Những người có tính cách hay tự ái thường thiếu sự đồng cảm, kiêu ngạo và mất kiểm soát. Điều này khiến họ trở thành đối tượng không lý tưởng để hẹn hò.
Insider đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Ramani Durvasula, một chuyên gia tâm lý học lâm sàng, về vấn đề tự ái của một người nào đó, về các dấu hiệu cần tìm nếu bạn nghi ngờ đối phương là một người tự ái và cách ứng xử trong trường hợp này. Nếu bạn đang hẹn hò với một người tự ái, ban đầu bạn có thể cảm thấy đây là một mối quan hệ tuyệt vời, nhưng sau đó là cảm giác khiến bạn ngỡ ngàng khi không được coi trọng hoặc không được chú ý và đối phương cũng thường hay bị mất bị kiểm soát.
Thuật ngữ tự ái thường rất chung chung và thật khó để xác định nếu bạn thực sự hẹn hò với một người như vậy. Định nghĩa chính thức của một người tự ái, theo Mayo Clinic (trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận của Mỹ), là một người thường thiếu sự đồng cảm, lạm dụng quyền hành, kiêu ngạo và ưu tiên bản thân hơn tất cả. Điều này có thể tác động đến tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của họ bao gồm quản lý tiền bạc, sự nghiệp và trên hết là các mối quan hệ của họ.
Nhưng khi bạn là đối tượng tình cảm của một người tự ái, những đặc điểm đó có thể không quá rõ ràng. Tiến sĩ Ramani Durvasula chia sẻ những dấu hiệu mà bạn nên tìm kiếm nếu nghi ngờ đối phương là một người tự ái kèm theo gợi ý cách ứng xử.
Lý do rất nhiều người gặp khó khăn trong việc xác định người tự ái khi mới bắt đầu hẹn hò là vì họ quyến rũ, lôi cuốn và tự tin. Theo Durvasula, giai đoạn tán tỉnh, hẹn hò với một người tự ái thường rất đặc trưng bởi "love bombing" - một chiến thuật thao túng để áp đảo ai đó bằng tình cảm, hành động phục vụ và quà tặng để đạt được điều mong muốn.
"Kỳ nghỉ, quà tặng, sự từng trải, liên lạc thường xuyên mang lại cho đối tác nhiều thông tin và sự quan tâm mãnh liệt. Một mối quan hệ tự ái thường bắt đầu quá nhanh, sau đó là một chu kỳ mất giá, bỏ rơi và nhiều thăng trầm.", Durvasula nói.
Một "tia lửa lóe sáng" trong tình yêu với ai đó có thể là điều tuyệt vời, nhưng thực sự có thể là một dấu hiệu lớn về tính tự ái trong mối quan hệ. Tiến sĩ Durvasula nói: "Đối với tôi, khi biết một người nào đó có 'kết nối kỳ diệu' thì điều đó sẽ thường là một dấu hiệu nhận biết việc sắp định hình một mối quan hệ xấu".
2. Hành vi đảo lộn sau khi bạn đi sâu vào mối quan hệ, trở nên ít quan tâm, hướng ngoại và không nhất quán trong lời nói
Ngay sau khi "giai đoạn trăng mật" kết thúc, một người tự ái khiến bạn phải dấn thân và đầu tư tình cảm vào mối quan hệ thì có một sự cố xảy ra. Sự thể hiện tình cảm quá mức có thể dừng lại, những món quà có thể giảm dần và thay vào đó sẽ xảy ra những thay đổi mạnh mẽ trong hành vi của họ.
Durvasula nói: "Ngay khi người tự ái đã có được tình cảm của bạn, họ sẽ giống như một đứa trẻ với đồ chơi, trở nên hơi vô tư một cách nhanh chóng và chu kỳ 'mất giá' xảy ra, sau đó nó chính thức trở nên độc hại".
Họ có thể ít quan tâm hơn, không chú ý đến bạn và tỏ ra không hài lòng với những kế hoạch mà họ đã cùng xây dựng với bạn trong giai đoạn đầu của mối quan hệ. Khi họ cảm thấy không đúng theo định hướng của họ, họ sẽ nhanh chóng tức giận và chấm dứt.
"Hãy tìm hiểu cách người tự ái quản lý căng thẳng và thất vọng, cách họ đối xử với người khác, cách họ nói về người khác. Họ có chú ý khi bạn hoặc người khác nói không? Họ có nhạy cảm không nếu bạn đưa ra nhận xét trái chiều mà họ cho là đang bị động chạm? Họ thấy rằng mình có quyền lợi trên hết, tức giận khi mọi việc không theo cách của họ.", Durvasula nói.
3. Bạn cảm thấy bị kiểm soát, như không thể nói lên suy nghĩ của mình mà không gây hại cho mối quan hệ
Những người tự ái là những người rất "tự quan tâm", họ đặt nhu cầu của họ lên hàng đầu. Điều này có nghĩa là bạn càng đi sâu vào mối quan hệ thì bạn sẽ gặp càng nhiều điều kiện mà họ đưa ra.
Đối phương có thể cách ly bạn khỏi bạn bè, quản lý khi nào bạn được phép ra ngoài và thậm chí mặc những gì theo ý họ muốn. Bất kỳ sự bất đồng nào trong quan điểm đều có thể biến thành một cuộc tranh luận toàn diện vì chúng là ưu tiên trong tâm trí của họ.
Nhưng nếu bạn đưa ra cách đối xử không công bằng với họ, một người tự ái có thể sẽ châm chọc bạn - một "chiến thuật thao túng" được sử dụng để khiến ai đó đặt câu hỏi về nhận thức của họ đối với sự thật và thực tế. Họ có thể nói với bạn rằng, bạn đang đánh giá sai vấn đề hoặc đổ lỗi cho hành vi của họ do các yếu tố bên ngoài như căng thẳng hoặc chấn thương thời thơ ấu.
4. Bạn luôn kiếm cớ cho hành vi của họ
Nếu bạn thấy mình bảo vệ hành vi sai lầm của đối phương thì trong một số trường hợp, có khả năng bạn đang hẹn hò với một người tự ái. Durvasula nói rằng, nếu bạn nói những điều như "mọi chuyện sẽ tốt hơn" hoặc đổ lỗi cho hành vi của đối phương vì căng thẳng... thì đều là những dấu hiệu báo động.
Durvasula nói: "Đây là những mối quan hệ mà bạn có thể cảm thấy mình bị đảo lộn và bối rối. Bạn thường đưa ra những lời bào chữa và hợp lý hóa cho mối quan hệ này. Nó có thể khiến bạn bối rối, đầy nghi ngờ, lo lắng, tự trách mình và những tâm trạng tiêu cực khác bao gồm lãnh đạm, trầm cảm, cảm giác tuyệt vọng, bất lực, cô lập xã hội, cảm giác xấu hổ...".
Mối quan hệ với người tự ái thường độc hại, cắt đứt quan hệ là bước tiếp theo tốt nhất
Đối phương có thể nói với bạn là họ sẽ tốt hơn hoặc thay đổi, nhưng Durvasula cho rằng tốt nhất nên cắt đứt quan hệ với họ nếu bạn phát hiện bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào như đã nói trên. "Điều tốt nhất để làm là cắt đứt mối quan hệ của bạn, một khi bạn cảm nhận được dấu hiệu đầu tiên trong những ngày đầu của mối quan hệ này, hãy bước ra ngoài trước khi bạn đi quá sâu vào nó.", Durvasula nói.
(Ảnh minh họa: Danviet.vn)
Durvasula khuyên bạn nên tìm đến một nhà trị liệu có kinh nghiệm đối phó với người tự ái vì họ có thể nhận ra những dấu hiệu cảnh báo này và giúp giải quyết nỗi lo lắng mà bạn có thể cảm thấy về việc chia tay. Durvasula nói tiếp: "Mối quan hệ với những người tự ái là độc hại, ngắn hạn. Chúng được đặc trưng bởi sự thiếu quan tâm, bỏ bê, lừa dối, không nhất quán, không trung thực hoặc có thể không phải tất cả những điều trên, nhưng sẽ có một số đặc trưng như vậy".
Theo Insider