Bài học từ cô gái có mẹ luôn sẵn sàng cho người khác vay tiền

Thấy mẹ bị lợi dụng tiền nong, cô gái người Mỹ đúc rút sai lầm của mẹ, học cách khôn ngoan hơn trong chuyện tiền bạc khi trưởng thành.

Tatiana Moreno-George.

Bài tiểu luận dưới đây của tác giả Tatiana Moreno-George, người Mỹ, thuộc tuyển tập "Giá trị của một đồng đô la", là tập hợp các câu chuyện về tiền bạc của các nhà văn lớn lên trong hoàn cảnh thu nhập thấp, được đăng tải trên tờ Business Insider.

Lúc còn nhỏ, tôi đã chứng kiến mẹ vất vả nuôi bốn chị em tôi. Mẹ phải tìm mọi cách kiếm sống qua ngày vì không được học đại học. Trước khi mặt trời ló rạng, mẹ đi giao báo cho tờ Hartford Courant. Sau đó, mẹ sẽ về nhà, thả chúng tôi ở điểm bắt bus tới trường. Kế tiếp, mẹ bắt đầu công việc thứ hai là phụ tá chăm sóc sức khỏe tại nhà cho các bệnh nhân lớn tuổi.

Tôi đã thấy tận mắt mẹ mệt mỏi và bị trả lương thấp đến mức nào, nhưng tôi cũng biết, mẹ không có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, tôi không thể hiểu tại sao bà lại sẵn sàng tặng hoặc cho người khác vay tiền một cách vô điều kiện, khi bà thậm chí còn không đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt.

Ngày này qua ngày khác, luôn có một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè của mẹ cần vay tiền. Hầu hết mọi tình huống, mẹ đều đồng ý cho vay.

Khi tôi 15 tuổi, tôi cãi lời mẹ sau khi bà cho một người bạn của gia đình vay một khoản, trong khi chúng tôi phải đun nước để tắm suốt một tuần vì hết gas. Dù nhà gặp khó, mẹ chỉ nói với tôi: "Chúng ta sẽ tìm ra cách."

Tôi đã dành thời gian tự học về tiền

Ảnh: Pinterest

Ảnh: Pinterest

Tôi biết lối suy nghĩ của mẹ sẽ không phù hợp với mình khi tôi lớn lên. Tôi không muốn rơi vào hoàn cảnh sống bấp bênh, hoặc luôn phải nhường sự lựa chọn tốt hơn cho người khác.

Tôi không muốn chịu chung số phận như mẹ. Tôi không muốn bị những người thân thiết nhất của mình lợi dụng và dạy những đứa con tương lai của mình rằng chúng nên cho đi ngay cả khi điều đó khiến chúng đau lòng. Tôi yêu mẹ và ngưỡng mộ mong muốn luôn giúp đỡ người khác của bà, nhưng tôi biết điều đó không nên đánh đổi bằng sự sống còn của chính mình.

Khi cố gắng vào đại học, tôi ưu tiên việc học hỏi về tài chính và tham gia một vài lớp học để giúp tôi cảm thấy tự tin hơn trong việc quản lý tiền bạc. Thông qua những cuộc nói chuyện với những người hiểu biết về tài chính, đọc các tài liệu về lập ngân sách cũng như chuẩn bị cho tương lai, tôi nhanh chóng học được sức mạnh của việc nói không mà không cảm thấy tội lỗi. Ban đầu nó không hề dễ dàng. Tôi vẫn là con gái của mẹ, và dù những đứa trẻ trưởng thành có cố gắng làm điều ngược lại, chúng tôi cũng không thể hoàn toàn rũ bỏ được ảnh hưởng của cha mẹ.

Tìm hiểu sự khác biệt giữa bạn bè và kẻ lợi dụng

Là một sinh viên tốt nghiệp đại học, ban đầu mọi người không xin tôi tiền mà là tìm kiếm sự giúp đỡ phi vật chất. Giống như mẹ tôi, tôi rất biết ơn vì mọi người sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ của tôi, nhưng tôi đã sớm nhận ra những dấu hiệu nguy hiểm và biết phải học cách nói không, ngay cả khi tôi muốn nói có.

Việc nói không trở nên dễ dàng hơn rất nhiều khi tôi nhận ra rằng người khác sẽ không rộng lượng với tôi. Khi tôi gặp khó khăn và tìm đến những người bạn khác, tôi đã nhận được vô số lý do tại sao họ không thể hỗ trợ tôi. Một khi tôi nhận thấy họ thích nhận nhiều hơn là cho đi trong những mối quan hệ đó, tôi biết mình phải giải quyết nó hoặc phải đối mặt với hậu quả. Và tôi đã chọn giải quyết.

Tôi đã học được những bài học quý giá mà tôi không bao giờ quên

Ảnh: Pinterest

Ảnh: Pinterest

Học cách "nói không" đã giúp tôi xây dựng được quỹ tiết kiệm. Giờ đây, khi mỗi biến cố xảy ra, tôi không còn phải dựa vào niềm tin rằng mọi việc sẽ có cách giải quyết của nó. Tôi đã thực hiện các bước cần thiết để tiết kiệm ngay từ đầu.

Giờ đây, sau bao năm, tôi thấy thật sảng khoái khi không phải sống trong tình trạng thiếu thốn tiền nong và lo lắng vì đã đặt bản thân lên hàng đầu trước khi giúp đỡ người khác.

Hiện tại, tôi đảm bảo rằng với mỗi khoản tiền lương nhận được, tôi sẽ trả cho bản thân trước tiên bằng cách gửi tiền vào khoản tiết kiệm của mình. Và khi có một người bạn đang cần giúp đỡ, trước khi đồng ý, tôi kiểm tra tình hình tài chính của mình và đảm bảo rằng tôi có đủ khả năng để cho đi một cách hào phóng. Nếu không thể, tôi nói không và hy vọng tôi sẽ có thể cho đi trong tương lai.

Kể từ đó, tôi đã chia sẻ những đúc kết với với các chị gái mình. Tôi chứng kiến họ có những bước tiến để trở nên khôn ngoan hơn về mặt tài chính, cũng như xây dựng thói quen tiêu tiền thông minh hơn. Những thói quen này sẽ thay đổi mãi mãi cuộc sống của chính họ và con cái. Chúng ta không thể quay ngược thời gian để sửa chữa những lỗi lầm trong quá khứ, nhưng tôi biết ơn những bài học khó khăn đã dẫn tôi tìm kiếm một con đường khác tốt đẹp hơn.