Trần Bình Khang (sinh năm 1995) hiện đang làm công việc liên quan đến truyền thông, marketing. Anh được mọi người biết đến là một chàng trai yêu thích tham gia các hoạt động bảo tồn thiên nhiên. Tháng 6/2020, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo phối hợp với tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN thực hiện chương trình bảo tồn rùa biển.
Có 996 người nộp đơn đăng ký và sau cùng ban tổ chức chọn lại gần 100 người. Bình Khang đã may mắn và được tham gia vào đợt 1 từ 20/6 – 29/6/2020. Các tình nguyện viên được phân bổ theo từng nhóm khác nhau và thực hiện nhiệm vụ ở các địa điểm tại Côn Đảo như hòn Cau, hòn Tre Lớn, hòn Tài, trạm kiểm lâm Bảy Cạnh (hòn Bảy Cạnh), bãi Dương. Anh cùng một số tình nguyện viên khác được phân công phụ trách ở bãi Dương.
Nhiệm vụ chính của Bình Khang là bảo tồn rùa biển. Cụ thể, anh thực hiện việc canh rùa lên đẻ, nhặt trứng, đem trứng lên hồ ấp và đem rùa con đã nở để thả ra biển.
Nhớ lại những ngày tham gia, anh chia sẻ: “Khó khăn đầu tiên là mình phải đối mặt với rất nhiều muỗi. Hầu như lúc kết thúc chuyến đi, da thịt của mọi người đều không lành lặn vì vết muỗi cắn. Bên cạnh đó, mình còn phải làm quen với giờ giấc sinh hoạt mới. Tùy theo bảng thủy triều mà rùa theo con sóng lên đẻ lúc nào thì sẽ thức dậy trước giờ đó để chuẩn bị đi ra bãi “đỡ đẻ” cho rùa mẹ”.
Đối với Bình Khang, giai đoạn quan trọng nhất là khi phát hiện có rùa lên đẻ. Anh đã âm thầm theo dõi quá trình sinh sản của nó. Khi rùa đã tìm được nơi để sinh sản thì phải chờ. Sau khi rùa lấp cát, anh tiến hành đo kích thước, bấm thẻ nhận diện cho rùa mẹ và sau đó tiến hành đào cát lên để nhặt trứng. Rùa mẹ thường đào tổ khá sâu tầm 30 - 40 cm, rộng từ 20 - 30 cm nên công đoạn đào cát để nhặt trứng đối với anh cũng khó khăn. Quá trình rùa sinh sản cũng không tính được chính xác hoàn toàn. Đồng thời, quá trình này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Khoảnh khắc khi chứng kiến cảnh rùa mẹ đẻ trứng ngoài thiên nhiên mang lại cho Bình Khang cảm xúc mới lạ. Khang tâm sự: “Trước đó, mình toàn thấy mấy cảnh này trên ti vi, trên mạng. Khi tận mắt nhìn thấy quá trình sinh sản thiêng liêng của rùa mẹ giữa biển đảo hoang vắng, mình rất phấn khích, nhưng vẫn phải giữ im lặng để không ảnh hưởng đến rùa mẹ. Khoảnh khắc đó còn khiến mình thấy quyết định nộp đơn ra Côn Đảo tham gia chuyến tình nguyện này sau nhiều lần trì hoãn là may mắn”.
Bình Khang cũng cho biết thêm, khi nhìn những “em” rùa nhỏ bò từng bước chậm chạp ra biển, anh vừa cảm thấy dễ thương lại vừa thấy đáng thương.
“Mình đã được nghe kiểm lâm viên nói, trong 1.000 “em” được thả ra biển thì xác suất chỉ có một “em” là còn sống sót đến tuổi trưởng thành, bởi sự khắc nghiệt nơi biển cả. Qua đó, mình suy nghĩ về vết chi in hằn trên cát của rùa biển đánh dấu một hành trình đang chờ ở phía trước ở đại dương bao la rộng lớn với bài học “sinh tồn””, anh bày tỏ.
Khang mong rằng các bạn trẻ ngày càng hiểu đúng về tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học.
Qua trải nghiệm bảo tồn rùa biển, Bình Khang hy vọng mọi người có thể cùng nhau bảo vệ động vật và môi trường sống. “Mình thấy đây là một hoạt động rất ý nghĩa, có lợi ích về cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Đi thực tế đến Côn Đảo, trực tiếp tham gia công tác bảo tồn rùa biển mới hiểu vì sao vùng đất Côn Đảo lại quý giá, cần được nhiều thế hệ giữ gìn đến vậy. Đặc biệt, Côn Đảo là nơi có số lượng rùa lên đẻ nhiều nhất ở Việt Nam, mà rùa lại nằm trong danh sách sinh vật biển cần được bảo tồn hàng đầu trên thế giới, luôn nằm trong nhóm nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng.
Mình mong, ngày càng có nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu đúng tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn rùa biển nói riêng. Ngoài ra, mình còn mong các bạn trẻ sẽ có những hành động thiết thực để đóng góp cho sự phát triển của việc bảo tồn đa dạng sinh học”, Khang bộc bạch.