Ngày 3/9, chính phủ Ấn Độ đã mở cuộc điều tra sau khi 12 ứng viên xin việc vào các vị trí của chính phủ tử vong trong quá trình kiểm tra sức khỏe để ứng tuyển vào cơ quan thuế. Các nhà bình luận cho rằng sự việc này phản ánh sự nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng thất nghiệp ở đất nước đông dân nhất thế giới.
Những thanh niên này nằm trong số 500.000 ứng viên tranh giành 583 vị trí cảnh sát tại cục thuế của chính phủ, tức tỷ lệ chọi lên đến 1/850 người cho mỗi vị trí.
Ấn Độ là nền kinh tế lớn có tốc độ phát triển nhanh nhất và lớn thứ 5 toàn cầu, nhưng quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng việc làm. Nước này đang phải vật lộn để tạo ra đủ việc làm toàn thời gian và lương đủ sống cho hàng triệu người.
Các công việc trong chính phủ, ngay cả những công việc lương thấp nhất, cũng rất được săn đón. Thậm chí nhiều báo cáo cho biết các ứng viên thường xuyên áp dụng các biện pháp cực đoan để có được một công việc. Cuộc thi công chức tại Ấn Độ luôn được mô tả là "tàn khốc".
Mới đây, 12 người đàn ông đã tử vong trong 2 tuần qua khi thi chạy 10km để kiểm tra sức khỏe trong quá trình thi tuyển. Họ phải chạy trong thời tiết nóng bức và ẩm ướt ở bang Jharkhand, miền đông Ấn Độ.
Thống đốc bang Jharkhand Hemant Soren gọi những cái chết này là "đau lòng" và ra lệnh cho các chuyên gia y tế kiểm tra nguyên nhân tử vong sớm nhất có thể, để những tai nạn như vậy không xảy ra trong tương lai.
Cảnh sát trưởng tiểu bang Anurag Gupta xác nhận các trường hợp tử vong và cho biết cuộc điều tra đã bắt đầu. Chiến dịch tuyển dụng hiện đã bị tạm dừng.
Bang Jharkhand hiện có tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói cao nhất Ấn Độ. Tờ Times of India dẫn lời các bác sĩ cho biết nhiều thí sinh đã phải nhập viện vì huyết áp thấp do mất nước.
Trong bài xã luận đăng ngày 3/9, tờ báo này cho biết các vụ tử vong khi tuyển dụng là "triệu chứng" của cuộc khủng hoảng thất nghiệp nói chung.
"Đây không phải là cuộc thi", bài viết viết. "Đây là những trận chiến khốc liệt để sinh tồn - để đảm bảo sinh kế cho những người trong độ tuổi lao động".
Nguồn: AFP