Mỗi người sẽ có tình hình tài chính riêng, điều kiện và hoàn cảnh sống khác nhau nên khi nói đến lập kế hoạch tài chính thì một cách tiếp cận chung cho tất cả là không thực tế. Tuy nhiên, có một số quy tắc chung có thể giúp mọi người đánh giá tiến độ đạt tới mục tiêu của mình. Làm theo những nguyên tắc này sẽ giúp bạn đi đúng hướng, phát triển sự giàu có một cách bền vững, đạt mục tiêu đã đề ra.
Quy tắc 1: Kiểm soát nợ
Tất nhiên, lý tưởng nhất là bạn không có bất kỳ khoản nợ tiêu dùng nào song điều đó xem chừng khó thực tế. Bạn có thể có khoản nợ vay dành cho sinh viên, nợ thẻ tín dụng, nợ tiền mua ô tô hay bất kỳ khoản nợ nào khác.
Để đưa ra một mốc cho thấy bạn đang mất kiểm soát nợ chính là để số tiền trả nợ hàng tháng vượt quá 36% tổng thu nhập. Càng giảm được con số này, bạn sẽ càng cải thiện được tình trạng tài chính của mình.
Bạn cần có kế hoạch tốt để xử lý các khoản nợ một cách khôn ngoan.
Đây là một điểm khởi đầu tốt và theo thời gian nếu bạn có thể giảm con số đó, bạn sẽ cải thiện được tình hình tài chính của mình. Bạn có thể chọn cách ưu tiên thanh toán các khoản nợ có lãi suất cao trước, tránh tình trạng trả nợ không kịp lãi tăng. Bạn cũng có thể chọn cách ưu tiên trả các khoản nợ có số dư nhỏ trước để tạo động lực tốt hơn cho việc thanh toán các khoản nợ còn lại.
Quy tắc số 2: Tránh nghèo vì nhà
Nhà cửa là việc quan trọng song đừng để bản thân rơi vào tình trạng kiệt quệ vì tiền nhà. Xác định số tiền nên chi cho nhà là một quy tắc lập kế hoạch tài chính quan trọng khác mà bạn cần tuân theo.
Để làm được điều này, hãy bắt đầu bằng cách tính toán tỷ lệ nợ trên thu nhập của bạn theo quy tắc 36% đã đề cập ở trên. Số tiền bạn có thể chi tiêu cho khoản thanh toán thế chấp không vượt quá giới hạn 36% thu nhập đó. Thường thì đây là số tiền bạn có thể chi ra mỗi tháng để thanh toán cho tiền nhà.
Một nguyên tắc chung khác đối với nhà ở là bạn nên mua một ngôi nhà có giá không cao hơn từ 2,5 đến 3 lần thu nhập hàng năm của bạn.
Ví dụ: Nếu bạn kiếm được khoảng 300 triệu đồng mỗi năm, bạn không nên chi nhiều hơn 750 triệu đến 900 triệu cho một ngôi nhà.
Đây là một hướng dẫn để bạn có thể biết những gì mình đủ khả năng, tránh kiệt quệ vì khoản trả nợ nhà hàng tháng. Tất nhiên, tuỳ vào hoàn cảnh của mỗi người cần có những điều chỉnh sao cho linh hoạt. Hãy tận dụng các công cụ tính toán khả năng chi trả để biết bạn có thể mua được căn nhà bao nhiêu tiền dựa trên thu nhập và nợ.
Quy tắc số 3: Mục tiêu tiết kiệm ít nhất 10% thu nhập
Một trong những quy tắc tiết kiệm được sử dụng rộng rãi nhất là bạn nên tiết kiệm ít nhất 10% thu nhập của mình. Quy tắc 10% này áp dụng cho việc tạo khoản tiết kiệm cho các chi phí đột xuất, học đại học của con cái và các mục tiêu khác, không bao gồm khoản tiết kiệm cho kỳ nghỉ hưu hoặc các mục tiêu khác.
Có nhiều phương pháp được giới thiệu cũng như các quy tắc, thủ thuật tâm lý để bạn thực hiện việc tiết kiệm dễ dàng hơn. Bạn có thể tiết kiệm trên mỗi lần mua sắm như mua 300 nghìn gửi vào tiết kiệm 30 nghìn, mua 1 triệu gửi vào tiết kiệm 100 nghìn đồng. Bạn cũng có thể tham gia thử thách tiết kiệm 52 tuần, trong đó số tiết kiệm qua các tuần tăng dần...
Quy tắc số 4: Đừng bỏ qua tiết kiệm cho quỹ dự phòng khẩn cấp
Quỹ dự phòng khẩn cấp được sử dụng để trang trải các chi phí của bạn khi có sự mất thu nhập đột ngột hoặc một trường hợp khẩn cấp về tài chính khác xảy ra. Hầu hết các chuyên gia đều đưa ra lời khuyên rằng bạn nên để quỹ dự phòng khẩn cấp có giá trị tương đương 3-6 tháng sinh hoạt phí.
Ví dụ: Nếu chi phí sinh hoạt một tháng của bạn là 6 triệu, bạn nên cố gắng giữ quỹ dự phòng khẩn cấp trị giá từ 18 triệu đồng đến 36 triệu đồng.
Sau đó, bạn có thể quyết định tiết kiệm nhiều hơn hoặc ít hơn, tùy thuộc vào tình hình tài chính cũng như các điều kiện khác của bạn. Nếu bạn độc thân, có công việc ổn định với thu nhập tốt, không mắc nợ thì quỹ dự phòng khẩn cấp của bạn có thể nhỏ hơn. Nếu bạn đã có gia đình, công việc có tính bấp bênh, cha mẹ có vấn đề về sức khoẻ thì quỹ dự phòng của bạn cần nhiều hơn. Bạn có thể lựa chọn gửi tiết kiệm tự động để việc tiết kiệm trở nên dễ dàng hơn.
Quy tắc số 5: Suy nghĩ thực tế về việc nghỉ hưu
Nhiều chuyên gia thường đưa ra giả định rằng bạn cần có khoản thu nhập sau khi nghỉ hưu bằng 75-80% so với khi còn làm việc. Điều này có nghĩa rằng nếu bạn kiếm được 10 triệu trước khi nghỉ hưu, bạn nên nhắm tới mức thu nhập trên 7 triệu sau khi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, con số này có thể cao hơn hoặc thấp hơn, tùy thuộc vào kiểu lối sống mà bạn dự định sống khi nghỉ hưu, số nợ bạn vẫn đang gánh và sức khỏe tổng thể của bạn. Chi phí chăm sóc sức khỏe có thể chiếm một phần đáng kể trong ngân sách hưu trí của bạn nếu bạn không bảo hiểm y tế đủ để xử lý các chi phí đó.
Việc ước tính về nhu cầu khi về hưu sẽ giúp bạn tính toán được đúng đắn hơn về số tiền mình cần tiết kiệm cũng như đầu tư.
5 quy tắc này không phải là điều duy nhất bạn cần nhớ khi lập kế hoạch tài chính song chúng sẽ cho bạn một nền tảng vững chắc để xây dựng sự giàu có về lâu về dài.