Một công việc tốt sẽ giúp ta được phát huy hết khả năng của mình cũng như nhận lại được mức thu nhập xứng đáng. Và tất nhiên, để có được một công việc tốt thì đầu tiên bạn phải trải qua được vòng phỏng vấn chẳng dễ dàng gì.
Nhà tuyển dụng sẽ có rất nhiều cách để tìm hiểu về con người bạn, định hướng tương lai không chỉ thông qua hồ sơ xin việc. Nếu không có sự chuẩn bị trước, bạn sẽ rất dễ bị "ngợp" trước hàng loạt câu hỏi "khó nhằn" của nhà tuyển dụng.
"Khi chúng tôi tuyển dụng nhân sự, chúng tôi không tìm người giỏi nhất mà là tìm người phù hợp nhất. Thông qua những câu hỏi tưởng chừng không liên quan đến nghiệp vụ đó, chúng tôi có thể biết liệu đó có phải là người chúng tôi cần", Esther Carrasco, giám đốc Nhân sự của CE Consulting Empresarial chia sẻ.
Dưới đây là 7 câu hỏi phổ biến mà được các chuyên gia tuyển dụng khuyên bạn nên tham khảo để có một buổi phỏng vấn thuận lợi.
Tại sao bạn muốn thay đổi công việc?
Đây là một câu hỏi khá phổ biến, được nhiều nhà tuyển dụng sử dụng trong buổi phỏng vấn. Khi đưa ra câu hỏi này, chủ yếu người phỏng vấn muốn xác định xem bạn đã cân nhắc kỹ càng trước một quyết định lớn như vậy chưa.
Để đưa ra được câu trả lời, hãy trung thực và nên tập trung vào tương lai, tránh việc nói xấu về công ty cũ hay đồng nghiệp cũ. Không một công ty nào muốn tuyển nhân viên sẵn sàng nói xấu người đã làm việc cùng mình, công ty mình từng gắn bó.
Câu trả lời thông minh chính là nói về những gì bạn muốn tạo ra thay vì những điều bạn đang cố tránh. Bạn có thể chia sẻ về những cơ hội tốt mà bạn nhìn thấy ở công ty bạn đang phỏng vấn và những điều bạn có thể cống hiến cho công ty.
5 năm sau bạn sẽ là ai?
Câu hỏi này được đặt ra nhằm giúp nhà tuyển dụng hình dung ra kế hoạch nghề nghiệp của ứng viên, xem liệu trong tương lai bạn có thể có một vị trí trong công ty và khả năng thăng tiến hay không. Một lần nữa, chìa khóa cho câu trả lời thông minh chính là trung thực.
Các công ty sẽ muốn những người có thể gắn bó, cống hiến cho mình lâu dài. Hãy đề cập đến mục tiêu công việc và những điều bạn có thể đóng góp cho công ty và cả những điều bạn muốn cải thiện hoặc nâng cao.
Trong những điều đã làm, bạn tự hào nhất về điều gì?
Khi đưa ra câu hỏi này, thường thì không phải là nhà tuyển dụng muốn nghe bạn kể một tràng dài các thành tích mà thiên về muốn thăm dò một phần tính cách của bạn. Đừng thao thao bất tuyệt tự hào nói về những thành tích mình đạt được và càng không nên phóng đại hay thêm những việc mình thực sự không làm được. Họ hoàn toàn có thể kiểm tra những điều bạn nói và sẽ chẳng tốt đẹp gì khi họ phát hiện sự thật không phải vậy.
Trong câu trả lời của mình, bên cạnh việc chia sẻ những thành tích đạt được, bạn có thể khéo léo lồng vào việc mình luôn ghi nhận sự giúp đỡ của cấp trên cũng như các đồng nghiệp.
Điều gì khiến bạn thích ở công ty chúng tôi?
Câu hỏi này tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng biết cách để trả lời thông minh. Ngoài việc đánh giá xem bạn đã tìm hiểu những gì về công ty mình phỏng vấn hay chưa, nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi này còn nhằm phân tích xem các giá trị của ứng viên có phù hợp với công ty hay không; biết điều hấp dẫn ứng viên nhất để hiểu động lực của bạn đến với họ là gì.
Hãy tìm hiểu các thông tin về công ty, đó là một trong những bước bắt buộc bạn phải làm nếu muốn có một khởi đầu tốt. Điều này thể hiện bạn quan tâm và thực sự muốn gắn bó với công ty chứ không chỉ đơn giản là một công việc.
Nói ra những lợi thế cạnh tranh của công ty, những đóng góp của bản thân có thể giúp công ty ngày càng tăng trưởng hơn nữa trong vai trò nhân viên mới là điều bạn nên làm. Nếu bạn am hiểu và thực sự mong muốn được gia nhập vào công ty, khả năng rất cao thành công sẽ đến với bạn.
Mọi người nhận xét thế nào về bạn?
Thông qua câu hỏi về đánh giá khách quan của người khác về bạn nhà tuyển dụng sẽ biết được liệu bạn có phải là người hiểu rõ bản thân mình.
Đây chính là cơ hội tốt để thể hiện bản thân mình. Đừng chỉ nói một cách chung chung bằng những mỹ từ như họ đánh giá tôi là người chăm chỉ, được việc hay khéo léo. Câu trả lời đó khó khiến nhà tuyển dụng tin tưởng và lưu tâm tới bạn.
Bạn có thể trả lời câu hỏi này thông qua một vài câu chuyện với đồng nghiệp cũ để nhà tuyển dụng hiểu được vì sao mọi người đánh giá như vậy về bạn. Bên cạnh rất nhiều ưu điểm, nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi bạn về yếu điểm và không có gì đáng sợ khi trả lời câu hỏi này cả. Không ai là hoàn hảo và quan trọng là bạn biết yếu điểm của mình là gì, có tinh thần cầu thị, luôn không ngừng trau dồi để hoàn thiện thêm bản thân.