Mới đây, giá cổ phiếu của Meta (Faebook) đã mất hơn 200 tỷ USD vốn hóa thị trường vì cổ đông bất bình việc Mark Zuckerberg đốt hàng tỷ USD cho trí thông minh nhân tạo (AI). Đây là cảnh tượng trái ngược hoàn toàn với cuối năm 2023 khi nhà đầu tư hoan hỉ vì Meta chia cổ tức lần đầu tiên cho cổ đông và có một kết quả kinh doanh vượt dự đoán.
Theo một số chuyên gia, tình hình kinh doanh khó khăn này sẽ khiến Mark Zuckerberg tiếp tục sa thải lao động, lặp lại công thức thành công của năm 2023 khi không cho ra nổi một sản phẩm hay công nghệ gì nổi trội.
Trớ trêu thay, hàng loạt doanh nghiệp trong ngành như Tesla, Amazon, Intel... cũng đang nối gót Meta, qua đó tạo nên làn sóng sa thải mới trong ngành công nghệ 2024.
Kẻ vô dụng nhất Facebook?
Tờ Business Insider (BI) nhận định trong khi Jeff Bezos của Amazon hay Larry Page của Google đều hiểu rằng muốn có tăng trưởng mới thì cần nhường chỗ cho lớp kế cận, nhưng Mark Zuckerberg thì vẫn níu giữ quyền lực và những gì CEO này đóng góp cho Facebook chỉ là sa thải lao động.
Năm 2023, cổ phiếu Meta (Facebook) đã tăng 168%, đưa tổng vốn hóa thị trường lên hơn 1 nghìn tỷ USD và khiến tổng tài sản nhà sáng lập Mark Zuckerberg vượt 142 tỷ USD.
Meta cũng thực hiện việc chia cổ tức lần đầu tiên với mức 50 cent/cổ, đồng thời thực hiện kế hoạch mua lại cổ phiếu với tổng trị giá 50 tỷ USD, qua đó giúp Mark Zuckerberg kiếm về khoảng 700 triệu USD mỗi năm.
Trong khi nhiều người ca ngợi Mark Zuckerberg thì rất nhiều chuyên gia lại nhận định đóng góp của nhà sáng lập này cho đà tăng cổ phiếu không thực sự xứng đáng. Việc Meta sa thải hàng loạt là động thái mà bất cứ CEO nào cũng có thể làm được.
Trái lại hàng loạt những dự án của Mark Zuckerberg đưa ra, từ vũ trụ ảo cho đến AI đều không đạt thành quả như mong đợi. Nguồn thu của hãng vẫn chủ yếu đến từ quảng cáo Facebook, vốn đang bị cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ Tiktok.
Trong khi Bill Gates rời Microsoft để CEO Satya Nadella có điều kiện hướng tới mảng điện toán đám mây sau này và gần đây nhất là thành công của ChatGPT, hay Apple thời hậu Steve Jobs với CEO Tim Cook tăng trưởng nóng nhờ hệ sinh thái iPhone thì Facebook hầu như chẳng có gì mới kể từ khi ra đời đến nay.
Mặc dù có một số thay đổi về tính năng, giao diện nhưng chính bản thân Mark Zuckerberg cũng đã từng phải thừa nhận rằng giới trẻ ngày nay đang ngày càng ưa thích Tiktok hơn. Đó là chưa kể đến bê bối tin giả, phát tán các thông tin gây hiểu lầm hoặc ảnh hưởng xấu đến xã hội, bản quyền nội dung...
Bất chấp điều đó, Mark Zuckerberg vẫn sẽ ngồi lâu dài trên ghế CEO với các dự án tiền tỷ như vũ trụ ảo hay AI của mình, miễn là giá cổ phiếu vẫn tăng và cổ đông vui lòng.
Theo BI, nền tảng Facebook đã bước sang tuổi 20 khi nhà sáng lập Mark Zuckerberg vẫn nắm quyền điều hành.
Đây là một điều hiếm ở các tập đoàn trăm tỷ USD tại Thung lũng Silicon khi phần lớn các nhà sáng lập đều chuyển giao đế chế của mình cho người kế nhiệm nhằm nghỉ hưu hoặc hướng đến những dự án khác.
Ví dụ tiêu biểu nhất là Jeff Bezos của Amazon đã rời bỏ chức vụ CEO vào năm 2021 để tập trung cho mảng hàng không vũ trụ, hay Larry Page của Google đã ra đi để hưởng thụ và trở thành nhà đầu tư mạo hiểm cho các dự án khởi nghiệp.
Quan điểm của những nhà sáng lập này là vô cùng rõ ràng khi tạo điều kiện cho thế hệ kế cận tiếp bước trong đế chế của mình.
Dù vẫn nắm giữ cổ phần nhưng các nhà điều hành này hiểu rằng đứa con tinh thần của mình một ngày nào đó sẽ phải tự đứng trên đôi chân của mình mà không có họ, qua đó tạo điều kiện thăng tiến, thể hiện tài năng của lớp kế cận cũng như tìm kiếm những ý tưởng mới, làn gió mới cho sự phát triển.
Chính quan điểm này đã tạo điều kiện cho Microsoft thăng hoa thời hậu Bill Gates mà không còn bị phụ thuộc quá nhiều vào bản quyền hệ điều hành máy tính cá nhân nữa.
Tương tự, Apple thời hậu Steve Jobs dù vẫn có doanh thu chủ yếu từ bán iPhone nhưng tập đoàn đã đa dạng hóa sản phẩm (Apple Watch, tai nghe không dây...) cũng như phát triển phần mềm của mình như chợ ứng dụng, phí công cụ tìm kiếm độc quyền từ Google...để hình thành nên hệ sinh thái của riêng mình.
Trái lại với Mark Zuckerberg, 20 năm nắm quyền vẫn là quá ngắn và nhà sáng lập này thậm chí đề ra những dự án dài hơi như vũ trụ ảo hay trí thông minh nhân tạo (AI) nhưng chưa một cái nào thành công đột phá.
Các chuyên gia nhận định những công nghệ này sẽ tốn rất nhiều chi phí cùng thời gian dài đầu tư mà chưa chắc đã thành công, tác dụng duy nhất chúng hiện có thể mang lại là giữ Mark Zuckerberg trên ghế CEO lâu hơn nữa.
Trong buổi phỏng vấn với tờ The Verge, nhà sáng lập của Facebook tiết lộ rất ít về dự án phát triển AI của tập đoàn này trong bối cảnh vô số Big Tech đổ hàng tỷ USD vào đây chạy đua sau thành công của ChatGPT.
Sau giai đoạn hứng khởi cuối năm 2023, giờ đây các nhà đầu tư nhận ra Mark Zuckerberg chưa thực sự đóng góp gì cho tăng trưởng của Meta ngoài đuổi việc bớt nhân viên. Bởi vậy khi thông tin hãng tốn hàng tỷ USD cho AI và con số sẽ còn tăng lên nữa mà chưa có nổi một sản phẩm để cạnh tranh cùng Google hay Micrososft, giá cổ phiếu của hãng đã phải đi xuống.
Cái bẫy sa thải
Bài học của Meta là vô cùng rõ ràng nhưng chẳng ông chủ doanh nghiệp nào quan tâm.
Suy cho cùng, bài học Meta của Mark Zuckerberg tăng trưởng 200% giá cổ phiếu trong năm 2023 khi đuổi việc 20.000 lao động đã cho thấy các công ty sẽ được lợi gì khi chiều lòng cổ đông.
Tồi tệ hơn, sự trỗi dậy của AI càng khiến việc tái cơ cấu lao động trở thành điều cấp thiết cho những doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí.
Tờ SCMP cho hay Ericsson đã cắt giảm 1.200 lao động tại quê nhà và 240 kỹ sư ở Trung Quốc. Trong khi đó ByteDance, công ty mẹ của Tiktok đã sa thải các đơn bị cộng tác ở Feishu, qua đó ảnh hưởng đến khoảng 1.000 lao động.
Ngay cả những cái tên đình đám như Tencent cũng đã cắt giảm 3.000 lao động, Hàng loạt ông lớn từ Xiaomi, JD.com, Kuaishou Technology, Didi Chuxing, Bilibili cho đến Weibo cũng đều sa thải bớt nhân sự.
Thậm chí Tesla, thương hiệu đình đám ngành xe điện cũng dự báo cắt giảm 20% lao động, tương đương 28.000 người do thị trường khó khăn.
Trong khi đó, hãng thương mại điện tử đình đám Amazon thì đã tuyên bố cắt giảm hàng loạt nhân viên ở mảng điện toán đám mây, còn hãng Intel vào đầu tháng 3/2024 đã bắt đầu sa thải nhân lực mảng tiếp thị và bán hàng của mình.
Dẫu biết rằng nhân lực là tài sản quý giá nhất của công ty và là tiền đề phát triển sản phẩm mới, đột phá về công nghệ, qua đó đóng góp cho tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên với các CEO hay ông chủ doanh nghiệp, lợi nhuận và cổ đông vẫn là số 1, còn lao động thì có thể tuyển dụng bất cứ lúc nào.
Do đó dù biết rằng càng sa thải thì càng thiếu nhân lực phát triển những sản phẩm đột phá nhưng hàng nghìn doanh nghiệp ngành công nghệ vẫn sẽ bắt đầu đợt đuổi việc hàng loạt mới trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.
Bài học Mark Zuckerberg có lẽ ai cũng hiểu, nhưng chẳng ai muốn rút kinh nghiệm.
Nguồn: BI, CNBC