Australia tiêm vaccine đậu mùa khỉ cho người có nguy cơ cao
Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, Australia đã ngay lập tức công bố cách thức ngăn ngừa và điều trị căn bệnh này, trong đó, vaccine được cân nhắc là một trong những biện pháp nhằm làm giảm nguy cơ mắc bệnh của những nhân viên y tế có nguy cơ cao.
Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, Australia cũng đã công bố các thông tin về dấu hiệu bệnh lý, cách thức lây lan, cách thức quản lý dịch bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế Australia cũng đã cung cấp cách thức điều trị và hướng dẫn đối với nhân viên y tế trong việc điều trị các bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Hiện tại, vaccine được cho là một trong những cách thức ngăn ngừa và làm giảm tác hại của bệnh đậu mùa khỉ. Theo thông báo của Bộ Y tế Australia, đến nay nước nay mới cấp phép cho duy nhất 1 loại vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ, đó là vaccine ACAM2000. Vaccine này có thể được tiêm trước và cả sau khi tiếp xúc với virus. Với những người đã tiếp xúc với virus gây nên bệnh đậu mùa khỉ thì nên tiêm vaccine ACAM2000 càng sớm càng tốt và nếu tiêm trong khoảng 4 ngày kể từ khi tiếp xúc với virus thì vaccine có khả năng giúp người tiêm không bị nhiễm bệnh. Còn nếu tiêm trong khoảng thời gian từ 4 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus thì sẽ làm giảm được khả năng xuất hiện các biến chứng nặng.
Tuy vậy hiện nay cơ quan y tế Australia không khuyến cáo tiêm vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ cho đông đảo cộng đồng và những người đã từng tiêm vaccine đậu mùa. Vì virus gây bệnh không dễ lây nhiễm mà chỉ lan truyền khi có tiếp xúc gần, tiếp xúc với dịch của cơ thể, các giọt của đường hô hấp hay tiếp xúc trực diện lâu dài với người bệnh thì mới có nguy cơ lây nhiễm nên hiện tại vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ mới chỉ được khuyến khích sử dụng cho một số đối tượng. Thứ nhất là các nhân viên tiêm chủng chưa từng tiêm vaccine đậu mùa; thứ hai là những người làm việc trong các phòng xét nghiệm, thường xuyên tiếp xúc với virus gây bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ; thứ ba là những trường hợp có tiếp xúc gần và có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ như người sống cùng nhà hay các nhân viên y tế có tiếp xúc với ca bệnh.
Theo các chuyên gia tiêm chủng Australia, vaccine ACAM2000 hiện được nước này cấp phép có khả năng bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập của bệnh đậu mùa khỉ nhưng vaccine này không được khuyến cáo sử dụng cho những người có hệ miễn dịch kém vì có thể gây các phản ứng phụ nguy hiểm hoặc việc mang thai cũng được khuyến cáo nên diễn ra ít nhất 28 ngày sau khi tiêm vaccine. Bên cạnh đó, khi tiêm vaccine thì virus có tên gọi là vaccinia có trong vaccine có thể lây từ vết tiêm ra những người có tiếp xúc gần và nếu đó là những người có hệ miễn dịch kém, đang mang thai hoặc bị bệnh eczema thì có thể sẽ gặp những biến chứng nghiêm trọng. Tuy vậy, nếu vết tiêm được bao phủ kỹ và được vệ sinh phù hợp thì khả năng lây bệnh sẽ không cao.
Trước thực tế này, hiện nay các chuyên gia y tế Australia mới chỉ khuyến cáo tiêm vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ cho một số đối tượng còn đa phần cộng đồng thì vẫn chỉ đề nghị mọi người nâng cao cảnh giác và đi khám bệnh khi xuất hiện các triệu chứng.
Pháp đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine bệnh đậu mùa khỉ
Trước số ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ gia tăng, Bộ trưởng Y tế Pháp Francois Braun tuyên bố sẽ huy động tối đa nhân lực và phương tiện để gia tăng tốc độ tiêm phòng vaccine cho những người có nguy cơ cao.
Cơ quan Y tế công Pháp hôm qua cho biết đã có hơn 1.700 ca bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện tại Pháp, trong đó hơn một nửa con số này là tập trung ở vùng thủ đô Ile-de-France.
Trước nguy cơ phát sinh các ổ dịch lớn, chính quyền thủ đô Paris hôm qua đã yêu cầu chính phủ cần có các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp như tăng cường nhân lực, thiết bị và số liều vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ.
Theo Phó thị trưởng thành phố Paris phụ trách về Y tế bà Anne Souyris, vùng Ile-de-France cần gấp 10 lần con số 30.000 liều vaccine mà Bộ Y tế Pháp mới cung cấp để có thể tiêm ít nhất 2 liều cho những người có nguy cơ cao. Cụ thể là có khoảng từ 100 đến 300 nghìn công dân sống trong vùng thủ đô cần được tiêm phòng ngay lập tức. Tốc độ tiêm phòng vaccine bệnh đậu mùa khỉ cũng cần tăng lên khoảng 10.000 liều tiêm/tuần so với con số chỉ 2500 liều ghi nhận được trong tuần vừa qua.
Bà Anne Souyris cũng chỉ trích chính phủ chậm trễ trong việc cung cấp thông tin dịch bệnh, nguồn dự trữ vaccine cũng như chính sách bảo vệ và hỗ trợ chống phân biệt đối xử đối với các ca dương tính với bệnh đầu mùa khỉ, khi phần lớn trong số này là những người có quan hệ đồng giới.
Sau hơn 2 chống chọi dịch Covid-19, các bệnh viện tại Pháp đều trong tình trạng quá tải, thiếu nhân lực cũng như thiết bị trước nhu cầu ngày càng lớn về việc tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Do Pháp chưa có chính sách ưu tiên tiêm phòng cho bất cứ đối tượng nào nên những người có nhu cầu tiêm phòng đang gặp khó khăn trong việc liên hệ các cơ sở y tế để đặt lịch hẹn tiêm chủng.
Phát biểu trên kênh truyền hình BFMTV tối qua (25/7), Bộ trưởng Y tế Pháp Francois Braun cho biết, sẽ ban hành sắc lệnh cho phép tất cả các sinh viên ngành y tham gia hỗ trợ chiến dịch tiêm phòng vaccine bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời tuyến bố nước Pháp cần hành động ngay lập tức trước nguy cơ lây lan rộng của dịch bệnh này.
“Một trung tâm tiêm chủng lớn được mở vào ngày mai sẽ giúp gia tăng đáng kể tốc độ tiêm chủng. Vaccine cũng đã sẵn sàng và cần có lực lượng hỗ trợ tiêm phòng. Vấn đề này dựa vào những người có chuyên môn y tế. Chúng tôi sẽ làm tất cả để gia tăng tốc độ tiêm phòng”.
Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo về nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ
Ông Ngô Tôn Hữu, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc cho rằng, bệnh đậu mùa khỉ lan tới Trung Quốc đại lục chỉ là vấn đề thời gian, nhưng sẽ không gây ra đại dịch.
Trong một bài viết đăng trên tài khoản Weibo cá nhân, mạng xã hội giống Twitter của Trung Quốc, ông Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou), chuyên gia trưởng về dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết Đài Loan đã xác nhận một trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 24/6. Đây là trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên du nhập vào Trung Quốc. Hiện tại, chưa có báo cáo về các trường hợp đậu mùa khỉ ở Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Ma Cao.
Tuy nhiên, ông cho rằng xét từ đối tượng và phương thức lây truyền của bệnh đậu mùa khỉ ở các nước Âu Mỹ, việc căn bệnh này lan tới Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macao chỉ là vấn đề thời gian. Ông nhận định, do bị hạn chế bởi phương thức lây truyền, căn bệnh này sẽ không bùng phát quy mô lớn ở Trung Quốc như Covid-19, nhưng rất có thể tấn công vào những người đồng tính nam và sau đó lây sang các nhóm khác.
Ông cho biết, 95% các ca bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo ở Mỹ và châu Âu lây truyền qua hoạt động tình dục với nguy cơ lây nhiễm cao nhất ở những người đồng tính nam, nhưng tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác hay giới tính đều có thể bị nhiễm.
Ông cảnh báo công chúng tránh tiếp xúc trực tiếp với động vật hoặc những người bị nhiễm virus, cho biết vẫn chưa rõ khả năng miễn dịch bảo vệ do nhiễm bệnh đậu mùa khỉ sẽ kéo dài bao lâu.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC), mức cảnh báo cao nhất tương tự Covid-19. Tính đến 21/7, đã có hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa ở khỉ được báo cáo tại 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 5 trường hợp tử vong ở châu Phi./.