Cuộc đi mạo hiểm nhất của "gã lang thang" người Việt: Vào rừng già ở cùng bộ lạc săn đầu người
Trong suốt 3 năm lang thang đi tới nhiều vùng đất khắp thế giới, trải qua nhiều hành trình khó khăn và nguy hiểm, Lê Khả Giáp - "gã lang thang" người Việt coi xê dịch là lẽ sống - luôn tự hỏi, gã có thể đi xa đến đâu, phiêu lưu chốn hiểm địa nào.
Gần đây nhất, gã chọn đùa giỡn với tử thần, khi mò đến lãnh địa của người Korowai - bộ lạc biệt lập bậc nhất, đáng sợ nhất thế giới. Bộ lạc Korowai là dân tộc bản địa cư trú trong những cánh rừng sâu ở cực đông của tỉnh Papua, Indonesia, khét tiếng với quá khứ ăn thịt người.
Một ngôi nhà trên cây, cách mặt đất khoảng 30m của trưởng tộc
"Những người Korowai có đặc thù là làm nhà trên những cây cổ thụ, thường cao hơn 30m, có nhà cao tới 50m. Trưởng bộ lạc mà tôi gặp lý giải, họ sống trên cây một phần vì tránh thú dữ trong rừng nguyên sinh tấn công, phần khác để an toàn khỏi những "kẻ xâm lược". Đặc biệt, họ quan niệm nếu ở nhà thấp thì sẽ bị ma quỷ, các linh hồn xấu quấy nhiễu.
Những người này sống gần như tách biệt hoàn toàn với thế giới văn minh. Đi cùng người hướng dẫn là dân bản địa, nhưng đường xá hiểm trở, vào sâu trong rừng, bộ lạc này lại nổi tiếng với việc săn đầu người, mình cực kỳ lo lắng về sự an toàn.
Lúc mới chạm mặt, trưởng bộ lạc cầm cung tên ra "chào". Rồi những người khác người nấp sau những cây to, liên tục hú hét, mình cũng bị hoảng. Nhưng anh hướng dẫn viên bảo, đó là lời chào đón thân thiện của họ. Khi có người lạ đến, họ sẽ liên tục hú lên để thông báo với (thần linh, ma quỷ trong) rừng, xin cho phép người lạ vào", Lê Khả Giáp kể lại.
Trưởng bộ lạc (bên trái) trao đổi với Lê Khả Giáp về những phong tục của người Korowai
Nói về việc ăn thịt người, trưởng bộ lạc xác nhận, điều này có thật trong truyền thống của người Korowai, đời ông và cha của ông ấy cũng vẫn còn duy trì. Tuy nhiên, lý do người trong bộ lạc ăn thịt đồng loại không phải là vì họ coi đó là thức ăn, mà là một loại nghi lễ.
Ông này lý giải, người Korowai coi trọng tôn ti trật tự và lãnh thổ. Họ cũng có những quy định riêng về luật lệ. Những phạm nhân xâm phạm lãnh thổ bất hợp pháp, làm những việc tổn hại đến người trong bộ lạc sự hoặc những "phù thủy" sẽ bị trừng phạt.
Một người phụ nữ Korowai với trang sức làm từ nanh chó
Dù là người gan dạ, từng đi đến rất nhiều vùng xa xôi để gặp gỡ các bộ lạc bí ẩn và cũng là người dễ hòa nhập với cuộc sống người bản địa, Lê Khả Giáp cũng "hồn xiêu phách lạc" khi nghe trưởng bộ lạc kể chuyện săn đầu người.
Anh thú nhận chỉ dám thử thách bản thân ở chung với họ 48 giờ, chứ không dám ở lâu hơn. "Mình run vô cùng, hết sức cẩn trong trong từng lời nói, hành động và luôn thể hiện sự chân thành, tôn trọng. Nhưng mình cũng rất sợ trong quá trình giao tiếp, sinh hoạt chung, mình lỡ làm gì ảnh hưởng đến lợi ích hoặc bị hiểu lầm là làm hại người ta".
Bí ẩn những phong tục lạ của bộ lạc sống tách biệt văn minh nhân loại
Lê Khả Giáp cho biết, bộ lạc Korowai giờ còn khoảng 3.000 người, sống rải rác trong rừng. Trước khi được phát hiện năm 1970, họ hoàn toàn tách biệt với thế giới văn minh, chỉ sống trong rừng, dựa vào rừng.
Đến giờ, một số nhóm người đã có sự giao lưu nhất định, có chút cởi mở, ví dụ như thi thoảng có lên thị trấn, họ sẽ mặc quần áo may sẵn (thay vì để ngực trần, mặc khố làm từ lá cây như khi ở trong rừng). Họ cũng dùng một số công cụ như rìu sắt, dao, liềm, xoong nồi, gỗ xẻ... Còn lại, cuộc sống vẫn nguyên thủy hệt như cả ngàn năm trước.
Lê Khả Giáp cùng các thanh niên trong bộ lạc đập thân cây sagu thành bột
Lê Khả Giáp cho biết, người dân ở đây sống kiểu bán du mục. Họ sẽ khai hoang, tìm vùng đất có nhiều cây sagu (một loại dừa nước) và gần nguồn nước suối để làm nhà ở trên cây.
Họ cũng làm các lán tạm dưới đất để làm nơi nấu nướng, tập kết thức ăn, coi như "nhà nghỉ dưỡng". Nơi đây, họ sẽ trồng một ít rau củ quả, nuôi chó, nuôi lợn. Khi ăn hết những cây sagu xung quanh, họ sẽ chuyển nhà sang nơi khác.
Mọi người trong bộ lạc hiếm khi mặc quần áo. Họ ăn mặc giản tiện, để da trần phơi nắng mưa, nên da dẻ phần lớn bị khô, sần và nấm. Họ vào rừng, đi săn tìm thức ăn hoàn toàn bằng chân trần từ nhỏ nên không mấy bị ảnh hưởng bởi gai nhọn. Trong khi đó, "gã lang thang" bị hàng trăm chiếc gai lớn nhỏ trong rừng đâm vào chân tay, đau vã mồ hôi.
Trong 48h sống cùng họ, Giáp cũng được trải nghiệm việc chữa bệnh, giảm đau nhờ các thảo dược có sẵn trong rừng y hệt người Korowai. Khi ốm hay sinh nở, họ tự chăm sóc nhau.
Ở đây, việc kết hôn không câu nệ lễ lạt nhiều. Họ chỉ cần mang sính lễ là 2 - 3 con lợn, cung tên và vài món đồ bản địa đến tặng cho người phụ nữ mình thích, được ưng thuận thế là thành vợ chồng. Trưởng tộc khoe, ông có 5 người vợ, nhưng 4 người đã mất sớm.
Phụ nữ Korowai làm tinh bột sagu ngay tại rừng
Việc ăn uống của người Korowai dựa vào rừng rất nhiều. Mỗi buổi sáng, tất cả người trong làng sẽ cùng đi tìm kiếm thức ăn. Trưởng bộ lạc là người được tôn trọng nên không trực tiếp làm việc mà sẽ phân công, chỉ đạo mọi người làm việc.
Việc đốn hạ cây sagu rất mất sức, đàn ông sẽ đảm nhiệm chính. Khi cây ngã, phụ nữ và trẻ em sẽ giúp bóc vỏ, tách lõi, lấy ngọn non để ăn.
Công việc tiếp theo, dùng búa đập thân cây mềm nát thành bột là của đàn ông. Những người phụ nữ sau đó sẽ thu gom bột sagu, nhào với nước suối và lọc qua những ống máng dài chừng 10 - 15m làm từ bẹ sagu ghép nối lại. Sau khi để lắng 2 tiếng, thành quả là tinh bột sagu, tương tự như bột sắn sẽ được mang về nấu nướng.
Những chú sâu trong cây sagu cũng là nguồn dinh dưỡng chính của người Korowai
Lê Khả Giáp cho rằng loài sâu này ăn khá giống đuông dừa
Họ cũng bắt cá suối và sâu trong thân cây sagu để ăn. Hai ngày sống cùng với những người bộ lạc bí ẩn, Lê Khả Giáp được nếm thử các món như chuối xanh nướng; bột sagu trộn rau rừng và sâu, tất cả bọc quanh lá chuối và nướng với đá nung nóng; canh sâu sagu; bột sagu nướng đơn giản; bột sagu khuấy...
Những phụ nữ trong bộ lạc chuẩn bị bữa ăn chung
Tất cả thức ăn kiếm được sẽ được chia đều, và mọi người tập trung ăn cùng nhau
Anh chàng cho hay, lúc ăn cùng họ, anh thấy hơi run do lạ lẫm với cách chế biến, cũng như nghi ngại về hương vị. Nhưng tôn trọng phong tục tất cả mọi người cùng ăn, anh cũng sẵn sàng nếm thử.
Trải nghiệm 48 giờ ở đây được Giáp đánh giá là rất thú vị, vừa có sự bỡ ngỡ, lo lắng nhưng cũng hay ho. "Chẳng biết có phải nhóm người này đã có sự tiếp xúc nhất định với thế giới bên ngoài rồi hay do mình không làm gì khiến họ phật ý, nhưng cảm nhận chung của mình là họ khá thân thiện và hiền lành.
Dù thế mình cũng phải cảnh giác, đêm ngủ mà cũng mắt nhắm mắt mở chứ không dám ngủ sâu. Ở 2 ngày 2 đêm có lẽ là quá đủ để mình trải nghiệm cho biết, tiếp thu những điều tích cực, học hỏi phong tục của họ để mở mang kiến thức".
Lê Khả Giáp ăn chung đĩa với người dẫn đường và phiên dịch