12 phép lịch sự tối thiểu nhiều người vẫn hàng ngày vẫn "cố tình quên"

Nếu như bạn vẫn chẹp miệng bỏ qua những quy tắc ứng xử rất nhỏ sau đây, thì bạn sẽ luôn trở nên bất lịch sự trong mắt người khác

1. Không đổ xăng khi mượn xe

Chắc chắn chẳng ai hài lòng khi đã cho người khác mượn xe rồi nhận về bình xăng rỗng tuếch. Vì vậy, hãy nhớ phép lịch sự cơ bản này để khi có chuyện gấp lần sau bạn còn có thể nhờ vả được.

2. Quyết định đi hay không vào giờ chót

Hãy tưởng tượng bạn mời một người bạn đi xem phim, và anh ta chỉ đợi 5 phút trước khi phim chiếu mới nhắn tin rằng: “Tôi sẽ đi nhé”. Khi ấy, có thể bạn đã cùng đi với một người khác, hoặc đã đi làm chuyện khác rồi.

Việc chỉ trả lời một lời mời vào giờ chót trên thực tế chỉ là cách bạn “hoãn binh” đúng không? Bạn muốn người khác làm “quân dự bị” cho mình, và khi bạn hết “kèo” thì mới cứu vớt. Khó chịu đấy chứ!

3. Không chú ý âm thanh tai nghe ở nơi đông người

Ở nơi đông người đã ồn ào lắm rồi, thế nên đừng làm phiền người ta bằng âm thanh từ chiếc điện thoại của bạn nữa. Hãy nhớ sử dụng tai nghe và cũng nên để ý âm thanh của chiếc tai nghe vì đôi khi nó cũng quá ồn nếu bạn đang ở một nơi yên lặng như thư viện.

4. Đội mũ khi vào nhà

“Nhà tôi không có nóc sao?”. Bạn sẽ trả lời thế nào nếu bạn đội mũ vào nhà người khác và nghe câu hỏi ấy? Vâng, bạn có thể nghĩ bạn cá tính, thời trang, nhưng cả khi như vậy gia chủ vẫn khó hài lòng. Đây là nguyên tắc cổ điển nhưng vẫn được giữ đến ngày nay.

5. Quá chải chuốt, quá xuề xòa

Bạn không thể mặc quần jeans, áo ba lỗ đến một dạ tiệc của các lãnh đạo cao cấp. Bạn cũng không nên tươm tất trong bộ vest sang trọng đến một sự kiện thể thao như đua xe, hoặc đi biển. Quá xuề xòa có nghĩa là bạn coi thường người đã mời bạn đến tham dự nhưng quá chải chuốt sẽ trông rất kệch cỡm.

6. Không biết cách giới thiệu bạn bè

Nếu phải tiếp một lúc hai người bạn trong khi họ không biết nhau, phép lịch sự tối thiểu là hãy giới hiệu họ với nhau. Chính bạn là sợi dây duy nhất kết nối họ, để cuộc trò chuyện không bị “sượng”. Đây là chuyện tưởng dễ, nhưng bạn đã từng là “nạn nhân” của tình huống này, và thấy khó chịu đúng không?

7. Lục lọi máy tính, điện thoại của người khác khi mượn

Máy tính và điện thoại chứa rất nhiều "bí mật" cũng như các tài liệu quan trọng của người khác, vì vậy đừng tùy tiện mở ra mà không có sự đồng ý của chủ nhân, ngay cả khi đó là người trong gia đình cũng vậy.

8. Trả lời điện thoại với giọng nói lớn

Một nhóm người đang ở trong phòng, và một tiếng nói vang lên: “Alo! Có chuyện gì? À... thôi được rồi. Hôm đó mọi thứ là vầy...”. Tất cả mọi ánh mắt sẽ dồn về anh ta, và dĩ nhiên đó là ánh mắt khó chịu. Sẽ không ai muốn nghe cuộc trò chuyện kì quái như vậy. Tốt hơn hết đứng lên xin phép sang phòng khác, hoặc ít nhất nói nhỏ hết khả năng.

9. Đặt điện thoại lên bàn

Có thể bạn sợ bị cộm nếu ngồi xuống với chiếc điện thoại trong túi, nhưng mọi thứ còn tệ hơn khi bạn đặt điện thoại lên bàn trong lúc trò chuyện với người khác. Điều đó có nghĩa là bạn đang trông đợi một cuộc gọi hoặc tin nhắn, hơn là tập trung vào người đối diện?

10. Không phụ dọn dẹp khi được mời ăn

Ngay cả khi chủ nhà khách khí không cho đụng tay vào thì bạn cũng nên thể hiện phép lịch sự bằng cách phụ dọn dẹp sau khi ăn xong. Sẽ chẳng ai vui vẻ khi đã nấu cho người khác ăn rồi lại phải cặm cụi dọn dẹp từ A đến Z trong khi người kia rồi rung đùi, chỉ tay năm ngón cả.

11. Không trả sách 

Đối với những người thích đọc thì việc cho mượn một quyển sách đã là rất khó khăn rồi. Vì thế hãy tôn trọng người ta bằng cách trả đúng hạn và không làm nhàu nhĩ cũng như gập trang lung tung nhé. Nếu không thì chẳng ai cho bạn mượn sách lần thứ 2 đâu.

12. Vay nợ không trả

Đây không chỉ là phép lịch sự mà còn nâng lên thành văn hóa cư xử, thước đo giá trị con người. Thậm chí, quan trọng hơn, ông bà xưa còn cho rằng khi mình khốn khó mà người ta đồng ý cho vay (trừ vay nặng lãi) thì đã là một cái ơn. Nếu mượn tiền không trả thì chắc chắn là người vong ơn bội nghĩa, sau này ít nhiều cũng sẽ gặp quả báo.