Bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam và những ca cấp cứu đặc biệt ở Nam Sudan

"Ở khu vực phức tạp nên các chuyến bay chỉ được cất cánh vào ban ngày để đảm bảo an toàn. Phái bộ Liên Hợp Quốc chưa bao giờ cho phép bay đêm", trung tá Bùi Đức Thành, Giám đốc bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tại Nam Sudan nói.

Trung tá Thành cho biết, người nằm trên chuyến bay đặc biệt đó là một bệnh nhân nhập viện vào sáng 5/8. "Đó là quân nhân 30 tuổi người Mông Cổ, bị đau bụng từ 5 ngày trước. Khi chúng tôi tiếp nhận, bệnh nhân này đã rối loạn nhịp tim và huyết áp thấp".

Nhận định đây là ca bệnh nặng, bệnh viện dã chiến của Việt Nam đã tổ chức hội chẩn khẩn cấp, kết luận chẩn đoán: viêm túi mật cấp hoại tử, biến chứng nhiễm khuẩn huyết có tổn thương đa cơ quan như tim, thận, gan, tụy và hệ thống đông máu, tiên lượng rất nặng.

Ngay sau đó, bệnh viện triển khai các biện pháp điều trị tích cực; báo cáo Trưởng y tế phái bộ xin ý kiến chỉ đạo và đề nghị cấp phép một chuyến bay khẩn cấp chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Theo Giám đốc bệnh viện dã chiến, bệnh nhân sau khi được xử trí, tình trạng huyết động cơ bản ổn định, nhưng bệnh lý nặng cần được đưa lên tuyến trên càng sớm càng tốt. Vì vậy, một chuyến bay đặc biệt được triển khai ngay trong đêm, đưa bệnh nhân tới thủ đô Juba lúc 23h.

 

Thiếu tá, bác sĩ Hồ Ngọc Phát tham gia cấp cứu bệnh nhân người Mông Cổ. Ảnh: BVDC

Trong hơn 9 tháng làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình tại Bentiu (Nam Sudan), bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 1) của Việt Nam đã khám và điều trị cho 1.300 lượt bệnh nhân, mổ 60 ca trong đó có 20 ca trung và đại phẫu, vận chuyển bằng đường không về tuyến sau 6 trường hợp bệnh nhân nặng.

Một bệnh nhân khác cũng là sĩ quan thuộc tiểu đoàn bộ binh Mông Cổ khiến bác sĩ Thành và đồng đội không thể quên. Bệnh nhân nam 39 tuổi, trước đây đã được mổ cắt ruột thừa, vào cấp cứu tại bệnh viện dã chiến của Việt Nam lúc 21h ngày 10/5 trong tình trạng đau bụng dữ dội, xoắn vặn liên tục. Tuy nhiên, các triệu chứng này lại không điển hình để đưa ra một chẩn đoán xác định, các xét nghiệm cũng không có gì đặc hiệu.

Trước ca bệnh phức tạp, khó chẩn đoán xác định, đặc biệt trong điều kiện thiếu các phương tiện chẩn đoán như CT-scanner ổ bụng, bác sĩ Lại Bá Thành - chuyên ngành ngoại chung đã đề nghị chọc dịch ổ bụng dưới siêu âm. Việc thực hiện kỹ thuật này rất khó khăn vì bệnh nhân chỉ có ít dịch trong ổ bụng.

"Mặc dù vậy, với kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng lâm sàng, bác sĩ Thành đã chọc hút ra một ít dịch máu. Sau hội chẩn, bệnh viện chẩn đoán nguyên nhân xoắn hoại tử ruột nên quyết định phẫu thuật khẩn cấp mở bụng để giải quyết", Giám đốc bệnh viện dã chiến kể lại.

Vấn đề đặt ra là trong điều kiện dã chiến như ở phái bộ tại Bentiu, nếu có tình huống xấu xảy ra với bệnh nhân này trong quá trình phẫu thuật thì rất khó có đủ máu và phương tiện, trang bị để xử lý. Song nếu không mổ ngay, bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong vì không đủ thời gian để chuyển tuyến trên. 

Bệnh nhân thuộc tiểu đoàn bộ binh Mông cổ bị xoắn hoại tử ruột, sau phẫu thuật cấp cứu được đội cấp cứu hàng không của bệnh viện dã chiến Việt Nam chuyển lên tuyến trên ở Uganda. Ảnh: BVDC

Bệnh nhân thuộc tiểu đoàn bộ binh Mông Cổ được đội cấp cứu hàng không của bệnh viện dã chiến Việt Nam chuyển lên tuyến trên ở Uganda. Ảnh: BVDC

Các bác sĩ quân y của Việt Nam quyết định đưa bệnh nhân lên bàn mổ. Đúng như tiên lượng, khi mở ổ bụng thám sát, bác sĩ phát hiện một đoạn ruột bị tím đen do dính sau mổ trước đây. Phẫu thuật viên quyết định cắt đoạn ruột hoại tử dài hơn một mét, nối hỗng tràng và hồi tràng. Ca mổ kéo dài 6 tiếng đồng hồ đến sáng hôm sau.

"Khi kết thúc, cả kíp phẫu thuật và gây mê thở phào vì bước đầu ca mổ đã thành công. Bệnh nhân sau mổ mặc dù tiến triển theo chiều hướng thuận lợi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cần được chuyển về tuyến sau. Tổ cấp cứu hàng không của bệnh viện được huy động chuyển gấp bệnh nhân đến Uganda", Giám đốc Thành nói và cho biết, ngay ngày hôm sau, ông Iqbal Mohd, Trưởng y tế phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan đã trực tiếp đến biểu dương và khen ngợi bệnh viện dã chiến trước cuộc họp toàn phái bộ.

Không chỉ làm nhiệm vụ cứu chữa cho quân nhân và nhân viên của phái bộ Liên Hợp Quốc, các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam cũng từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân là người dân địa phương. Bệnh nhân đặc biệt và đáng nhớ nhất là vợ của Thống đốc bang Bentiu. Khi được đưa đến bệnh viện dã chiến, bà này đang có thai tuần thứ 32, mệt mỏi, sốt cao (trên 39 độ), đau âm ỉ vùng bụng dưới. Sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng sốt rét (malaria) và vi khuẩn thương hàn, thiếu máu; siêu âm thai có biểu hiện thiếu ối, nghi ngờ suy dinh dưỡng bào thai.

Sau hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định chuyển lên tuyến y tế cao hơn nhưng các bác sĩ Việt Nam nhận định, do tình trạng bệnh nặng đã kéo dài nhiều ngày nên bà này cần phải được điều trị ngay.

Nhờ điều trị kịp thời, tình trạng bệnh nhân và thai nhi đã cải thiện và được chuyển lên tuyến trên. Thống đốc bang Bentiu sau đó thông báo vợ ông đã sinh một bé gái khỏe mạnh và gửi lời cảm ơn tới bệnh viện dã chiến của Việt Nam, mong muốn gửi tặng các bác sĩ một con bò.

Trung tá Bùi Đức Thành, Giám đốc bệnh viện dã chiến (phải) tặng quà lưu niệm cho bệnh nhân thứ 1.000 của đơn vị. Ảnh: BVDC

Trung tá Bùi Đức Thành, Giám đốc bệnh viện dã chiến (phải) tặng quà lưu niệm cho bệnh nhân thứ 1.000 của đơn vị. Ảnh: BVDC

Điều dưỡng của bệnh viện dã chiến, thiếu tá Bùi Thị Xoa tâm sự, mỗi lần chăm sóc cho bệnh nhân, chị lại được họ cúi người nói: Thank you so much! (Cảm ơn rất nhiều). "Mỗi lúc như vậy, tôi lại thấy ấm lòng", thiếu tá Xoa chia sẻ.

Ngoài thành công trong cấp cứu và điều trị các bệnh nhân nội trú, các bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú tại bệnh viện dã chiến của Việt Nam cũng đạt số lượng cao hơn so với các bệnh viện dã chiến cùng cấp tại phái bộ Nam Sudan.

"Điều này thể hiện khả năng tiếp nhận và điều trị vượt bậc của bệnh viện chỉ sau 7 tháng hoạt động chính thức. Uy tín bệnh viện dã chiến của Việt Nam ngày một nâng lên, gắn liền với chất lượng điều trị, phong cách làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn Liên Hợp Quốc", Giám đốc Bùi Đức Thành nói.

Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS) được thành lập ngày 8/7/2011 với nhiệm vụ bảo đảm hòa bình, xây dựng sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế lâu dài cho Nam Sudan, cũng như hỗ trợ chính phủ nước này hạn chế xung đột và bảo vệ dân thường. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam bắt đầu tham gia UNMISS từ tháng 10/2018.