Một biểu tượng “like” chính là mấu chốt trong vụ kiện gần đây giữa bác nông dân Chris Achter ở Saskatchewan (Canada) và một người thu mua ngũ cốc tên là Kent Mickleborough.
Sự việc bắt đầu khi bác Kent muốn mua 87 tấn cây lanh của bác Chris. Sau khi thỏa thuận miệng, bác Kent viết hợp đồng, ký vào, rồi chụp ảnh hợp đồng gửi cho bác Chris kèm theo tin nhắn: “Xin hãy xác nhận hợp đồng cây lanh”. Bác Chris trả lời bằng cách gửi biểu tượng “like” (giơ ngón tay cái).
Chờ đến hạn ghi trong hợp đồng mà bác Chris vẫn chưa gửi cây lanh, bác Kent liền gửi đơn kiện, trong đó viết rõ rằng bác nghĩ cái biểu tượng “like” của bác Chris là thể hiện sự đồng ý với bản hợp đồng rồi.
Bác Chris cãi rằng bác không nghĩ biểu tượng “like” có thể thay cho chữ ký của bác trong hợp đồng. Chris nói: “Tôi bấm biểu tượng “like” đơn giản để xác nhận là đã nhận được ảnh chụp hợp đồng, chứ không phải xác nhận là mình đồng ý với các điều khoản trong hợp đồng đó. Toàn bộ các điều khoản trong hợp đồng đã được gửi cho tôi đâu, nên khi nhận tin nhắn, tôi hiểu là toàn bộ hợp đồng sẽ được gửi sau qua fax hoặc email để tôi xem rồi ký. Tôi phủ nhận việc coi biểu tượng “like” là một chữ ký điện tử”.
Tuy nhiên, Quan tòa T.J. Keene ở Saskatchewan đã đồng ý với bác Kent, cho rằng việc bác Chris gửi biểu tượng giơ ngón tay cái là “một cách phi truyền thống” để thể hiện mình đồng ý và “ký” hợp đồng, nhưng rồi bác ấy không thực hiện hợp đồng nên phải trả bác Kent 82.200 đôla Canada (khoảng 1,5 tỷ đồng).
Giờ thì đây có lẽ là biểu tượng mà bác Chris muốn gửi. Ảnh: Emoji Wiki.
Khoan bàn đến chuyện bên nào có lý hơn trong tình huống trên, nhưng với việc biểu tượng “like” được coi là hoàn toàn đồng ý thì có lẽ từ giờ sẽ có không ít vụ tranh cãi về các cách hiểu khác nhau đối với vô số biểu tượng trên điện thoại.
Thế mới thấy, trong một số tình huống, công nghệ khiến sự việc trở nên phức tạp hơn chứ không hề đơn giản đi chút nào.