7 ngày khủng hoảng y tế Hàn Quốc: Bệnh nhân bị biến thành ''con tin'', thoi thóp chờ được điều trị, y tá và điều dưỡng lóng ngóng tiếp quản chữa bệnh, 8.897 bác sĩ vẫn mải miết đình công trong bế tắc

Tới nỗi, người dân đang đặt ra câu hỏi rằng: Có phải các bác sĩ đang lấy bệnh nhân ra làm con tin để đạt được mục đích của mình?

Sáng ngày 26/2, cuộc đình công của các bác sĩ tại Hàn Quốc đã bước sang ngày thứ 7 liên tiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại khiến cho tình hình y tế tại đất nước này ngày càng trở nên bế tắc.

Phía Chính phủ cho biết, sẽ không bắt các bác sĩ thực tập phải chịu trách nhiệm nếu họ quay trở lại làm việc muộn nhất vào thứ Năm tới đây.

Đáp lại, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc đã xuống đường tới văn phòng tổng thống ở Yongsang, hô vang "Chúng tôi không phải tội phạm" trong bối cảnh bị cáo buộc coi bệnh nhân là "con tin".

7 ngày khủng hoảng y tế Hàn Quốc: Bệnh nhân bị biến thành con tin, thoi thóp chờ được điều trị, y tá và điều dưỡng lóng ngóng tiếp quản chữa bệnh, 8.897 bác sĩ vẫn mải miết đình công trong bế tắc - Ảnh 1.

Các thành viên của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) hô khẩu hiệu phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y của chính phủ, trong cuộc họp để thảo luận về hành động tương lai của họ tại tòa nhà KMA ở Seoul, Chủ nhật - Ảnh: Yonhap

Được biết, thống kê đến tối 22/2, đã có 8.897 người, tương đương 78,5%, trong số 13.000 bác sĩ thực tập sinh từ 96 bệnh viện giảng dạy lớn ở Seoul và các nơi khác đã nộp đơn từ chức, trong đó 7.863 người trong số họ không đi làm. Theo Bộ Y tế, các bệnh viện chưa chính thức chấp nhận việc từ chức.

Y tá, điều dưỡng được đẩy lên thay thế bác sĩ

Theo Sở cứu hỏa Gangwon (Hàn Quốc), một bệnh nhân tiểu đường khoảng 60 tuổi ở Yangyang, thị trấn tỉnh Gangwon, đã gọi đến đường dây nóng khẩn cấp 119 để xin giúp đỡ vì hoại tử nghiêm trọng ở chân.

Nhưng Bệnh viện Gangneung Asan, một trong những trung tâm y tế lớn nhất khu vực đã từ chối ông. Họ nói rằng không có bác sĩ thực tập sinh nào trong phòng cấp cứu.

Tất cả bệnh viện lớn ở Gangneung và Sokcho gần đó đều phản ứng tương tự. Người đàn ông cuối cùng đã được điều trị tại một bệnh viện cách đó khoảng 100 km, theo Koreaherald.

"Tôi có kế hoạch phẫu thuật vào hôm 21/2 nhưng đã bị hủy. Tôi sợ rằng khó có thể phải ghép gan với tình hình này", tờ Yonhap dẫn lời một bệnh nhân mắc ung thư trực tràng đã di căn sang gan viết trên mạng xã hội.

7 ngày khủng hoảng y tế Hàn Quốc: Bệnh nhân bị biến thành con tin, thoi thóp chờ được điều trị, y tá và điều dưỡng lóng ngóng tiếp quản chữa bệnh, 8.897 bác sĩ vẫn mải miết đình công trong bế tắc - Ảnh 2.

Bệnh nhân chờ đợi tại một bệnh viện nhà nước ở Seoul vào ngày 22/2

Một nhóm bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, như ung thư và bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), cho biết họ đang phải chịu đựng "những ngày đau đớn khủng khiếp".

"Chúng tôi đang rơi vào tuyệt vọng đến từng giây phút. Các bệnh nhân nặng cần được điều trị ngay lập tức. Chúng tôi tha thiết mong các bác sĩ thực tập quay trở lại bệnh viện càng sớm càng tốt", một bệnh nhân nói với truyền thông.

Trong khi đó, các phụ nữ mang thai cho biết họ đã phải hủy bỏ ca sinh mổ theo dự kiến từ trước.

Hiện nay, nhiều bệnh viện lớn nhất Hàn Quốc phải giảm tới 50% công suất hoạt động, từ chối nhận bệnh nhân hoặc hủy bỏ các các cuộc phẫu thuật.

Trước tình cảnh thiếu vắng bác sỹ, nhiều bệnh viện phải sử dụng y tá để thế chỗ. Không ít báo cáo gửi về cho thấy y tá và điều dưỡng phải làm công việc ngoài thẩm quyền.

Chẳng hạn, một bệnh viện thậm chí hướng dẫn y tá đặt buồng truyền hóa chất dưới da (chemoport) cho bệnh nhân ung thư. Đây là dụng cụ đặt dưới thành ngực để đưa thuốc hóa chất vào tĩnh mạch bệnh nhân hóa trị. Thủ tục này vốn do các bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm thực hiện, bởi dễ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như tràn khí màng phổi, rách động mạch dưới đòn, lạc chỗ ống thông. Các loại thuốc sử dụng trong buồng truyền hóa chất cũng cần được bác sĩ kê đơn.

Ở một bệnh viện khác, y tá được giao nhiệm vụ giải thích ca phẫu thuật và viết giấy đồng ý cho bệnh nhân.

"Y tá giải thích về ca phẫu thuật và bác sĩ chỉ việc ký. Chúng tôi cũng chuẩn bị hồ sơ bệnh án, đơn thuốc và rút ống tiêm, việc mà bác sĩ từng làm", một y tá báo cáo với Hiệp hội Gan Hàn Quốc.

7 ngày khủng hoảng y tế Hàn Quốc: Bệnh nhân bị biến thành con tin, thoi thóp chờ được điều trị, y tá và điều dưỡng lóng ngóng tiếp quản chữa bệnh, 8.897 bác sĩ vẫn mải miết đình công trong bế tắc - Ảnh 3.

Các phòng cấp cứu tại bệnh viện đều thiếu vắng bác sĩ

Các y tá lo ngại vì bị buộc phải thực hiện các thủ tục y khoa một cách bất hợp pháp, ngoài thẩm quyền vì không còn lựa chọn nào khác trong bối cảnh đình công. Hiệp hội Điều dưỡng Hàn Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp báo tại Viện Đào tạo Seoul để thông báo tình huống thực tế mà các nhân viên y tế đối mặt.

Điều gì khiến các bác sĩ đình công?

Đây không phải lần đầu tiên tình trạng này diễn ra. Vào năm 2020, kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển 4.000 sinh viên y trong 10 năm đã gây ra cuộc biểu tình tương tự, khiến chính phủ phải hoãn kế hoạch này.

Năm nay, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc quyết định tăng thêm 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y trong năm 2025, lên 5.000 chỉ tiêu, tăng 65,4% so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 khiến cho cuộc đình công lại bùng nổ.

Sở dĩ các bác sĩ và sinh viên trường y phản đối quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh vì cho rằng, điều này chỉ làm tăng tỉ lệ cạnh tranh trong ngành và chất lượng bác sĩ sẽ đi xuống do phải đào tạo quá nhiều sinh viên cùng một lúc. Họ cho rằng thay vì mở rộng tuyển sinh, Chính phủ nên tìm cách cải thiện môi trường làm việc của các bác sĩ và có sự phân bổ hiệu quả hơn.

Họ cũng kêu gọi Chính phủ tìm cách phân bổ bác sĩ tốt hơn cho "các khoa y tế không được ưa chuộng" như chăm sóc nhi khoa, sản phụ khoa; cũng như giảm trách nhiệm bồi thường trong trường hợp xảy ra sai sót.

7 ngày khủng hoảng y tế Hàn Quốc: Bệnh nhân bị biến thành con tin, thoi thóp chờ được điều trị, y tá và điều dưỡng lóng ngóng tiếp quản chữa bệnh, 8.897 bác sĩ vẫn mải miết đình công trong bế tắc - Ảnh 4.

Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc hôm Chủ Nhật xuống đường tới văn phòng Tổng thống ở Yongsang, hô vang “Chúng tôi không phải tội phạm”

Họ cho biết, số lượng các bác sĩ ở những khoa này rất thấp do dịch vụ y tế bị định giá thấp hơn đáng kể so với các khoa da liễu và phẫu thuật thẩm mỹ. Ở đây, chi phí y tế không do hệ thống bảo hiểm y tế quy định mà được tự quy định bởi các bác sĩ hoặc cơ sở y tế này. Họ đưa ra ví dụ về chi phí sinh con của khoa phụ sản thấp hơn nhiều so với phương pháp điều trị da bằng laser đơn giản của bác sĩ da liễu. Điều này đã dẫn đến tình trạng bác sĩ ồ ạt lựa chọn những khoa dễ kiếm tiền hơn trong khi những khoa quan trọng khác vẫn thiếu nhân lực.

Ngược lại, công chúng được cho là ủng hộ kế hoạch tăng chỉ tiêu. Một khảo sát mới đây của Gallup Korea cho biết 76% người được hỏi phản hồi tích cực với kế hoạch mở rộng. Song, một số chuyên gia cho rằng tình trạng này có thể kéo dài gián đoạn y tế, thậm chí lên đến một năm.

Chính phủ đã đình chỉ giấy phép y khoa với 2 thành viên cấp cao của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) và nói rằng có thể hủy bỏ giấy phép nếu phát hiện 2 người này xúi giục đình công. Cảnh sát cũng đang cân nhắc phát lệnh bắt những người đứng đầu cuộc đình công, theo Time.

Ở chiều ngược lại, KMA cho biết họ có thể "đình công vô thời hạn" nếu giới chức Hàn Quốc kiên quyết với kế hoạch tăng chỉ tiêu.

Bản chất là cuộc chiến giành lợi nhuận?

Các chuyên gia cho rằng sở dĩ các bác sĩ Hàn Quốc phản đối kế hoạch mở rộng số lượng vì nhiều bệnh viện Hàn Quốc, chủ yếu là tư nhân, hoạt động theo cơ cấu định hướng lợi nhuận.

"Ở phương Tây, các bệnh viện công chiếm hơn 50% cơ sở y tế, vì vậy các bác sĩ không lo ngại gì về việc có thêm đồng nghiệp. Thậm chí họ còn hoan nghênh vì điều đó sẽ giúp họ giảm khối lượng công việc trong khi họ vẫn được hưởng khoản tiền lương không đổi", Jeong Hyoung-sun, giáo sư của quản lý y tế tại Đại học Yonsei nói.

Nhưng ở Hàn Quốc lại khác, rất nhiều bác sĩ điều hành các phòng khám riêng, và số lượng lớn bác sĩ làm việc cho các cơ sở tư nhân, nên nếu có nhiều đối thủ cạnh tranh trong tương lai, họ sẽ không thể kiếm được nhiều tiền hơn. Đó là một cuộc chiến giành lợi nhuận, giáo sư lưu ý.

Lee Ju-yul, giáo sư tại Khoa Quản lý Y tế tại Đại học Namseoul, chỉ ra hệ thống tính phí theo dịch vụ cũng là một phần nguyên nhân gây ra sự cạnh tranh giữa các bác sĩ.

7 ngày khủng hoảng y tế Hàn Quốc: Bệnh nhân bị biến thành con tin, thoi thóp chờ được điều trị, y tá và điều dưỡng lóng ngóng tiếp quản chữa bệnh, 8.897 bác sĩ vẫn mải miết đình công trong bế tắc - Ảnh 5.

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo trả lời họp báo hôm 18/2. Chính phủ nước này yêu cầu các bác sĩ thực tập trở lại làm việc trước tình trạng y tế gián đoạn, đồng thời kêu gọi các bên ngồi lại thảo luận

"Theo chương trình này, các bác sĩ tính phí riêng cho từng dịch vụ họ thực hiện. Nhưng miếng bánh sẽ nhỏ hơn nếu chúng ta có nhiều bác sĩ hơn", ông Lee nói với The Korea Herald.

Giáo sư Lee giải thích: "Đó là lý do tại sao cái gọi là "điều trị ba phút" nổi lên khi các bác sĩ chỉ dành ba phút cho mỗi bệnh nhân để tăng số lượng dịch vụ y tế nhằm đổi lấy lợi nhuận lớn hơn.

Để xử lý tình hình khẩn cấp trước mắt, Thủ tướng Hàn Quốc cho biết Chính phủ sẽ trực tiếp vận hành phòng cấp cứu tại 409 cơ sở cấp cứu toàn quốc. Các bệnh viện công sẽ kéo dài thời gian thăm khám cả ngày thường và nghỉ lễ. Một số bệnh viện quân y sẽ mở cửa để khám và điều trị cho người dân trong trường hợp cần thiết. Bộ Y tế cũng đã ban hành lệnh cấm tiếp nhận đơn từ chức tại các bệnh viện.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang cân nhắc khả năng nộp đơn khiếu nại lên cơ quan công tố nhằm kiện hàng nghìn thực tập sinh và bác sĩ đã từ chức và bỏ việc hàng loạt nếu họ không tuân thủ lệnh triệu tập quay trở lại làm việc. Theo Kim Kook-il, người đứng đầu nhóm ứng phó khẩn cấp thuộc Bộ Y tế, Chính phủ sẽ xem xét việc thực hiện các biện pháp trừng phạt hành chính và xem xét mức độ truy tố trước khi hoàn thành lệnh triệu tập yêu cầu các bác sĩ quay trở lại làm việc.

Nguồn: Koreatimes, Yonhap, MK