Khi một phụ nữ bị tổn thương bởi chính cuộc hôn nhân của mình, điều cô ấy muốn làm nhất có lẽ là ngay lập tức mang đứa con rời khỏi ngôi nhà đau khổ này. Tuy nhiên, cô và chồng cũ đã ly hôn được 10 năm, trong suốt quãng thời gian ấy cô và con trai vẫn ở chung với chồng cũ.
Chồng cũ của cô đã tái hôn và có con, cô trở thành người thừa trong nhà, nhưng vì sao cô lại không chịu ra đi. Đọc xong câu chuyện của cô ấy, có lẽ bạn sẽ hiểu được phần nào.
***
Khi còn nhỏ, cô đã sớm mồ côi bố lẫn mẹ, sống nhờ vào sự giúp đỡ của người thân và họ hàng. 28 tuổi, qua sự giới thiệu của người khác, cô gặp được chồng cũ và tiến tới hôn nhân.
Lần đầu tiên yêu và cưới chồng, cô ngập tràn trong niềm vui và sự hạnh phúc. Cô nghĩ rằng, cuối cùng mình cũng có được một mái ấm gia đình riêng. Dù chồng cô lúc đó đã lớn tuổi, có bệnh trong người, bố chồng cũng thường xuyên đau ốm cần người chăm sóc nhưng cô không ngại những vất vả ngày.
Từ khi bước chân vào ngôi nhà này, một mình cô phải làm hết mọi việc trong nhà. Chồng cô phải ra ngoài kiếm tiền, vì thế mọi chuyện trong gia đình cô phải đảm đương hết, gánh nặng chăm sóc bố mẹ chồng cũng dồn hết lên vai cô.
Dưới sự chăm sóc tích cực của cô, tình trạng sức khỏe của bố chồng bắt đầu cải thiện, ông đã có thể đi lại được bằng nạng. Hàng xóm xung quanh cũng ghen tị vì tìm được một cô con dâu tốt, không ngớt lời khen cô hiếu thảo.
Vào năm thứ 2, cô sinh được một bé trai đáng yêu cho gia đình chồng, khỏi phải nói 2 ông bà mừng rỡ vô cùng. Thế nhưng, chồng cô lại chẳng biết trân trọng một người vợ tốt như vậy. Khi con trai vừa tròn 1 tuổi, chồng cô có người phụ nữ khác bên ngoài.
***
Vì con, cô không thể đệ đơn ly hôn với chồng cũ nhưng không ngờ chồng cũ lại nhất quyết đòi ly hôn. Trong cơn tuyệt vọng, cô đành ký tên vào tờ giấy ly hôn.
Vì con trai còn quá nhỏ nên được tòa án trao quyền nuôi dưỡng cho cô. Sau khi ly hôn, cô không biết mình nên đi đâu, cô không có gia đình ruột thịt để quay về, cũng không có nhiều tiền để có thể thuê nhà và gửi con cho người khác chăm để đi làm. Nhưng hoàn cảnh lúc này buộc cô phải rời khỏi gia đình chồng.
Hôm đó, khi cô thu dọn hành lý và định đưa con trai đi, bố chồng chống nạng đứng dậy nắm lấy tay van xin cô đừng đi, mẹ chồng lúc đó cũng rơi nước mắt vì thương con dâu.
Sau 3 năm làm dâu, cô có mối quan hệ rất tốt với bố mẹ chồng. Từ nhỏ cô đã không có bố mẹ nên lúc nào cô cũng suy nghĩ muốn chăm sóc bố mẹ chồng thật tốt như người thân ruột thịt của mình.
Bố mẹ chồng cũng rất yêu quý cô, 3 năm qua nhờ cô chăm sóc mà sức khỏe của họ mới tốt lên như bây giờ. Nếu không có cô, có lẽ sức khỏe của họ sẽ ngày càng kém đi.
***
Nhìn thấy ánh mắt van xin của bố mẹ chồng, cô khóc và hứa rằng sẽ không đi nữa. Họ cũng bảo sẽ coi cô như con gái trong nhà, vẫn yêu thương cô như vậy.
Chính vì lý do này mà sau khi ly hôn, cô vẫn sống chung với chồng cũ. Trong suốt 10 năm sau đó, chồng cũ và vợ mới của anh ta đều thờ ơ với bố mẹ và cô. Cô vì thương bố mẹ chồng mà quán xuyến, lo hết mọi chuyện trong gia đình.
Suốt 10 năm, mặc dù có nhiều người mai mối cho cô, cũng có những người đàn ông khác theo đuổi nhưng cô vẫn chỉ chú tâm chăm sóc bố mẹ chồng cũ và nuôi dạy con trai mình.
Lòng tốt của cô cuối cùng cũng được đền đáp. Sau đó, mẹ chồng cũ của cô đã tìm luật sư, lập di chúc và để lại toàn bộ tiền tiết kiệm lẫn nhà cửa cho cô và các cháu.
Mặc dù có nhiều lời ra tiếng vào không tốt về mình nhưng cô không muốn giải thích vì tự hiểu rằng, chỉ cần không hổ thẹn với chính bản thân là được.
Một số người hiểu được hoàn cảnh của cô nên rất thông cảm. Con trai cô bị bệnh tim bẩm sinh, tốn rất nhiều tiền để phẫu thuật, sau đó còn cần phải tái khám và điều trị thường xuyên. Bởi vậy, đa số mọi người đều ủng hộ cô, cho rằng cô xứng đáng với những tài sản mẹ chồng cho.
Đối với phụ nữ, hôn nhân rất quan trọng, nhưng khi có biến cố xảy ra, họ cần dũng cảm đứng dậy và làm lại từ đầu. Giống như cô vậy, độc lập, mạnh mẽ để đối phó với những khó khăn trong cuộc sống. Cứ cho đi ắt sẽ nhận lại, nếu không bằng cách này sẽ bằng cách khác.