12 điều ai cũng thắc mắc từ hồi bé nhưng lại lười tra Google

Đây là những câu hỏi chúng ta ai cũng có từ hồi xưa, có thể dễ dàng tìm được câu trả lời nhờ Google ngày nay, nhưng bằng cách nào đó chúng ta vẫn luôn quên mất không để tâm đến nữa.

Và rồi khi lớn lên, khi những điều khác quan trọng hơn chiếm lấy tâm trí, chúng ta lại quên béng đi những câu hỏi năm xưa, để rồi một khoảnh khắc nào đó khi nhìn thấy những cảnh tượng tương tự, chúng ta lại vò đầu bứt tai như hồi còn bé: "Ô, tại sao lại như thế nhỉ?"

1. Vì sao có hiện tượng nổi da gà?

Đây là hiện tượng cơ thể chúng ta đã được thừa hưởng từ tổ tiên loài người xưa kia. Ở động vật, nổi da gà là cơ chế sinh học giúp cơ thể giữ nhiệt khi trời trở lạnh, do nhiệt độ khó phân tán hơn qua lỗ chân lông được bít, hoặc khiến cơ thể bỗng trở nên "to phồng" hơn một chút, để tự vệ khi gặp kẻ thù nguy hiểm. Chẳng phải chúng ta cũng như vậy khi lạnh hoặc hoảng sợ đột ngột hay sao?

2. Tại sao chúng ta không thể nhận ra giọng mình khi được ghi âm?

Âm thanh bản chất là những rung động có tần số trong không khí. Khi giọng chúng ta được ghi âm, thì máy ghi âm cũng chỉ thu được rung động như vậy. Tuy nhiên, khi chúng ta nghe được giọng nói của chính chúng ta thì bản chất lại khác một chút. Những rung động mà màng nhĩ cảm nhận được lúc đó, không đơn thuần chỉ là từ giọng nói của chúng ta, mà còn là những rung động tần số thấp phát ra từ xương trong cơ thể chúng ta nữa. 

3. Tại sao khi ăn đồ lạnh đột ngột thì chúng ta đau đầu?

Chắc cũng không ít lần vì quá thèm thuồng món kem mà bạn vội cắn để rồi thấy... hơi nhức óc một chút mới tỉnh đúng không? Đó là vì các mạch máu khoang miệng khi tiếp xúc với đồ lạnh liền lập tức bị co lại do nhiệt độ thấp, giảm máu lên khu tiếp nhận làm đau đầu.

4. Tại sao đi dưới nắng thì da tối đi nhưng tóc lại sáng lên?

Melanin - tế bào sắc tố là yếu tố đứng sau cả 2 trường hợp này. Khi mặt trời chiếu vào, ánh nắng sẽ phá vỡ melanin nhưng ở tóc thì chúng không phục hồi, nên màu tóc càng phai và nhạt hơn. Còn ở da, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách hồi phục melanin mạnh mẽ hơn nữa, khiến cho màu da sạm đi.

5. Tại sao đối với trẻ em thì thời gian có vẻ trôi chậm hơn bình thường?

Trẻ em phải học và ghi nhớ nhiều thứ hơn người lớn, do đó trong cùng một khoảng thời gian thì trẻ em cảm nhận được nhiều điều đặc biệt hơn so với người lớn, vốn dĩ đã quen thuộc với những thứ đó rồi. Một tuần có ý nghĩa với trẻ em hơn hẳn so với những người trưởng thành.

6. Tại sao khi ăn chanh thì chúng ta thường tự nhắm mắt?

Đơn giản thôi, đó là phản xạ tự nhiên để bảo vệ mắt khỏi việc bị nước chanh bắn vào đó! Xảy ra thật thì chắc bạn biết hậu quả là gì rồi nhỉ?

7. Tại sao bụi dính trên nền đen thì có màu trắng, còn rơi lên nền trắng thì lại thành màu đen?

Thật ra màu chính xác của những hạt bụi li ti này là xám, nhưng vì kích cỡ chúng quá nhỏ nên chúng ta thường nhìn vào sự khác nhau đậm nhạt, sáng tối của bụi và nền hơn là chúng thực sự có màu gì.

8. Sao chim hay bay thành đàn có hình chữ V?

Trước hết, làm thế chúng sẽ tiết kiệm được sức lực hơn: Những con bay trước vỗ cánh tạo ra các tác động gió thổi ra sau, làm tác nhân cho những con bay sau dễ lướt gió và bay qua hơn. Hơn nữa, bay như vậy chúng sẽ luôn thấy và tuân theo được con đầu đàn.

9. Vì sao mà chúng ta thấy chóng mặt buồn nôn bởi ngoại cảnh hoặc say sóng, say xe?

Đó là vì não bộ chúng ta bị "loạn trí" do thấy nhiều nhân tố khác biệt được cảm nhận cùng lúc. Chẳng hạn, khi ở trên tàu, tai bạn nghe và cảm nhận được nhịp điệu của biển qua tiếng sóng, nhưng mắt thì không. Não bộ cố gắng làm chúng khớp với nhau, dù điều đó càng làm tình trạng "quay cuồng" diễn ra nhanh hơn.

10. Tại sao khi lấy thử máu toàn lấy ở ngón áp út?

Vì ngón cái và ngón út là 2 ngón có mạch máu nối đến toàn bộ mạng lưới ở cổ tay, cho nên các bác sỹ đều khuyến nghị không "động chạm" gì đến 2 ngón đó, vì nếu có sai sót lây truyền gì thì sẽ ảnh hưởng đến cả phần cánh tay của bạn. Ngoài ra, ngón áp út là ngón ít đau nhất.

11. Tại sao mắt chúng ta không thấy lạnh kẻ cả khi cơ thể đang rét run?

Không có cơ quan thụ cảm nhiệt độ nào gắn với mắt cả. Và phần lớn con ngươi của chúng ta được bảo vệ bởi phần hộp sọ có đầy rẫy các mạch máu "nóng hổi" xung quanh.

12. Khi đi WC trên máy bay, chất thải sẽ "đổ" đi đâu?

Khi ấn nút xả bồn cầu trên máy bay, một cái van sẽ mở ra và chất thải sẽ được đổ xuống đó, sau đó được luân chuyển vào một cái thùng chứa chất thải. Một thùng như vật có thể chứa đến 70kg chất thải, và sau khi máy bay hạ cánh một chiếc xe tải đặc biệt sẽ được điều đến để loại bỏ chất thải khỏi các thùng chứa.