9 sai lầm bạn thường làm sau khi chia tay chỉ khiến bạn thân thêm khổ sở

Dưới đây là những hành động dại dột mà chúng ta vẫn thường hay mắc phải khi bị nói lời chia tay, cùng với đó là những lí do giúp bạn hiểu ra tại sao bạn không nên hành động như vậy.

Kết thúc một mối quan hệ luôn là việc khó khăn với mỗi người. Đặc biệt khi bạn không phải là người chủ động nói chia tay. Cảm giác không cam tâm hoặc tức giận vì bị “bỏ rơi” thường dễ khiến chúng ta nói ra những lời hoặc làm những hành động dại dột – điều này khiến bản thân bạn trở nên vô cùng thảm hại hoặc thậm chí khó khăn để bắt đầu một mối quan hệ mới. 

Dưới đây là những hành động dại dột mà chúng ta vẫn thường hay mắc phải khi bị nói lời chia tay, cùng với đó là những lí do giúp bạn hiểu ra tại sao bạn không nên hành động như vậy:

Nói về cảm xúc của bạn lần cuối

Sẽ khá bất ngờ khi bạn bị nửa kia nói chia tay, và chúng ta thường có xu hướng cố giải thích về tình cảm của mình với đối phương như: viết một đoạn tin nhắn thật dài, gọi cho đối phương sau khi đã uống say mèm... Chúng ta đều tin rằng với sự giãi bày thật lòng này thì nửa kia sẽ bị sự cảm động này mà hồi tâm chuyển ý. 

Tại sao bạn không nên làm vậy?

Vấn đề ở đây không nằm ở cảm xúc của bạn mà là tình cảm của đối phương. Mấu chốt là họ đã cạn kiệt tình cảm để tiếp tục yêu bạn, cho nên những gì bạn làm chỉ khiến cả hai thêm khó xử mà thôi. Kết quả họ sẽ cố gắng tránh né gặp gỡ vì không muốn gieo thêm hi vọng cho bạn và điều này càng làm bạn thấy đau khổ.

Phát điên lên

Khi bị người mình từng dùng cả sinh mệnh để yêu thương nói lời chia tay, bạn sẽ cảm thấy đất trời như... sụp đổ, hoặc có cảm giác như mình bị phản bội, do đó bạn rất dễ dàng phát điên lên và nói ra những lời thô lỗ khi nóng giận. Hành vi này trông có vẻ giống như nó đang cứu lấy bản ngã của bạn nhưng thực tế chỉ làm cho mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn mà thôi.

Tại sao bạn không nên làm vậy?

Sự tức giận sẽ qua đi rất nhanh và khi ấy bạn sẽ cảm thấy xấu hổ về hành vi của mình trước sự chứng kiến của nhiều người ở thời điểm đó. Điều này có thể làm bạn ám ảnh, tự trách bản thân suốt một thời gian dài và bạn sẽ phải sống trong sự dằn vặt khổ sở đó khá lâu đấy.

Đồng ý làm bạn bè

Nhiều người có xu hướng muốn làm bạn bè với nửa kia sau khi chia tay. Họ làm điều này vì bản thân họ cảm thấy có lỗi hoặc quá ích kỉ, vẫn muốn được ở gần bạn với muôn vàn lí do tốt đẹp mà họ sẽ thủ thỉ vào tai bạn. Tuy nhiên bạn cũng quá hi vọng rằng làm bạn sau chia tay cũng đồng nghĩa với mối quan hệ đó chưa chấm dứt hoặc bạn hoàn toàn có thể nối lại tình xưa.

Tại sao bạn không nên làm vậy?

Sẽ chẳng có phép màu nào xảy ra cho một tình yêu đã kết thúc và việc yêu lại người cũ chưa bao giờ đẹp như bạn tưởng tượng. Cái bạn cho là tình yêu chẳng qua chỉ là vì bạn đang tiếc nuối kỉ niệm xưa mà thôi.

Tìm kiếm một lí do để gặp mặt

“Em để quên một vài quyển sách, một vài món đồ ở chỗ anh”; “Em có mua cho anh một món quà nhưng chưa kịp tặng, em có thể đưa nó cho anh không?”... Có muôn vàn lí do được đưa ra chỉ bởi vì bạn chưa thể quên được họ và rất muốn được nhìn thấy họ dù chỉ là trong giây lát, hoặc chỉ đơn giản được nghe giọng nói của họ. Nhưng điều này không được các chuyên gia tình yêu khuyến khích nên làm đâu nhé.

Tại sao bạn không nên làm vậy?

Việc cứ nhớ đến người cũ hoặc chưa quên được những kỉ niệm xưa sẽ khiến bạn khó khăn trong việc bắt đầu một mối quan hệ mới. Kể từ khi chấm dứt với người ấy, điều bạn nên làm là cắt hoàn toàn liên lạc với họ cho đến khi bạn thực sự quên được anh ta thì hãy nghĩ đến việc làm bạn hoặc gặp gỡ nhau với tư cách bạn bè.

Đòi quà

Một số người cảm thấy tức giận sau khi chia tay và họ thường cho rằng mình đang bị nửa kia lợi dụng, do đó họ sẽ có xu hướng đòi lại tất cả những món quà hoặc số tiền đã chi tiêu cho đối phương. Tuy nhiên họ lại không hề nghĩ rằng hành động nhỏ nhen này có thể đang xúc phạm nặng nề đến người cũ và họ sẽ chẳng có một suy nghĩ tốt đẹp nào dành cho bạn.

Tại sao bạn không nên làm vậy?

Chắc chắn với hành vi tồi tệ này thì nửa kia sẽ rất khó đánh giá tốt và xem trọng bạn. Chưa hết, họ sẽ đi kể với rất nhiều người thân và bạn bè của mình và câu chuyện “đòi quà” này giống như một giai thoại xấu mà ai ai cũng nhớ đến khi nghĩ về bạn. Chắc bạn cũng không muốn có một kết cục như thế đúng không nào?

Khóc lóc trên mạng

Đúng là thông thường khi buồn bã chuyện gì, chúng ta sẽ có xu hướng viết hàng tá status trên facebook, share những câu nói thâm thuý về tình yêu, những bản nhạc phù hợp tâm trạng hay bắt đầu viết những dòng tự sự về cuộc đời... Lúc đó bạn sẽ chẳng thấy gì là nghiêm trọng, nhưng tin tôi đi, chỉ vài tháng sau khi bạn bước qua được hố đen này rồi bạn sẽ nhận ra mình đã ngốc nghếch và ấu trĩ thế nào.

Tại sao bạn không nên làm vậy?

Bạn viết ra nhiều như thế mục đích cũng chỉ muốn cho một người thấy, nhưng bạn có nghĩ qua rằng sau khi họ nói lời chia tay, có khi họ cũng đã bỏ follow trang cá nhân của bạn từ lâu rồi. Căn bản bạn viết gì họ cũng không đọc được, cho dù đọc được họ cũng chẳng động lòng. Ngược lại còn thấy bạn sao quá uỷ mị, phiền phức, chia tay bạn đúng là điều sáng suốt. Tại sao bạn không mạnh mẽ hơn, sống tốt hơn và xinh đẹp hơn khi không có họ? Có như thế người từ bỏ bạn mới cảm thấy nuối tiếc.

"Chơi chiêu" với bồ mới của người cũ

Mới một tuần sau khi chia tay mà người cũ của bạn đã có người mới và điều này khiến bạn cảm thấy tức tối. Do đó bạn muốn tìm cô ta để “dằn mặt”, cho cô ta biết sự tồn tại của bạn ở trên đời này và bạn mới chính là người yêu của anh ta. Hai bạn chẳng qua chỉ đang giận hờn thế thôi, còn cô ấy chỉ là thứ “đồ chơi” mới mà anh ấy thấy hứng thú.  

Tại sao bạn không nên làm vậy?

Bạn đang tốn thời gian vô ích vào việc đào bới hình ảnh, tìm hiểu thông tin về cô gái kia, chỉ để chứng minh rằng cô ấy thua kém bạn, không bằng bạn dù là bất kì phương diện nào. Nhưng sau tất cả bạn được gì? Họ sẽ nhìn bạn bằng ánh mắt khinh thường vì bạn đang cố tình phá vỡ hạnh phúc của họ. Trông bạn thật thảm hại và chắc chắn người ấy sẽ không bao giờ quay lại với bạn khi biết bạn đã làm ra những chuyện như thế rồi.

Cố gắng nhờ vả một người quen của cả hai

Nhiều sự ấm ức chưa được nói ra hết, bạn sẽ tìm cách trút ra thông qua người quen của cả hai. Lúc này bạn sẽ đóng vai nạn nhân và tìm kiếm đồng minh đứng về phía mình. Bố mẹ, người thân hoặc bạn bè của người ấy là một ví dụ điển hình. Bạn sẽ nhờ những người này nói thêm để khuyên nhủ nữa kia suy nghĩ lại. Nhưng thật đáng tiếc, đây dường như không phải một cách hay.

Tại sao bạn không nên làm vậy?

Những người đó không những không giúp bạn mà họ sẽ cho rằng bạn đang cố tình nói xấu người kia với những người xung quanh. Đến cuối cùng bạn không những mất đi tình yêu mà ngay cả những mối quan hệ khác cũng vì vậy mà tiêu tan, có đáng không? 

Cố tìm lí do vì sao hai người chia tay

Bạn vẫn loay hoay trong một ngàn câu hỏi vì sao hai người chia tay. Có vẻ người cũ đã không cho bạn một câu trả lời thuyết phục, bạn cố lục lại trong kí ức của mình xem có phải người ấy đã phản bội bạn hay không, hay bạn đã làm sai điều gì. Nếu bạn chấp nhận bỏ qua lỗi lầm của người ấy, nếu người ấy đồng ý cho bạn cơ hội sửa sai thì có phải mối quan hệ này vẫn có thể tiếp tục hay không? Nhưng sẽ chẳng có nếu như nào xảy ra cả ngoài sự thật bạn phải chấp nhận là hai người đã thực sự chia tay.

Tại sao bạn không nên làm vậy?

Cho dù bạn có làm gì đi chăng nữa cũng không thể nào thay đổi suy nghĩ của nửa kia về việc chia tay bởi vì họ đã chán ngán bạn và có niềm vui mới. Khi một người đã cạn kiệt tình cảm thì cho dù bạn có tốt đến đâu, có yêu họ thế nào thì người muốn đi cũng sẽ phải đi, thế thôi.