến sĩ Kinh tế lớn hơn bà 19 tuổi. Chính ông là người giúp đỡ bà lập ra hãng phim Thẩm Thúy Hằng. Năm 1970, bà chính thức lên xe hoa lần thứ 2. Hai người có với nhau 4 người con.