Áp lực về tài nguyên khi dân số thế giới vượt mốc 8 tỷ người

Liên Hợp Quốc cho biết dân số thế giới đã vượt mốc 8 tỷ người vào ngày 15/11/2022, đồng thời cảnh báo rằng sẽ có nhiều khó khăn hơn đối với các khu vực vốn đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm tài nguyên do biến đổi khí hậu.

Theo dự đoán của Liên Hợp Quốc, các nguồn tài nguyên dù là thực phẩm, nước, pin, năng lượng… sẽ khan hiếm hơn nữa khi dân số toàn cầu tăng thêm 2,4 tỷ người và đạt đỉnh 10,4 tỷ vào những năm 2080.

Giám đốc Dân số và bền vững của Trung tâm Đa dạng Sinh học Stephanie Feldstein, cho biết: “Mỗi người đều cần nhiên liệu, gỗ, nước và một nơi để gọi là nhà”.

Các chuyên gia nhận định, áp lực về tài nguyên sẽ đặc biệt khó khăn ở các quốc gia châu Phi, nơi dân số dự kiến sẽ bùng nổ. Đây cũng là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu chính vì thế cần nguồn hỗ trợ về tài chính lớn nhất.

Theo Viện Kinh tế và Hòa bình, ở châu Phi cận Sahara, nơi có khoảng 738 triệu người đang sống mà không có đủ lương thực, dân số dự kiến sẽ tăng 95% vào giữa thế kỷ này.

Áp lực về tài nguyên khi dân số thế giới vượt mốc 8 tỷ người - Ảnh 1.

Tài nguyên trên thế giới sẽ đối mặt với áp lực lớn khi dân số thế giới vượt 8 tỷ người

Đã có cảnh báo trong một báo cáo vào tháng 10 vừa qua rằng phần lớn khu vực cận Sahara ở châu Phi sẽ không còn bền vững vào giữa thế kỷ này.

Trên toàn cầu, chỉ trong 11 năm qua dân số đã tăng thêm 1 tỷ người.

John Wilmoth, Giám đốc bộ phận dân số của Liên Hợp Quốc cho biết, đạt mốc 8 tỷ người là “một dấu hiệu thành công của loài người, nhưng đó cũng là một rủi ro lớn cho tương lai của chúng ta”.

Các quốc gia có thu nhập trung bình, chủ yếu ở châu Á, chiếm phần lớn mức tăng trưởng đó, với khoảng 700 triệu người kể từ năm 2011. Ấn Độ đã tăng thêm khoảng 180 triệu người và sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm tới.

Tuy nhiên, số ca sinh đã giảm dần ở một số nước phát triển như Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản. Trung Quốc cũng đã phải vật lộn với di sản của chương trình Chính sách Một con và năm ngoái đã kêu gọi các gia đình sinh con thứ hai và thậm chí thứ ba.

Ngay cả khi dân số toàn cầu đạt mức cao mới, các nhà nhân khẩu học lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng đã giảm dần xuống dưới 1% mỗi năm.

Điều này khiến tới năm 2037 thế giới mới đạt 9 tỷ người, tức là 15 năm tới thay vì 11 năm như vừa qua. Dân số dự đoán của Liên Hợp Quốc sẽ đạt đỉnh vào khoảng 10,4 tỷ người vào những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100.

“Một phần quan trọng của câu chuyện này là kỷ nguyên tăng dân số nhanh chóng mà thế giới đã biết hàng thế kỷ sắp kết thúc”, ông Wilmoth nói.

Hầu hết con số 2,4 tỷ tăng thêm trước khi dân số toàn cầu đạt đỉnh sẽ được sinh ra ở châu Phi cận Sahara, đánh dấu sự chuyển dịch khỏi hai quốc gia tỷ dân là Trung Quốc và Ấn Độ.

Deborah Balk, một nhà nghiên cứu nhân khẩu học tại Đại học Thành phố New York cho biết: “Các thành phố châu Phi sẽ phát triển ở mức trung bình. Điều này sẽ khiến thêm hàng triệu cư dân đô thị phải đối mặt với các mối đe dọa khí hậu như nước biển dâng”.

Trên khắp thế giới, “khu vực ven biển là đô thị không cân xứng”, bà Deborah nói thêm. “Cứ 10 người thì có một người sống ở vùng trũng thấp ven biển”.

Ví dụ, thành phố ven biển Lagos của Nigeria được dự đoán sẽ trở thành thành phố lớn nhất thế giới vào cuối thế kỷ này.

Các chuyên gia cho biết dân số tăng nhanh kết hợp với biến đổi khí hậu có khả năng gây ra tình trạng di cư hàng loạt và xung đột trong những thập kỷ tới.

Việc có nhiều người hơn trên hành tinh gây ra nhiều áp lực hơn đối với thiên nhiên, khi con người cạnh tranh với động vật hoang dã để giành nước, thức ăn và không gian. Việc con người tiêu thụ bao nhiêu cũng quan trọng không kém, cho thấy các nhà hoạch định chính sách có thể tạo ra sự khác biệt lớn bằng cách bắt buộc thay đổi mô hình tiêu dùng.

Theo một phân tích năm 2020 của Viện Môi trường Stockholm và Tổ chức phi lợi nhuận Oxfam International, lượng khí thải carbon của 1% người giàu nhất, tương đương khoảng 63 triệu người, cao hơn gấp đôi lượng khí thải của một nửa nhân loại nghèo nhất trong giai đoạn 1990-2015.

“Tác động của loài người đối với thế giới tự nhiên liên quan nhiều đến cách chúng ta cư xử hơn là số lượng chúng ta”, ông Wilmoth nói.