8X mơ đưa người Việt ra thế giới

Đặt chân đến trên 40 quốc gia tại 5 châu lục; thành thạo 5 ngôn ngữ; xuất bản 8 cuốn sách; đồng sáng lập và quản lý cộng đồng Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới. Đó là những nét phác thảo profile của Hồ Thu Hương - Nadia Ho.

8X mơ đưa người Việt ra thế giới - 1

Đi để gỡ bỏ những định kiến của xã hội

Trong "từ điển" của Hương chưa cập nhật từ "mỏi bước". Cô bảo, đi không mang đến sự mệt mỏi chán ngán. Dù những năm gần đây, cô ưu tiên về thăm gia đình ở Mehico, Séc và Việt Nam hơn khám phá những vùng đất mới. Sức đi của cô khởi nguồn từ sự thôi thúc "muốn gỡ bỏ những định kiến của xã hội bằng những trải nghiệm cá nhân".

Hương sinh ra ở Hà Nội, 9 tuổi theo gia đình sang định cư ở một thành phố nhỏ của CH Séc, nơi mọi người đều cư xử và có cuộc sống tương tự nhau. "Hồi nhỏ tôi chỉ được tìm hiểu về thế giới qua những trang sách, báo. Trong tâm trí tôi hình thành những khuôn mẫu như người Mỹ béo mập, người Pháp lãng mạn, người Nhật chỉ biết làm việc...", Hương nói. Nhưng cô sớm nhận ra rằng: "Sự đánh giá rập khuôn về một nhóm người và phân loại khiến chúng ta thường phản ứng tiêu cực đối với những nhóm người không quen biết và chưa tương tác. Khi quy chụp hay đánh giá con người vì nguồn gốc, màu da, giọng nói hay bề ngoài của họ, chúng ta sẽ không thể biết được con người thật của họ".

Chuyến đầu tiên năm 2012 "ra nước ngoài định cư" một mình sang Argentina du học, với Hương là mốc đánh dấu trở thành công dân toàn cầu. "Văn hóa Mỹ Latinh đã trở thành một phần tất yếu của con người mình. Giờ đây có thể nói mình là sự hòa quyện của những nền văn hóa Á, Âu, Mỹ Latinh và Bắc Mỹ", cô chia sẻ.

Trên bước đường lữ hành, cô cố gắng giao lưu, kết bạn với người bản xứ. "Tôi tin những mối quan hệ cá nhân giữa người dân đến từ các quốc gia khác nhau là cách tốt nhất để duy trì hòa bình thế giới. Thường chúng ta hay tập trung vào những điểm khác biệt của nhau, nhưng thực tế, con người ở bất cứ nơi đâu trên thế giới có nhiều điểm chung hơn điểm khác biệt. Chúng ta đều muốn được hạnh phúc, được yêu, thực hiện những ước mơ và sống trong hòa bình".

Hương vẫn nhớ lần đến thăm thành phố điện ảnh Oarzazate ở Maroc cùng hai cô bạn. Ba người bắt chiếc taxi mà tài xế người Ả rập chỉ sử dụng được một ít tiếng Pháp, mọi sự giao tiếp chủ yếu bằng ánh mắt, cử chỉ. Sau một buổi rong ruổi thăm quan, tài xế mời ba người về nhà thưởng thức món "couscous" do vợ anh nấu. Hương và hai cô bạn nhận lời mời xen lẫn chút lo lắng.

"Ngoài bữa ăn trưa ngon tuyệt với gia đình anh, chúng tôi còn chơi với con trai của anh, được vợ anh vẽ henna lên tay. Kỷ niệm này giúp tôi thay đổi cách suy nghĩ về người Hồi giáo và tăng niềm tin rằng về cơ bản, chúng ta đều là những người tốt", Hương nói.

Không chỉ thích xê dịch, Hương còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhất là những dịp lễ tết. Cô cho biết, ấn tượng nhất là tinh thần đồng đội, đùm bọc của những người con xa xứ. Đặc biệt, có cơ hội gặp nhiều người Việt ưu tú và thành công như bạn Đỗ Thu Trang, được lọt vào danh sách Forbes 30 dưới 30 của Cộng hòa Séc hay bạn Hà Ngọc Quyên, làm việc cho Bloomberg tại TP New York. "Người Việt không thiếu tài năng và hoàn toàn có thể sánh vai với thế giới nếu họ có cơ hội phát triển và tận dụng những khả năng của mình", cô chiêm nghiệm.

8X mơ đưa người Việt ra thế giới - 2

Tranh: Nguyễn Văn Hổ

Thoát ra vùng an toàn

Với Hương đi và học luôn song hành. Trước mỗi chuyến đi luôn cần sự tìm hiểu kiến thức nền về đất nước, văn hóa, con người và những sự kiện có thể sẽ tham gia. "Các bạn thử tìm kiếm những sự kiện thú vị, khóa học ngắn hạn, chương trình... có thể tham gia, sẽ được một công đôi việc, vừa du lịch lại vừa tích lũy kinh nghiệm, kiến thức cho bản thân".  Đó cũng là một trong những "bí quyết" của cô để có thể nhận được sự tài trợ kinh phí, thêm điểm cộng xin thị thực đến những quốc gia vốn "khó tính".

Cô có lần đầu tiên đến Mỹ khi tham gia chương trình Mô phỏng Liên Hợp Quốc; đến Canada để tham gia chương trình làm việc và học tập được tài trợ bởi Liên minh châu Âu. "Tham gia những chương trình có uy tín nâng cao khả năng thị thực và đi qua hải quan", Hương nói.

Hương tâm niệm "Hãy chỉ sở hữu những gì bạn luôn có thể mang theo: hãy biết ngôn ngữ, hiểu biết về các quốc gia, biết con người". Cô luôn đặt ra tiêu chí bản thân phải giao tiếp được với người bản địa và am hiểu về văn hóa. Để tạo động lực học ngoại ngữ, cô đăng ký tham gia các kỳ thi để ôn luyện và sử dụng ngoại ngữ, nhưng không đặt tiêu chí "đạt IELTS 6.5", "nhận bằng DALF"... làm đích đến.

Khi sang Argentina du học, Hương đã không thoái lui khi nhận "tin sốc" các môn học tiếng Anh đã bị hủy và xem đó là cơ hội để nâng trình tiếng Tây Ban Nha đang ở mức cơ bản. Ngoài ra, cô còn tự đặt mình ra khỏi vùng an toàn khi quyết định viết cuốn sách bằng tiếng Việt sau 18 năm sống ở nước ngoài.

Vừa viết vừa sử dụng Google Translate để dịch một số từ không biết từ tiếng Anh sang tiếng Việt, cuối cùng cuốn “Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới - Những bước để trở thành công dân toàn cầu” đã được phát hành và được xếp hạng "Top 20 tựa sách giá trị năm 2017" do Đường sách TPHCM trao tặng. 

Hành trình đưa người Việt trẻ làm công dân toàn cầu

Hồ Thu Hương khởi đầu hành trình thực hiện ý tưởng “Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới” bằng những nghi ngại, chê bai, ném đá trên mạng xã hội. Rằng, cô và hai thành viên Phạm Anh Đức, Nguyễn Phan Linh đều đã sống ở nước ngoài nhiều năm; tiếng Việt sử dụng không thành thạo và trình độ viết văn tiếng Việt chỉ ở trình độ trung học... Thậm chí, có người nghi nhóm cô không thực chất.

Hương vẫn kiên định và không quên lý do bắt đầu "mong muốn thế hệ trẻ Việt sẽ chuẩn bị đầy đủ vốn kiến thức, kỹ năng, tư duy và phẩm chất tốt khi ra thế giới để được mọi người trên thế giới coi trọng và để họ đạt được thành công xứng tầm với khả năng".

Hương xem những trở ngại là động lực; không để những tiêu cực làm bản thân quên mất mục tiêu và tầm nhìn. Sự thật, cô và các thành viên đã có những trải nghiệm, kinh nghiệm từ những chuyến đi trước năm 2015 - thời điểm thành lập dự án Hộ chiếu xanh, nhập thêm quốc tịch.

Cô tin những lời khuyên của nhóm không vì lợi nhuận, dự án với giá trị lâu dài luôn đặt lợi ích của các bạn trẻ lên hàng đầu sẽ được chứng minh theo thời gian. Liên tiếp những buổi trò chuyện trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm, các khóa học ngoại ngữ, các kỳ tình nguyện xuyên quốc gia hướng tới người nghèo... thu hút nhiều bạn trẻ ở nhiều nước khác nhau như Singapore, Nhật Bản, Mỹ... tham gia.

Hương đã đúc kết cuốn cẩm nang 12 bước 77 tiêu chí để trở thành công dân toàn cầu. Trong đó, bao quát nhiều lĩnh vực đa dạng và những nhu cầu, xu hướng trong thời đại công nghiệp 4.0, nhằm giúp các bạn trẻ phát triển các kỹ năng mềm, xây dựng lối sống lành mạnh và trang bị những kiến thức.

"Thế kỷ 21 và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đòi hỏi sự độc lập trong suy nghĩ và hành động; sự linh hoạt để đón nhận những sự thay đổi; sự siêng năng để liên tục trau dồi kiến thức, kỹ năng; tinh thần vượt khó. Cộng đồng Hộ chiếu xanh mong muốn các bạn trẻ Việt Nam trở thành những con người như vậy", Hương bày tỏ.

Đến giờ, Hương vẫn bền bỉ gắn mình với hoạt động của cộng đồng Hộ chiếu xanh. Khó khăn lớn nhất là khoảng cách địa lý, dù các thành viên trong nhóm làm việc trực tuyến rất hiệu quả.

"Tôi mong rằng trong thời gian tới, cộng đồng Hộ chiếu xanh sẽ quy tụ được những đại sứ - những tấm gương Việt toàn cầu - cũng như sự giúp đỡ của các tổ chức, cộng đồng để có thể tiếp tục phát triển và phổ biến những giá trị và kỹ năng cần thiết tới các bạn trẻ Việt Nam".

8X mơ đưa người Việt ra thế giới - 3

Hồ Thu Hương là một trong số 233 đại biểu Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II năm 2019 tại Hà Nội. 

Học cách không phân biệt

Tôi đã có cơ hội đi đến ba miền đất nước. Việt Nam là một đất nước rất giàu có và đa dạng về thiên nhiên, văn hóa. Thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam là sự đa dạng của thiên nhiên, bề dày lịch sử, giá cả phải chăng đối với người du lịch, con người thân thiện và dễ gần. Ngược lại, những điểm tiêu cực có thể khiến du khách một đi không trở lại là sự thiếu chuyên nghiệp trong dịch vụ, thiếu tôn trọng khách hàng. Tôi là người Việt và đã có tầm hiểu biết về văn hóa sở tại nhưng vẫn cảm thấy bức xúc khi không được đối xử tốt, vậy thử hỏi những người du lịch lần đầu đến Việt Nam sẽ nghĩ gì?

Mỗi người dân Việt là đại sứ tốt nhất cho đất nước. Để thu hút dân du lịch đến Việt Nam, chúng ta cần phải học cách không phân biệt đối xử đối với người ngoại quốc (coi họ là người có tiền nên chặt chém), nghĩ đến những giá trị lâu dài hơn là lợi ích ngắn hạn, cố gắng cải thiện trình độ ngoại ngữ và học hỏi về văn hóa thế giới. Nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người dân là điều đất nước chúng ta cần phải tập trung vào trong thời kỳ hội nhập.  

Một số dấu mốc đáng chú ý về Hồ Thu Hương:

- Thành thạo 5 ngôn ngữ: Việt, Anh, Séc, Tây Ban Nha, Pháp

- Tốt nghiệp ngành Thương mại quốc tế ở Trường ĐH Kinh tế Praha, CH Séc; ngành Marketing Trường Kedge Business School, Pháp.

- Học bổng du học tại Trường ĐH Kinh doanh của Argentina (UADE) ở Buenos Aires, Argentina năm 2011.

- Giải 5 cuộc thi quản lý kinh doanh REVEAL của L’Oreal (383 thí sinh) tại CH Séc và Slovakia.

- Là một trong số 31 sinh viên quốc tế nhận học bổng du học và thực tập tại Canada của Ủy ban châu Âu. Được nhận vào thực tập tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương của Canada.

- Đại biểu sinh viên Việt Nam duy nhất tham gia Hội nghị thượng đỉnh của khối Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC).

- Cùng với đội của trường Kedge Business School vượt qua 5.000 thí sinh từ khắp nơi trên thế giới để nhận giải đặc biệt cùng 4 giải phụ trong cuộc thi Mô hình Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ năm 2015.

- Làm việc tại các công ty đa quốc gia, trường đại học và phòng thương mại tại Séc, Canada, Pháp, Mexico và Mỹ.

- Diễn giả tại các trường đại học lớn tại Việt Nam như ĐH Ngoại thương, ĐH Greenwich, ĐH Y Hà Nội...

- Đại biểu Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II năm 2019