Anh Vũ - bầu show chuyên đứng ra mời nghệ sĩ về diễn, tư vấn chương trình thậm chí là đạo diễn của nhiều show dành riêng cho bà con ở khu vực phía Nam đặc biệt là các tỉnh miền Tây nên được gọi với cái tên thân thuộc là: “Anh Vũ - bầu show miền Tây”. Anh giản dị vô cùng, từ lối ăn mặc đến cả các anh nói về nghề, về bản thân anh và về những nỗi lo đau đáu của đời người bầu show. Tuy nhiên, ít ai biết được ngoài công việc bầu show thầm lặng, anh Vũ có xuất thân từ một thầy dạy nhảy cho nhiều gương mặt đình đám trong đó có nhóm nhạc làm mưa làm gió một thời HKT.
Công việc bầu show, nghe thì đơn giản nhưng phía sau đó là hàng trăm, hàng vạn câu chuyện mà chỉ người trong nghề mới biết được. Với sự phát triển của công nghệ, các loại hình giải trí dành cho bà con ở các tỉnh cũng có ít nhiều thay đổi. Nhiều bầu show hoang mang, tìm mọi phương cách để cứu lấy show văn nghệ ngoài trời, các gánh hát tạp kỹ nhưng bất lực vì: “100% lỗ vốn”.
Anh Vũ - ông bầu show nổi tiếng ở miền Tây
10 năm trước, show ngoài trời là loại hình huy hoàng nhất, được đầu tư tối đa nhất!
21 giờ 30 phút, tôi gặp anh ở một tỉnh lẻ, mở đầu cuộc trò chuyện cùng tôi, anh bảo: “Dạo này bận quá, hôm nay ở Vũng Tàu, khuya nay về Sài Gòn, rạng sáng lại bắt xe hơn 8 tiếng về Cà Mau xong bữa kia, bữa nọ lại có show ở Đồng Nai, mà đi riết thành quen”. Tôi thắc mắc: “Tại sao bầu show lại chạy show như nghệ sĩ thế nhỉ, trong khi đó anh có thể ngồi tại nhà hay văn phòng máy lạnh, ca sĩ đi diễn, ban tổ chức trả cát xê, chuyển khoản thanh toán cho nghệ sĩ, thế là xong!”. Anh Vũ bảo: “Đúng là anh có thể ngồi ở nhà, nhưng anh làm cái gì cũng đặt cái tâm vào nó, trên cơ bản nghệ sĩ đi diễn thì hợp đồng đôi bên cứ thế mà làm. Nhưng anh có mặt thì ban tổ chức cũng yên tâm hơn, ca sĩ cũng làm việc cũng hết mình, có sự cố gì mình còn kịp xử lí".
Không xuất hiện với phong thái "chủ cả", Anh Vũ bình dị và thân thiện khi âm thầm đứng sau hỗ trợ, giúp đỡ nghệ sĩ toả sáng trên sân khấu. Khi đưa nghệ sĩ đến điểm diễn anh sẽ chạy đôn chạy đáo tìm nước uống, micro rồi thử âm thanh, ánh sáng trước khi ca sĩ lên sân khấu. Không phải một bầu show quyền lực, anh Vũ tận tâm đến bất ngờ. Thay cho việc đứng chỉ đạo, anh tự tay làm mọi thứ để nghệ sĩ tự tin toả sáng với ánh hào quang của sân khấu. Lúc ca sĩ biểu diễn, anh đứng trong hậu trường, mắt không rời sân khấu, lâu lâu lại quan sát thêm âm thanh, ánh sáng rồi lại mở đường, bảo vệ nghệ sĩ vượt khỏi vòng vây của fan sau khi kết thúc màn biểu diễn. Có lần vì bảo vệ 1 nam ca sĩ đông fan bậc nhất Vbiz mà anh bị trật cổ tay cả tuần liền, anh phải bất chấp hết vì an toàn của nghệ sĩ. Hơn 10 mấy năm qua, anh Vũ đã âm thầm lập đi lập lại những công việc như thế với hàng chục, hàng trăm nghệ sĩ của Vbiz.
Hơn 10 năm qua, Anh Vũ luôn là người âm thầm đứng sau ánh hào quang của các nghệ sĩ Việt
Nói như thế có nghĩa anh Vũ đã vào nghề từ thời điểm hơn 1 thập kỷ trước, lúc mà show ngoài trời, show nghệ thuật trong giai đoạn huy hoàng nhất. Thời mà trẻ con, người già, thanh niên,... nghe đến có “gánh hát” về làng phải tranh thủ tầm 1-2 hôm để mua vé, rồi ai không có điều kiện thì phải bất chấp trèo ngọn cây, mái nhà để kịp “hóng hớt” nghệ sĩ xem khác người thường như thế nào? Nhưng trên hết, họ có nhu cần tận hưởng nghệ thuật để giải trí sau chuỗi ngày lao động miệt mài. Đó là những cảm xúc mà những con người đang sống ở thời đại 4.0 này khó lòng tìm lại được.
Ngày đó hay tồn tại những sân khấu “chuồng gà”, tức là phải căng màn, dựng poster che sân khấu để bán vé, càng che khán giả càng tò mò mà nối đuôi nhau “rồng rắn” để mua vé vào xem cho thoả chí. Cũng từ sân khấu này hàng loạt câu chuyện dở khóc dở cười trong nghề bầu show và nghề ca hát của nghệ sĩ diễn ra. Khán giả họ mê nghệ sĩ lắm, họ bỏ tiền đi xem với tâm thế yêu nghệ thuật và tôn trọng người biểu diễn. Làm show thời đó nếu khán giả vui, khán giả hào hứng thì bầu show mới dám tự nhận thành công.
Các show diễn ngoài trời ở tỉnh lẻ đã trở thành một kí ức khó quên của thế hệ 7X, 8X
"Vé một đêm diễn có mấy chục đến trăm nghìn, mà nghệ sĩ đòi cát xê mấy trăm triệu, rồi đến cả tỷ đồng?"
Đang hào hứng câu chuyện “ngày xửa ngày xưa...”, tôi hỏi anh: “Còn bây giờ thì sao?”. Anh hạ xuống 1 tông giọng, nghẹn ngào nhưng thẳng thắn: “Show ngoài trời ở tỉnh bây giờ không phải dùng từ “đang chết” nữa mà phải khẳng định như thế này: Show ngoài trời đã chết, chết từ rất lâu! Ví như ngày xưa, khi khán giả muốn gặp, muốn nghe hát 1 là mua băng đĩa, nhà nào có điều kiện thì phát nghe được, 2 là mua vé đi coi hát. Nhưng ngày nay, khán giả muốn nghe bất kì ai đó hát, chỉ cần gõ Youtube là tha hồ lựa chọn, nghe không giới hạn thì hà cớ gì phải ra rạp hát nữa".
Những năm gần đây, nhiều show mặc dù đã miễn phí vé vào cổng, nhưng lượng khán giả chỉ bằng 1/10 thời điểm 5-10 năm trước. Nhiều nghệ sĩ trẻ, đang trên đường khẳng định tên tuổi, xây dựng thương hiệu bằng việc đi diễn show tỉnh lẻ trở nên gian nan vô cùng. Còn nhiều người đã có tên, có tuổi, có khán giả thì cát xê “hét” trên trời vài ba trăm triệu đến cả tỷ đồng kèm theo mấy chục điều kiện an ninh, ánh sáng, sân khấu, âm thanh,...thì hỏi: "Vé một đêm diễn có mấy chục đến trăm nghìn, mà nghệ sĩ đòi cát xê mấy trăm triệu, rồi đến cả tỷ đồng? Tiền đâu mà trả? Thế là show ngoài trời phải chấp nhận cái chết thôi. Nhiều show, ông bầu phải chấp nhận: Làm cho vui!”.
"Nhiều nghệ sĩ thời gian đầu đi hát cát xê có 500K thì 1,2 năm gần đây đã lên đến hàng chục, hàng trăm triệu. Cũng có người vài ba tháng trước cát xê có 300 triệu nay đã lên đến hơn 1 tỷ đồng mà tiền vé thì vẫn như thế thì chắc chắn 100% lỗ vốn! Chính từ cát xê của nghệ sĩ, nhiều người quan niệm bầu show chắc giàu lắm, nhưng thực thế lại không như lời đồn, đôi khi cả 1 tháng lân la mấy chục tỉnh của anh chỉ bằng cát xê hát 30-40 phút của ca sĩ", anh Vũ bày tỏ .
Phải khẳng định một lần nữa rằng cát xê nghệ sĩ chính là một trong những yếu tố khiến show ngoài trời tỉnh lẻ đi vào cái chết. Trước thực tế này, nhiều bầu show cũng đắn đo, nhiều lần cứu nó nhưng bất thành. Bây giờ nghệ sĩ hay diễn ở các bar, phòng trà, khán giả văn minh, bảo vệ nghiêm, cát xê lại không thấp. Thứ hai họ sẽ ưu tiên diễn ở các event chứ show ngoài trời chỉ xếp cuối, nhiều ca sĩ mới vào nghề thì may ra nhận lời. Người bầu show phải biết cân đối, tính toán, phải hiểu rõ thị hiếu của từng vùng, nhiều nghệ sĩ diễn thành thị rất hút nhưng về quê thì khán giả không mấy hào hứng. Khán giả bây giờ họ khó lắm, ngày xưa họ cần mình chứ bây giờ ngược chiều rồi, mình cần họ, họ là “thượng đế”.
"Một nguyên nhân khác khiến các show tỉnh lẻ đang dần mất đi là do sự vô trách nhiệm của nhiều bầu show. Một số bầu show giật cát xê của nghệ sĩ khiến họ ngao ngán, hay để thu hút người xem, bầu show sẽ “nổ” rằng có nghệ sĩ hạng A tên ABC đến diễn nhưng lại đưa nghệ sĩ không tên không tuổi XYZ ra biểu diễn đã không là câu chuyện xa lạ khiến người xem mất niềm tin, lâu dần bà con cũng không muốn tìm đến show ngoài trời nữa", Anh Vũ chia sẻ.
Thế giới của showbiz phức tạp, và thế giới của bầu show lại càng phức tạp hơn. Có thể nói, bầu show là một dạng nghề nghiệp mang phân nửa tính chất của người làm nghệ thuật và nửa kia là đầu óc kinh doanh đầy lí trí của một người làm kinh tế. So với những người chỉ làm một nghề nghiệp, bầu show luôn phải thường trực đối diện với những khó khăn đặc trưng của cả hai lĩnh vực này. Tuy vậy, không thể nào phủ nhận được chính nhờ những người như thế này mà khán giả khắp cả nước chứ không riêng gì ở thành phố lớn đều được thưởng thức những chương trình giải trí với chất lượng ngày càng được cải tiến.
Các màn biểu diễn sôi động, đầy màu sắc tại một show tỉnh lẻ nhưng chỉ có chưa đầy 100 khán giả.