Live-action hay phim người đóng là từ thường dùng để gọi những tựa phim chuyển thể từ các tác phẩm manga, anime, sách, game,... Hiện tại, live-action gây liên tưởng khá nhiều đến những tác phẩm chuyển thể từ truyện tranh, hoạt hình Nhật Bản… và nói thật là chúng không được thích lắm.
Vậy, tại sao chúng ta lại ghét live-action manga, anime? Tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, sau đây là 5 lý do khiến fan lẫn khán giả đại chúng quay lưng với loại phim này.
1. Quá nhiều tác phẩm tệ hại được làm ra
Nhắc đến live-action manga, anime, bạn nghĩ đến cái tên nào? Mình dám cá rằng rất nhiều khán giả sẽ nghĩ về Dragon Ball Evolution, Death Note Netflix hay gần đây nhất là “rác phẩm” Cowboy Bebop. Sự ra đời của những phiên bản chuyển thể tệ hại, thiếu sự hiểu biết, thiếu tôn trọng bản gốc này là lý do lớn nhất khiến nhiều người ngại xem live-action hay thậm chí là tẩy chay thể loại này luôn.
2. Nhiều chi tiết sai lệch
Manga, anime, và live-action là những thể loại giải trí rất khác nhau về cách truyền đạt. Chính vì vậy, có những thứ chỉ hay khi ở trong manga, trong anime, chứ đưa lên phim người đóng thì rất khó. Mà khó quá thì sao? Phải có sự điều chỉnh thôi.
Những điều chỉnh đối với đoàn làm phim có thể là cần thiết - nhưng với các fan của tác phẩm thì nó là sự “không bám sát nguyên tác”. Những tựa phim live-action do phương Tây sản xuất gặp vấn đề này nhiều nhất do họ luôn cố gắng điều chỉnh câu chuyện gốc.
3. Không thể truyền tải cái chất của bản gốc
Vậy, nếu không thực hiện chỉnh sửa mà vẫn 100% bám sát bản gốc thì sao? Live-action vẫn sẽ gặp vấn đề trong khâu truyền tải phong cách của tác phẩm gốc. Manga, anime là hình vẽ và chúng có một sự tự do nhất định trong cách thiết lập tình huống và hành động. Đối với phim người đóng, mọi thứ phải được sắp xếp hợp lý và phải “dễ nhìn”. Mâu thuẫn này khiến cho rất nhiều phim chuyển thể bám rất sát bản gốc nhưng lại… trông rất sai và đến cả fan cũng khó mà cảm nhận được tác phẩm.
4. Không được đầu tư kỹ lưỡng
Live-action manga, anime tại Nhật Bản thường được làm ra với hai lý do: thúc đẩy doanh số tác phẩm gốc và tìm kiếm doanh thu từ người hâm mộ. Nói một cách trần trụi hơn, không phải tựa live-action nào cũng được làm ra để trở thành “phim hay”. Đôi khi, chúng chỉ cần được sản xuất với chi phí thấp nhất và đem về lợi nhuận tức thời - vậy là đủ.
Lối tư duy này đã khiến live-action Nhật Bản có nhiều tác phẩm đáng quên. Hiện tại, những phim live-action đã được làm nghiêm túc hơn, tôn trọng nguyên tác hơn và có kinh phí tốt hơn. Nhờ có vậy mà chúng ta có những Alice In Borderland, chuỗi phim Rurouni Kenshin hay Gintama live-action.
5. Live-action chưa đủ chất lượng với các thể loại khác
Có một sự thật rằng dù một phim live-action manga, anime được làm tốt thì vẫn sẽ có nhiều khán giả từ chối xem chúng. Có 3 thứ ngăn lượng khán giả này chọn phim:
- Định kiến của họ về live-action
- Họ không có nhu cầu xem một tác phẩm chuyển thể từ manga, anime - các tác phẩm mà thường là 1 phim không thể nào gói gọn hết nội dung được.
- Có nhiều lựa chọn tốt hơn đang đợi họ ngoài rạp.
Muốn khán giả dành thời gian để xem live-action, thể loại này cần có thêm nhiều tác phẩm chất lượng nữa. Có một cách khác mà thời gian gần đây đang thể hiện rõ hiệu quả đó là làm anime thành phim người đóng dài tập và phát trên các nền tảng trực tuyến. Với thời lượng dài hơn, phim sẽ kể được nhiều thứ hơn và khán giả cũng sẽ dễ dàng xem bất kỳ lúc nào.
Và đấy là TOP 5 lý do khiến fan lẫn khán giả đại chúng quay lưng với live-action manga, anime. Cá nhân bạn thì sao? Tại vì sao bạn không muốn xem phim người đóng? Hãy để lại bình luận để chúng ta cùng nhau chém gió nhé.
Tác giả manga tự sát - nguyên nhân là vì bản chuyển thể live-action?