Sau hơn 2 năm sống trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài, giờ đây, mọi người đều đang cố gắng trở lại trạng thái bình thường. Chúng ta đều nhận ra sự tương tác xã hội đóng vai trò rất quan trọng, góp phần củng cố, trao nạp "sức khỏe tinh thần" để vượt qua những áp lực, biến cố trong cuộc sống.
Đa dạng sở thích
Bạn Mai Thảo (20 tuổi, sống ở Hà Nội) cũng rơi vào trạng thái stress kéo dài khi gặp áp lực quá sức với việc học. "Em hay đặt nặng việc học cũng như điểm số nên lúc nào cũng đặt ra tham vọng phải hoàn thành thật tốt, phải có thành tích cao. Vậy nên, thời gian chủ yếu của em đều dành cho việc học mà bỏ quên những hoạt động khác. Dần dần, em bị sút cân, chán ăn và chẳng muốn làm gì nữa cả", nữ sinh nói.
Sau một thời gian khép mình, Thảo tắt điện thoại, đăng xuất khỏi mạng xã hội và dành thời gian cho bản thân nghỉ ngơi, dọn dẹp những nỗi lo vô hình không tên. Em bắt đầu tìm đến các thú vui mới để đa dạng hóa sở thích cá nhân như trồng cây, nấu ăn, tập thêm bộ môn thể thao mới, chụp ảnh...
Cô bạn cho rằng: "Việc đa dạng hóa sở thích sẽ khiến bản thân không có thời gian để nghĩ đến những điều tiêu cực. Hơn nữa, trong quá trình vận động thể thao hay theo đuổi một sở thích nào đó sẽ giải phóng hoocmon endorphin giúp em giải tỏa bớt căng thẳng trong việc học và làm giảm đáng kể những suy nghĩ tiêu cực. (Hoocmon endorphin sinh ra từ hoạt động thể chất có tác động lên các thụ thể opioid trong não bộ giúp giảm cảm giác đau và tăng cảm giác hạnh phúc - PV)".
Nhiều bạn trẻ hiện nay có những biểu hiện như thường xuyên u buồn, thu mình vào bên trong, hạn chế giao tiếp, thường xuyên sợ hãi, hoảng loạn hay giận dữ bất thường. Số người trẻ mắc trầm cảm ngày càng nhiều, nhất là sau hơn 2 năm hạn chế giao tiếp xã hội vì dịch bệnh. Đa phần, các học sinh, sinh viên có "đề kháng kém" trước áp lực học tập, áp lực gia đình, áp lực đồng trang lứa nên dễ mắc trầm cảm, căng thẳng. Đây cũng được xem là một loại bệnh tâm lý nguy hiểm của xã hội hiện đại, có thể gây ra những hành vi tiêu cực, dại dột, mất kiểm soát.
Bạn Trịnh Thị Hoa Tiên (22 tuổi, làm MC tự do) luôn xuất hiện trên mạng xã hội với một nguồn năng lượng tích cực muốn lan tỏa đến nhiều người.
Hoa Tiên chia sẻ bí quyết: "Ai cũng có những áp lực riêng trong cuộc sống, với mình, mình luôn cố gắng đặt ra những mục tiêu vừa sức với bản thân để dễ dàng thực hiện. Gần đây, mình có thêm sở thích trồng cây cảnh, trang trí góc làm việc, quay video ghi lại các hoạt động trong ngày... để tự tạo nguồn năng lượng cho bản thân. Và chỉ khi mình cảm thấy vui vẻ, hài lòng với cuộc sống của mình thì mình mới tạo ra năng lượng tích cực để lan tỏa tới những người xung quanh".
Hoa Tiên dành một khoảng thời gian nhỏ mỗi ngày để chăm chút góc làm việc.
Cô bạn có khá nhiều sở thích như trồng và chăm sóc cây cảnh, tập yoga, đọc sách...
Tìm đến chuyên gia tâm lý
Với Nguyễn Đức Lam Thảo (blogger văn học, 19 tuổi, sống ở TP HCM) lại chọn tìm đến chuyên gia tâm lý để tháo gỡ những cảm xúc tiêu cực và vượt qua tình trạng tâm lý của mình. Thảo chia sẻ: "Em đã có vài lần em rơi vào trạng thái trầm cảm, lần đầu tiên là trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10, sau đó là khi xảy ra một số biến cố trong cuộc sống, nhất là trong thời điểm giãn cách xã hội.
Em nghĩ tình trạng mà mình thường gặp phải đó là trầm cảm ngoại sinh. Thông thường, em rơi vào trạng thái tiêu cực, khủng hoảng do đối diện với những vấn đề phát sinh trong đời sống hằng ngày. Trước những thay đổi theo chiều hướng xấu theo cuộc sống, em bị đảo lộn và không thể thích nghi ngay lập tức. Ban đầu là cảm giác buồn bã, bứt rứt và dần dà kéo theo cảm xúc tiêu cực, bế tắc.
Để vượt qua áp lực, em đã tìm đến chuyên gia tâm lý để hiểu được tình trạng của mình và cố gắng điều chỉnh việc sinh hoạt để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất. Ngoài ra, em khá may mắn vì có thể chia sẻ với bạn bè về các vấn đề mà mình gặp phải để nhận được sự an ủi, ủng hộ phù hợp.
Sau cùng, em nghĩ giải pháp quan trọng nhất chính là đã dành thời gian để lắng nghe chính mình, hiểu được giá trị của bản thân để củng cố niềm tin, bình tâm hơn và giải quyết những chướng ngại, áp lực mà mình gặp phải".
Nguyễn Đức Lam Thảo vượt qua trầm cảm bằng cách tìm đến các chuyên gia tâm lý.
Đối với những người mắc trầm cảm, người bên cạnh nên chấp nhận mức độ tình trạng của người bệnh, sẵn sàng là nơi để họ được giãi bày thay vì phán xét hay dạy bảo. Người thân có thể hướng họ đến những việc họ yêu thích và có thể làm tốt nhất trong khả năng của mình thay vì đặt ra những kỳ vọng quá sức.