Giới trẻ càng ngày càng không muốn hẹn hò, kết hôn là vấn đề xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, nhất là tại các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, câu chuyện khác một chút. Tỉ lệ người trẻ xứ mặt trời mọc thuộc cả hai giới chọn cuộc sống độc thân ngày càng tăng cao, nhưng không phải phụ nữ như ở nhiều nơi, mà đàn ông mới là người ngại kết hôn hơn.
1/3 đàn ông Nhật sẽ không kết hôn
Viện nghiên cứu an sinh xã hội và dân số quốc gia gần đây đã tuyên bố rằng 24% đàn ông Nhật Bản chưa kết hôn ở tuổi 50, so với 14% ở phụ nữ. Điều tra mức sinh quốc gia năm 2015 (đối với nam và nữ từ 18 đến 34 tuổi chưa kết hôn) cho thấy 60% nam giới và 50% nữ giới cho biết họ “chưa muốn kết hôn”. 48% nam giới trả lời khảo sát cho biết “Tôi không nghĩ mình sẽ cô đơn ngay cả khi tiếp tục sống một mình” - tăng 10% so với năm 1997.
Kazuhisa Arakawa, tác giả của cuốn Xã hội siêu độc thân: Cú sốc của quốc gia độc thân cho rằng đây mới chỉ là sự khởi đầu.
Ông nói: “Người ta ước tính rằng vào năm 2035, cứ ba người đàn ông thì có một người sẽ không kết hôn cả đời. Tỷ lệ người chưa kết hôn suốt đời (những người vẫn chưa kết hôn ở tuổi 50 được chính phủ Nhật Bản coi là có 0% cơ hội kết hôn trong tương lai) bắt đầu tăng nhanh vào những năm 1990. Trước đó, từ những năm 1980 trở về trước, hầu hết mọi người ở Nhật Bản đều sẽ kết hôn”.
Hiện 1/4 đàn ông Nhật không kết hôn và con số sẽ tăng lên 1/3 trong 10 năm
Không có thời gian để thấy cô đơn
Sự biến động kinh tế, xã hội góp phần lớn vào thay đổi này. Cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 là thời điểm bong bóng kinh tế Nhật Bản bị vỡ. Trong 30 năm kể từ đó, thu nhập trung bình của người lao động giảm dần đều. Mối bận tâm về tài chính cho tương lai là một trong những lý do khiến nam thanh niên trốn tránh trách nhiệm hôn nhân. Ở Nhật đến nay vẫn có quan niệm phổ biến sau khi kết hôn, nam giới phải là trụ cột kinh tế gia đình, đồng nghĩa với việc họ bị hạn chế quyền tự do sử dụng tiền. Họ sống độc thân vì muốn sử dụng tiền cho bản thân.
Văn hóa vô cùng mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống của người Nhật đã hình thành nên một thế hệ hoàn toàn thoải mái với việc sống một mình. Đơn giản là họ không có thời gian để cảm thấy cô đơn vì làm việc quá nhiều.
Trong khi ngày càng có nhiều phụ nữ đi làm thay vì ở nhà nội trợ như chuẩn mực truyền thống đã lỗi thời, thì sự bình đẳng mới này cũng không giúp được gì cho nam giới. Họ vẫn phải chịu gánh nặng của môi trường làm việc thường xuyên bị áp lực và tăng ca khủng khiếp.
Văn hóa làm việc điên cuồng đã hằn sâu vào xã hội xứ Phù Tang
Riku Inamoto, 36 tuổi ở Tokyo cho biết: “Tôi có hai thứ chiếm hết thời gian trong đời: công việc và sở thích của tôi. Tôi không thể ngừng làm việc, vì vậy nếu tôi kết hôn, tôi sẽ mất đi sở thích của mình, đồng nghĩa với việc tôi sẽ không còn niềm vui. Đó sẽ là một cuộc sống khủng khiếp. Tôi thích có thời gian và không gian riêng, có thể tự quyết định mọi thứ, ăn những gì mình thèm, đi những nơi mình muốn. Tôi có những người bạn đã lập gia đình mà bây giờ trông rất già. Họ không có vẻ hạnh phúc. Tại sao tôi muốn kết hôn làm gì chứ? Tôi đang có một cuộc sống tốt".
Nền văn hóa chấp nhận người độc thân
Người Nhật thuộc mọi giới tính đang ngày càng thể hiện sự ưa thích tự do cá nhân hơn các mối quan hệ. Tư tưởng “thích một mình” này của họ không bị phản đối, phán xét và không bị cho là lập dị như tại nhiều quốc gia châu Á khác, đặc biệt là ở thành phố lớn. Các thành phố của Nhật Bản giúp bạn có một cuộc sống tiện lợi dù độc thân: những quán ăn, quán bar, cửa hàng, khách sạn hay cả quán karaoke phục vụ khách đi một mình có ở khắp mọi nơi.
Ông Arakawa nói: “Gần đây, càng ngày càng có nhiều dịch vụ dành cho những người đi du lịch một mình. Theo thống kê thì có khoảng 80% người Nhật thường ăn trưa một mình. Bạn có thể đi chơi và giải trí, tận hưởng một mình dễ dàng ở các nhà hàng, quán karaoke, sở thú và công viên giải trí”.
Nhà hàng cho thực khách đi một mình rất phổ biến
Không chủ động tìm kiếm tình yêu
Ông Arakawa cũng chỉ ra rằng chỉ có 30% đàn ông Nhật Bản chủ động trong chuyện tình cảm. Trong số 42% đàn ông Nhật Bản độc thân trong độ tuổi 18-34, chỉ 30% vẫn còn nung nấu ý định hẹn hò, tìm kiếm đối tác. Cứ 10 người đàn ông Nhật Bản thì có 7 người không hề cố gắng hẹn hò và tất nhiên điều này dẫn đến gặp khó khăn trong việc kết hôn. Tệ hơn nữa, hầu hết phụ nữ cũng thụ động.
Tuy nhiên, thực trạng này không phải do sự mệt mỏi hay thờ ơ với tình yêu. Junichi Mishima, 31 tuổi, đến từ Fukuoka cho biết: “Tôi không biết liệu mình có muốn sống độc thân hay không, nhưng tôi nghĩ mình thấy lựa chọn này dễ dàng hơn. Tôi không tự tin nói chuyện với phụ nữ và tôi có thể sống thiếu họ. Tôi thích đọc sách, chơi game và không nghĩ đến chuyện hẹn hò”.
Nhiều người chọn độc thân đơn giản vì không quá mặn mà yêu đương
Tương lai vẫn ổn
Xu hướng độc thân gia tăng này không phải là không có hậu quả. Vấn đề đáng lo ngại nhất chính là già hóa dân số và thiếu lực lượng lao động trong tương lai. Tuy nhiên, ông Arakawa không lo lắng.
Ông nói: “Không cần phải bi quan. Hiện tượng tương tự đã xảy ra vào thế kỷ 18 ở Nhật Bản. Nền văn hóa Nhật Bản tồn tại cho đến ngày nay được tạo ra trong hoàn cảnh đó. Văn hóa ẩm thực như sushi (thức ăn nhanh dành cho đàn ông độc thân vào thời bấy giờ) và tempura, văn hóa thần tượng và cosplay đều được tạo ra vào thời điểm này. Một xã hội có nhiều người sống một mình thì tự khắc sẽ sinh ra văn hóa để đáp ứng nhu cầu của họ”.
“Từ góc độ cá nhân, mặc dù hôn nhân có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần, nhưng người Nhật không có quan điểm đặc biệt tiêu cực về việc sống một mình. Những người sợ sống một mình là những người đàn ông đã ly hôn. Họ có xu hướng cực kỳ phụ thuộc vào vợ và tỷ lệ tự tử là cao nhất trong số họ”, Arakawa nhận định.
Người Nhật thấy ổn khi sống một mình
Tỷ lệ kết hôn giảm không có nghĩa là Nhật Bản sẽ trở thành một xã hội cô đơn, nơi các cá nhân sống mà không có bất kỳ mối quan hệ nào. Không thể nhầm lẫn giữa việc ở một mình và bị cắt đứt khỏi xã hội. Mọi người vẫn kết nối với nhau, chỉ là họ không đặt việc phải tìm kiếm ai đó để ở bên mọi lúc và lâu dài lên làm ưu tiên hàng đầu. Sự độc lập về mặt cảm xúc giúp người Nhật thấy ổn khi ở một mình.
“Đó là một con đường cô đơn, nhưng chúng ta không đơn độc”, ông Arakawa cho biết.
Nguồn: Flash Pack