4 lời khuyên từ chuyên gia tài chính dành cho người trẻ thế hệ Y trong thời điểm kinh tế khó khăn

1. Xem xét lại các ưu tiên chi tiêu của bạn

Chỉ vài tháng sau khi Covid-19 bùng phát, hàng triệu người đang phải gánh chịu hậu quả kinh tế, đặc biệt là thế hệ Y - những người từ 24 - 39 tuổi.

Thế hệ Y đã tích lũy được ít tài sản hơn đáng kể so với các thế hệ trước ở giai đoạn tương tự trong cuộc đời và đang phải đối mặt với cuộc suy thoái toàn cầu chỉ sau một thập kỷ lao động. Kimberly Palmer, chuyên gia tài chính cá nhân tại NerdWallet, cho biết: “Thế hệ Y đã phải bước vào thị trường với tình thế đầy bất lợi, giờ lại đang phải xoay sở với mối lo về sức khỏe và tồn tại trong thị trường”.

Những người trẻ hơn cũng trải qua nhiều tổn thất đáng kể trong năm nay. Một cuộc thăm dò của Tạp chí Phố Wall - NBC News được thực hiện vào tháng 4 - 1 tháng sau khi đại dịch hoành hành - cho thấy, những công dân từ 18 đến 34 tuổi có nhiều khả năng phải chịu những hậu quả kinh tế như mất bảo hiểm y tế hoặc bị cắt giảm lương.

Dù bạn có rơi vào trường hợp đó hay không, có thể bạn đang lo lắng cho việc ổn định tài chính. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn quản lý túi tiền tốt hơn.

Tripp Kelly, cố vấn tài chính và giám đốc của Socium Advisors of Northwestern Mutual, một công ty dịch vụ tài chính, khuyên nếu gần đây bạn bị mất thu nhập đáng kể, hãy tìm hiểu xem bạn có đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp hay không và nếu có, hãy nộp đơn ngay từ bây giờ. Sau đó là xem xét nơi ở có mức chi phí tiết kiệm nhất.

Khoảng 2,7 triệu người trưởng thành trên khắp nước Mỹ đã chuyển đến sống cùng cha mẹ hoặc ông bà trong những ngày đầu của đại dịch, theo phân tích dữ liệu dân số từ Cục điều tra dân số của công ty bất động sản Zillow. Nếu bạn không còn đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà, hãy nói chuyện với chủ nhà. Bạn có thể thương lượng tiền thuê nhà hoặc thậm chí dời hạn hợp đồng thuê nhà sớm hơn.

Nếu bạn thuê nhà thông qua công ty quản lý, hãy tìm hiểu xem công ty đó có báo cáo với các cơ quan tín dụng hay không trước khi đưa ra bất kỳ quyết định lớn nào có thể ảnh hưởng đến điểm thẻ tín dụng của bạn. Nếu bạn không thể cắt giảm chi phí thuê nhà, hãy điều chỉnh ngân sách để ưu tiên các khoản thanh toán hàng tháng và các nhu cầu thiết yếu khác như đồ tạp hóa và tiện ích.

Nếu bạn vẫn đang làm việc, hãy tham khảo quy tắc ngân sách 50/30/20: Phân bổ 50% thu nhập sau thuế cho các nhu cầu (như tiền thuê nhà hoặc trả tiền thế chấp), 30% cho nhu cầu cá nhân (ăn uống, giải trí) và bỏ 20% vào các khoản tiết kiệm hoặc nợ nần.

Nếu bạn đang theo học chương trình cao học và học phí đang là gánh nặng, hãy thử thương lượng với trường cao đẳng hoặc đại học của bạn. Các cơ sở giáo dục đang bị ràng buộc về tài chính và có thể sẵn sàng giảm học phí hoặc đưa ra các biện pháp khuyến học để duy trì số lượng cũng như chất lượng sinh viên.

2. Liên hệ với người đã cho bạn vay tiền

Nhiều công ty và tổ chức có các chương trình hỗ trợ những người đang nợ trong thời gian khó khăn. Nếu bạn đang vướng mắc trong việc trả các khoản, nợ thế chấp hoặc nợ thẻ tín dụng, hãy gọi cho người cho vay và thảo luận về các lựa chọn thanh toán của bạn.

Amy Thomann, người đứng đầu bộ phận giáo dục tín dụng tiêu dùng tại TransUnion, một cơ quan báo cáo tín dụng, cho biết: “Các phương tiện tài chính thường sẵn có ngay bây giờ. Người cho vay, cũng như người tiêu dùng, hiểu những khó khăn đang diễn ra trong nền kinh tế”. Nếu người cho vay của bạn đồng ý lùi hạn các khoản thanh toán của bạn hoặc giảm lãi suất, nên ưu tiên hàng đầu cho các khoản đó trước.

Hiện tại lãi suất đang khá thấp, do vậy hãy tham khảo các khuyến nghị và tìm hiểu xem đây có phải là thời điểm tốt để vay thêm tiền đóng học hoặc trả nợ hay không - theo Taha Choukhmane, phó giáo sư tài chính tại Viện Công nghệ Massachusetts. Dù bạn làm gì, đừng để nợ nần chồng chất. Khi tài chính đang khó khăn, hãy đối mặt thay vì làm ngơ và để lãi suất tăng dần đều.

3. Chuẩn bị quỹ dự phòng khẩn cấp

Nếu bạn vẫn đang làm việc nhưng không có quỹ khẩn cấp, hãy bắt đầu từ bây giờ. Nền kinh tế vẫn còn bấp bênh, vì vậy tốt nhất là bạn nên lập kế hoạch trước càng lâu càng tốt. Chúng ta hay nói “ăn phải dành, có phải kiệm”, đây chính là lúc cần phải tiết kiệm.

Nếu có điều kiện, bạn nên bỏ ống 3 tháng tiền lương. Hoặc không, hãy tiết kiệm ít nhất 1.000 USD (khoảng 23 triệu đồng) trong trường hợp khẩn cấp.

4. Học một kỹ năng mới

Nỗ lực học tập và hoàn thiện các kỹ năng mới hoặc có được chứng chỉ, bằng cấp sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình tìm kiếm việc làm. Bạn có thể đăng ký các khóa học trực tuyến thông qua các trang web như edX hoặc Coursera. Có nhiều khóa học miễn phí, nhưng cũng có những khóa lên tới vài trăm USD.

Bạn cũng có thể đạt được các kỹ năng mới bằng cách tham gia công việc bán thời gian thông qua các nền tảng như Upwork hoặc TaskRabbit. Bất kể bạn nhận công việc gì, việc thu thập những kinh nghiệm đó sẽ cho các nhà tuyển dụng tiềm năng thấy bạn vẫn làm việc hiệu quả trong thời kỳ khủng hoảng và tăng cơ hội được lựa chọn hơn.

Theo New York Times