“Người mẹ đặc biệt” của những đứa trẻ có mẹ là F0

Thấu hiểu hoàn cảnh của các em bé có bố mẹ là F0, Đặng Thị Loan (sinh năm 1996, sống tại TP. HCM) đã quyết định đăng ký trở thành tình nguyện viên của trung tâm H.O.P.E do Bệnh viện Hùng Vương thành lập.

“Người mẹ đặc biệt” của những đứa trẻ có mẹ là F0 - 1

Đặng Thị Loan vốn là một giáo viên mầm non nhưng vì tình hình dịch bệnh tại TP. HCM diễn biến phức tạp, nên cô phải tạm nghỉ làm. Có thời gian rảnh, Loan liền đăng ký trở thành tình nguyện viên chăm sóc cho hàng chục bé sơ sinh có bố mẹ là F0 tại trung tâm H.O.P.E.

“Mình đã không ngần ngại đăng ký tham gia vì thấy thương cho hoàn cảnh của các em. Mình đã tiếp xúc với nhiều trẻ em qua công việc giáo viên nên mình hiểu và thương các em rất nhiều”, Loan thổ lộ. Ngày 22/8, Loan bắt đầu hành trình làm “bảo mẫu không chuyên” của mình.

“Người mẹ đặc biệt” của những đứa trẻ có mẹ là F0 - 2

Loan đã cùng các tình nguyện viên khác trở thành những “người mẹ bất đắc dĩ” của hơn 80 đứa bé tại trung tâm H.O.P.E. Hằng ngày, các tình nguyện viên sẽ thay nhau trực ca ngày hoặc ca đêm. Với vai trò là một trưởng nhóm, mỗi ngày Loan đều “tất bật” hoàn thành rất nhiều công việc. Không chỉ chăm sóc các bé, cho các em uống sữa hay thay quần áo, mà Loan còn phải vệ sinh bình sữa, khử khuẩn phòng,…

Ngoài ra, Loan còn làm thêm công tác hậu cần, hành chính và phải quan sát tình hình xung quanh để kịp nắm bắt, giải quyết vấn đề một cách nhanh nhất. Sau khi hoàn thành công việc mình phụ trách, cô còn hỗ trợ các nhóm khác. Có người hỏi vui “Năng lượng ở đâu mà nhiều thế?”, Loan chỉ mỉm cười: “Tất cả đều vì tấm lòng yêu thương trẻ em”.

“Người mẹ đặc biệt” của những đứa trẻ có mẹ là F0 - 3

Là một giáo viên mầm non nên Loan thấu hiểu và rất thương các em nhỏ.

Đa phần các tình nguyện viên đều là những cô gái rất trẻ, chưa lập gia đình nên khi mới bắt đầu công việc, không thể tránh khỏi sự sai sót. Mặc dù từng có kinh nghiệm chăm sóc trẻ em, nhưng Loan cho biết cô vẫn gặp những khó khăn nhất định.

Loan tâm sự: “Những bé mầm non đã có thể nói chuyện, giao tiếp nên việc chăm sóc sẽ đỡ vất vả hơn các bé sơ sinh”. Loan cho rằng công việc này không quá áp lực nhưng vất vả thì có. Tất cả các bạn tình nguyện viên ở đây đều làm việc 200% công suất và luôn giúp đỡ, hỗ trợ nhau ở các ca trực.

Loan bộc bạch: “Chúng tôi từng là những con người xa lạ, nhưng điều gắn kết chúng tôi tại trung tâm H.O.P.E chính là tình yêu thương vô bờ bến đối với những bé sơ sinh”. Chính tình yêu ấy đã giúp Loan và các tình nguyện viên vượt qua mọi khó khăn.

“Người mẹ đặc biệt” của những đứa trẻ có mẹ là F0 - 4

Sau khi hoàn thành 5 tuần tình nguyện ở trung tâm H.O.P.E, Loan sẽ trở về với công việc giáo viên của mình.

Đối với Loan, kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi gia đình và người thân đến đón các bé về. Loan phấn khởi, chia sẻ: “Đó là điều đáng lẽ mình nên vui cho các bé, nhưng mình vẫn không thể kiềm chế được cảm xúc của bản thân khi chứng kiến cảnh các bé rời khỏi vòng tay mình để trở về bên gia đình”.

Bên cạnh đó, Loan và các tình nguyện viên thường gửi hình ảnh của các bé và lời chúc của đội ngũ y, bác sĩ để động viên những bà mẹ F0 đang điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương. Loan nhấn mạnh chính điều này đã tiếp thêm động lực, sức mạnh giúp các bà mẹ sớm khỏi bệnh và đón các con về bên mình.

Loan cho biết vào cuối tháng 9, sau khi hoàn thành 5 tuần tình nguyện tại trung tâm H.O.P.E, cô sẽ trở về với công việc chăm sóc, dạy dỗ cho trẻ mầm non. Đồng thời, Loan bày tỏ mong muốn dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát để mọi người trở về với nhịp sống ban đầu. Ngay khi dịch được kiểm soát tốt, cô sẽ quay trở lại trường học để làm lễ ra trường cho các bé mầm non năm nay sẽ vào lớp 1.