Khi còn nhỏ, chúng ta ao ước nhanh được trở thành người lớn, vì lúc đó chúng ta có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn. Tuy nhiên, thực tế là cuộc sống của chúng ta sau này vẫn có sự can thiệp của những người xung quanh - cha mẹ mong muốn chúng ta sớm sinh con, bạn bè khuyên nên kết hôn sớm, còn các doanh nghiệp thì đua nhau gọi mời chúng ta mua hàng của họ... Và hầu như ai cũng sẵn sàng nói cho chúng ta biết chúng ta phải sống như thế nào cho đúng theo quan điểm của họ.
Dưới đây là 9 sai lầm mà xã hội vô tình áp đặt lên chúng ta, và đôi khi chúng ta bị lung lay theo những lời khuyên này:
Một người thành công chắc chắn sẽ có xe riêng, có nhà riêng và điện thoại đời mới nhất
Xã hội ngày nay tích cực thúc đẩy cuộc sống vì niềm vui có được từ việc mua sắm là chủ yếu: mua đồ dùng mới, quần áo hợp thời trang hoặc những đồ dùng thông minh. Bên cạnh đó, họ áp đặt cho chúng ta thói quen nâng cấp đồ đạc như thói quen vòi vĩnh đồ chơi mới của đứa trẻ. Chắc chắn sẽ chẳng có vấn đề gì khi bạn mua điện thoại đời mới nhất và ăn mì tôm trong suốt 6 tháng trời, hay mua xe hơi và chẳng bao giờ lái x era đường vì không có tiền chi trả cho phí dịch vụ.
Tại sao tôi phải thua kém một nghệ sĩ nổi tiếng?
Ngày nay, các nhà tâm lý học phác thảo hiện tượng này là bắt chước phong cách sống của các nhóm xã hội khác. Nói cách khác, rất nhiều người có cách sống ‘con nhà lính, tính nhà quan’, cố phải bắt chước cho giống các nghệ sĩ nổi tiếng hay những doanh nhân thành đạt để thể hiện đẳng cấp bản thân.
Tuy nhiên một cô gái sinh ra ở quê hay vùng ngoại ô không thể nào có đủ tiền để suốt ngày du lịch nước ngoài, sắm những bộ váy đắt tiền hay những thú chơi đắt đỏ. Vấn đề là ở chỗ đó: cô ấy sẽ tự so sánh mình với những người nổi tiếng khác, tự ti vì cho rằng mình kém cỏi và sống cuộc đời thất bại, càng nhiều tuổi thì điều đó càng tệ hơn.
Có nhiều ảnh trên mạng xã hội mới là người thành đạt
Tình huống này khá đơn giản - bạn càng có nhiều ảnh đẹp trên phương tiện truyền thông xã hội đồng nghĩa với việc cuộc sống của bạn càng thành công và ngược lại. Ít nhất đó là những gì những người không có tiền đi du lịch nước ngoài hay những người không dám chi trả cho chi phí một bữa ăn tại nhà hàng đắt tiền sẽ nghĩ.
Tuy nhiên các nhà tâm lý học lại có câu trả lời khác: những người hay khoe khoang về cuộc sống thường nhật sẽ có xu hướng bị ái kỷ (yêu bản thân quá mức), trong khi những người hay ghé tài khoản cá nhân của họ có thể nhanh chóng chìm đắm trong sự ghen tị hoặc tuyệt vọng, bức bối.
Luôn luôn phải là một người mẹ tốt
Phương châm sống của các bà mẹ bỉm sữa là: “Chăm con mà không thấy mệt thì chắc chắn là chăm chưa tốt”. Đặc biệt là mỗi khi họ xem qua các tạp chí phụ nữ, hàng tấn những lời khuyên dành cho những người có thiên chức làm mẹ lại được đưa ra.
Hậu quả là những “người mẹ hoàn hảo” chả mấy khi có thời gian chăm sóc bản thân. Ngoài ra, trẻ em thời nay càng ngày càng lệ thuộc và đòi hỏi vô lý, đó là do phần lớn ở suy nghĩ bảo bọc thái quá từ những kiểu cha mẹ như này.
Làm đầu bếp hay thợ may chỉ dành cho những người ít học
Trong những năm qua, xã hội của chúng ta đã hình thành định kiến cho rằng một người không có trình độ học vấn cao thuộc về một đẳng cấp thấp hơn, và chỉ cần cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp đại học, cuộc đời sẽ trải hoa hồng và hiểu biết hơn rất nhiều. Ai cũng nghĩ thế nên mới dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.
‘Bạn muốn trở thành tỉ phú? Hãy tham gia cùng chúng tôi’
Nhiều người trong chúng ta không đủ kiên trì để tích lũy kinh nghiệm dẫn đến thành công. Tư tưởng muốn làm giàu nhanh mà không phải chịu khổ khiến nhiều người tham gia những khóa học làm giàu, khi mọi người sẽ nói về các chủ đề kiếm tiền chỉ trong một phút, kiếm tiền ngay cả khi đi du lịch, kiếm thu nhập cao mà không cần năng lực thực sự.
Trang điểm ‘sương sương’ với lớp make-up dày hơn đế Pizza
Phụ nữ hiện đại được chia làm hai loại: Một loại tôn sùng vẻ đẹp tự nhiên, không đòi hỏi nhiều mỹ phẩm. Loại còn lại cho rằng đẹp nghĩa là nhận thức được các xu hướng mới nhất, và có thể trang điểm chả khác nào một nghệ sỹ thực thụ. Kết quả là họ quên mất rằng “tốt nước sơn” thôi chưa đủ, còn phải “tốt gỗ” nữa.
Phải đi du lịch nhiều nơi vào
Thật xấu hổ khi nói rằng bạn đã không đi đâu cả. Hoặc là bạn đã trải qua kỳ nghỉ ở một nơi đến 2 hoặc 3 lần, hoặc bạn chỉ đi quanh quanh nơi bạn đang sống vì không có nhiều chi phí hoặc không thu xếp được thời gian. Nhiều người tin rằng, phải đi được thật nhiều nơi mới thực sự là người thành đạt và giàu có.
Điều này cũng lại là do ảnh hưởng từ mạng xã hội, nơi nhiều người thích thú đăng ảnh khoe bản thân đi nhiều nơi. Mục đích chính là thu hút nhiều like và share, chả liên quan gì đến mức độ thành công thực sự của họ.
Bản thân thấy thoải mái là được, người khác thế nào không quan trọng
Hãy tưởng tượng rằng bạn bị ngã xe ngay giữa phố đông đúc và bị trầy xước. Bây giờ hãy thử đoán xem người ngoài cuộc sẽ phản ứng như thế nào. May mắn là họ sẽ đi ngang qua mà không để tâm đến bạn, trong trường hợp xấu hơn - họ sẽ bí mật hoặc công khai quay video về bạn, rồi đăng lên mạng.
Và nếu có người người giúp bạn, thì họ sẽ nhận được ánh nhìn kỳ lạ, như thể tại sao lại rỗi hơi lo chuyện bao đồng. Đây là lý do xã hội ngày càng trở nên vô cảm.