CHIME, một mảng kính viễn vọng vô tuyến đặt tại tỉnh British Columbia - Canada đã bắt được 22 tín hiệu kỳ lạ thuộc dạng "chớp sóng vô tuyến" (FRB), là những tín hiệu radio nhanh và bùng nổ có thể được truyền đi rất xa trong không gian liên thiên hà.
22 FRB nói trên bắt nguồn từ một nơi duy nhất, và là nơi vô lý nhất: Một "nghĩa địa sao" 11 tỉ năm tuổi.

Ngân Hà (trái) được đặt cạnh một thiên hà đã chết giống với cái đã phát ra loạt tín hiệu lạ - Ảnh: NASA/ESA
Theo Live Science, "nghĩa địa sao" là cách mà các nhà khoa học mô tả về một thiên hà đã chết, tức ngưng hình thành sao từ lâu.
Không giống như thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà), các thiên hà này thường tĩnh lặng và mờ nhạt. Và không có bất kỳ lý thuyết thiên văn nào hiện nay có thể giải thích việc chúng phát ra tín hiệu dạng FRB.
Người ta cho rằng FRB đi kèm với các vụ nổ siêu tân tinh, báo hiệu cái chết của các ngôi sao có khối lượng lớn.
Vì vậy, chúng phải đến từ nơi các ngôi sao vẫn đang hình thành và chết đi, tức các thiên hà trẻ, sống động với đủ khí và bụi để cung cấp nhiên liệu cho sự ra đời của các ngôi sao.
Thế nhưng 22 tín hiệu mà CHIME bắt được rõ ràng đến từ vùng ngoại ô của một thiên hà đã chết từ lâu, điều mà các nhà khoa học mô tả là hành vi "sống dậy từ nấm mồ" của nó.
"Các quan sát cho chúng ta biết rằng cần phải có một cách nào đó khác để tạo ra FRB. Khám phá này trái ngược với bức tranh mà chúng ta có được về FRB cho đến nay" - TS Tarraneh Eftekhari từ Đại học Northwestern (Mỹ), đồng tác giả của 2 nghiên cứu về loạt tín hiệu lạ, cho biết.