Ngay cả khi chúng ta rất giỏi nói dối, nhưng ngôn ngữ cơ thể có thể phản bội chúng ta bất cứ lúc nào. Bởi lẽ những người hay nói dối thường sẽ không chú ý đến ngôn ngữ cơ thể, thay vào đó, họ tập trung vào lời nói và cố giữ nét mặt thật bình tĩnh. Các nhà tâm lý học tin rằng chìa khóa để phát hiện mội người đang nói dối được tiết lộ bằng ngôn ngữ cơ thể, vì vậy nếu bạn đang nghi hoặc lời nói của ai đó hãy thử lần theo những manh mối trong cách giao tiếp của họ để tìm ra chân tướng.
Có một số người ‘nói dối không chớp mắt’ khiến chúng ta khó mà ‘bắt bóng’ được họ. Thế nhưng với hầu hết những người đang nói dối, họ sẽ có một số biểu hiện khác thường mà chỉ khi tập trung quan sát và chú tâm bạn mới có thể nhận ra họ đang giấu giếm hay không. Dưới đây là một vài gợi ý cho bạn:
Lời nói ngập ngừng không lưu loát
Một trong những manh mối phổ biến nhất cho thấy một người đang nói dối là lời nói ngập ngừng ngắt quãng, vì vậy nếu bạn thấy người đối diện có biểu hiện này, hãy lưu ý. Nếu một người có quá nhiều đoạn ‘uhhh…thì…à…’ và cố gắng kéo dài lời nói hoặc quá ngập ngừng khi nói, có lẽ họ đang nói dối và cần thời gian để suy nghĩ về những gì cần nói.
Chú ý đến thời lượng của cảm xúc.
Cảm xúc thực của một người thường kéo dài không quá 5 giây. Nếu ai đó thể hiện một kiểu cảm xúc trong khoảng thời gian nhiều hơn 5 giây, rất có thể họ đang ‘đóng kịch’. Chắc chắn bạn không thể giữ nguyên biểu cảm khuôn mặt trong 10 giây, đúng chứ?
Lời nói và biểu cảm bất hợp lý
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng cảm xúc luôn được thể hiện trước, sau đó mới đến lời nói. Nếu một người nói rằng đang tức giận, nhưng vài giây sau mới thấy khuôn mặt tỏ ra tức tối thì chắc hẳn họ đang diễn kịch.
Kiểm tra sự chân thành của cảm xúc.
Cảm xúc thật xuất phát từ sự chân thành, và rất khó để giả vờ, vì vậy nếu muốn biết một người có nói dối hay không, hay xem thử cảm xúc thật của họ. Cảm xúc thật của một người không chỉ được bộc lộ qua một phần gương mặt như đôi mắt hay khóe miệng, mà toàn bộ khuôn mặt. Ví dụ, nếu một người mỉm cười vì vui mừng thực sự, ngoài việc miệng họ mở rộng thì các nếp nhăn cũng sẽ xuất hiện gần mắt và lông mày. Khi buồn cũng vậy, toàn bộ cơ mặt có thể giúp họ bộc lộ cảm xúc của mình.
Các chi tiết lặp lại
Trong khi đối với một số người, việc diễn đạt suy nghĩ thành lời nói thực sự không hề dễ dàng, thế nhưng nếu một người bình thường nói năng lưu loát gãy gọn, tự nhiên bị cà rắp hay lắp bắp nói đi nói lại một vấn đề không xuôi thì rất có thể họ đang nói dối. Nếu người đó liên tục lặp lại một nội dung, điều đó có nghĩa là họ đang cố gắng thuyết phục bạn và cả bản thân họ, và họ đang chờ đợi phản ứng của bạn về lời nói của họ.
Trả lời bằng từ hoặc cụm từ có sẵn trong câu hỏi
Sự lựa chọn từ ngữ cũng nói lên nhiều điều. Nếu một người sử dụng chính xác những gì có trong câu hỏi, có thể họ đang trong tình huống không được thoải mái và phải cố gắng trả lời câu hỏi của bạn, vì có thể họ sợ nói quá nhiều hoặc tiết lộ điều gì khác. Lặp đi lặp lại câu hỏi trước khi trả lời nó cũng là một dấu hiệu không tốt - đó là điều mà nhiều kẻ nói dối làm để tranh thủ thời gian và suy nghĩ câu trả lời.
Che mặt hoặc miệng
Một trong những dấu hiệu ngôn ngữ cơ thể dễ nhận thấy nhất là kẻ nói dối thường che mặt hoặc miệng khi nói chuyện. Đó là một điều khá phổ biến đối với những kẻ nói dối, vì đó là một phản ứng tâm lý, vì vậy nếu bạn nhận thấy người đối diện có hành vi tương tự, có thể bạn đang bị lừa.