Anh công nhân đào trúng bình gốm cao 30cm, cảnh sát lập tức đến phong tỏa công trường

Những tưởng sẽ đổi đời khi tìm thấy báu vật, người đàn ông Trung Quốc thất vọng khi biết giá trị thực sự của món đồ cổ.

Vào ngày 10 tháng 11 năm 2021, một cuộc gọi từ công trường ở Kha Kiều, Thiệu Hưng, Chiết Giang, Trung Quốc, khiến các cảnh sát ở đồn cảnh sát Tề Hiền gần đó rất ngạc nhiên. Ở đầu dây bên kia, một công nhân cho biết họ vừa tìm thấy một món đồ có thể là cổ vật quý giá nên đã trình báo cảnh sát.

Phía cả sát cho biết ở khu vực Kha Kiều, Thiệu Hưng, Chiết Giang, việc tìm thấy đồ cổ gần như rất hiếm. Nếu món đồ mà những công nhân này tìm thấy thực sự là cổ vật thì đây chắc chắn là chuyện lớn. Do đó, ngay khi nhận được tin báo, đồn cảnh sát Tề Hiền đã lập tức huy động lực lượng đến hiện trường để tìm hiểu sự việc.

Từ Gia Trình, một cảnh sát có mặt tại hiện trường cho biết địa điểm tìm thấy cổ vật là một công trường xây dựng. Chiều hôm đó, khi các công nhân đang đào đất, đóng cọc để thi công dự án thì anh công nhân họ Vương bất ngờ phát hiện một món đồ có miệng hình tròn ở chỗ đất phía trước. Vì tò mò, anh bước lại gần rồi dùng tay không kéo vật đó ra.

Anh công nhân đào trúng bình gốm cao 30cm, cảnh sát lập tức đến phong tỏa công trường - Ảnh 1.

Anh Vương và chiếc bình cổ được tìm thấy. Ảnh:j.021east.com

Khi đồ vật đó nằm trọn trong tay anh Vương, nhiều công nhân khác đang làm việc gần đó đều kéo lại xem. Hóa ra, thứ người này tìm được là một chiếc bình đất sét cao khoảng 30cm với kiểu dáng cổ xưa. Nhiều người cho rằng đó là đồ cổ có giá trị nên anh Vương càng giữ chặt vật đó nhất quyết không chịu buông. Sau đó, các công nhân bắt đầu bàn tán về chiếc bình, có người cho rằng anh Vương không nên độc chiếm món đồ mà nên giao nộp nó cho chính quyền. Một số người khác lại có ý định lấy đi chiếc bình mà anh Vương tìm thấy.

Nhận thấy tình hình có chút căng thẳng, người phụ trách công trường sợ có tranh cãi xảy ra nên đã nhanh chóng gọi điện cho 110 và nhờ cảnh sát đến giúp đỡ. Sau khi cảnh sát đến nơi đã yêu cầu phong tỏa hiện trường. Tuy nhiên, anh Vương vẫn quyết giữ chặt chiếc bình và không cho ai đụng tới. Họ đành phải đưa cả anh Vương cùng chiếc bình cổ về đồn cảnh sát.

Anh công nhân đào trúng bình gốm cao 30cm, cảnh sát lập tức đến phong tỏa công trường - Ảnh 2.

Các chuyên gia đang thẩm định chiếc bình. Ảnh: j.021east.com

Sau đó, phía cảnh sát đã nhanh chóng báo cáo sự việc lên cấp trên, đồng thời thông báo cho Cục Di sản Văn hóa Trung Quốc và mời chuyên gia đến đồn để tiến hành thẩm định di vật.

Khi các chuyên gia đến, anh Vương vẫn giữ khư khư chiếc bình cổ bên mình mà không chịu hợp tác dù đã được cảnh sát giải thích và động viên.

“Chiếc bình này là của tôi, không ai được lấy nó đi. Tôi có thể mua được nhà nhờ nó đấy”, anh Vương cho biết.

Sau khi xem qua món đồ, các chuyên gia của Cục Di sản Văn hóa cho biết chiếc bình này quả thực là một di vật văn hóa có từ thời Tây Tấn ở Trung Quốc. Nó được làm từ đất sét, có màu sắc tươi sáng, thân nhẵn, chất lượng tương đối tốt. Tuy nhiên, món đồ này chỉ có giá trị khảo cổ chứ không có giá trị thực tiễn hay giá trị sưu tầm.

Anh công nhân đào trúng bình gốm cao 30cm, cảnh sát lập tức đến phong tỏa công trường - Ảnh 3.

Cận cảnh chiếc bình cổ. Ảnh: j.021east.com

Nghe đến đây, anh Vương mới chịu buông chiếc bình cổ ra. Các chuyên gia cho biết việc tìm thấy một chiếc bình gốm loại này ở khu vực quận Kha Kiều, thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang là tương đối hiếm. Do đó, Cục Di sản Văn hóa sẽ phân tích và điều tra sâu hơn về nguồn gốc của chiếc bình gốm này.

Trong vụ việc tìm thấy di vật văn hóa này, phía cảnh sát phê bình anh Vương vì thái độ không hợp tác. Theo quy định của pháp luật Trung Quốc, mọi di tích văn hóa còn sót lại trong lòng đất, nội thủy và lãnh hải ở nước này đều thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc. Vì vậy, khi người dân vô tình phát hiện ra chúng, thay vì giữ làm của riêng, hãy báo cáo các chuyên gia, các cấp hay ban ngành liên quan để giúp xác định rõ nguồn gốc cho những món đồ đó và bảo tồn chúng. Có như vậy, chúng ta mới có thể lưu giữ và bảo tồn được giá trị của chứng tích văn hóa quý giá này.

(Theo j.021east.com)