Loài chim đó là Cò quăm đầu hói phương Bắc, danh pháp khoa học: Geronticus eremita.
(Cò quăm đầu hói phương Bắc đôi khi gọi tắt là cò quăm trong khuôn khổ bài viết)
Sau khi loài Cò quăm đầu hói phương Bắc biến mất khỏi châu Âu hơn 300 năm trước - do nạn săn bắn, mất môi trường sống và sử dụng thuốc trừ sâu - nhiều người cho rằng người ta sẽ chẳng bao giờ được tận mắt ngắm nhìn bộ lông sáng bóng, nhiều màu cùng chiếc mỏ cong dài sinh động của loài chim này về sau nữa.
May mắn thay, đến những năm 1990, nhờ những nỗ lực bảo tồn bền bỉ ở Maroc (quốc gia vùng Bắc Phi) - sau khi các nhà sinh vật học nước này phát hiện cặp cò quăm còn tồn tại trong tự nhiên - loài chim như được "tái sinh" và trở thành một trong những loài chim quý hiếm nhất thế giới. Khi ấy, cả thế giới chỉ có 59 cặp cò quăm đầu hói phương Bắc.
Ngày nay, Maroc đã giúp tăng số lượng loài này lên hơn 500 cá thể, khiến Sách đỏ IUCN (Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên) về các loài bị đe dọa đã thay đổi tình trạng của loài này từCực kỳ nguy cấpthànhNguy cấpvào năm 2018.
Cuối tháng 9/2024, trong loạt bài chủ đề bảo vệ đa dạng sinh học, CNN đăng tải những hình ảnh sống động của loài chim tưởng chừng đã tuyệt chủng này:
Loài cò quăm đầu hói phương Bắc từng được tìm thấy ở 3 lục địa làchâu Âu (ở dãy núi Alps), Trung Đông và Bắc Phi. Nhưng ngày nay, chúng chỉ chiếm một phần nhỏ so với phạm vi trước đây của chúng. Thông thường, cò quăm tụ tập sinh sống và sinh sản theo đàn. Chúng cư trú ở các vách đá và mỏm đá cao hàng nghìn mét, cũng như bên trong các lâu đài và tàn tích ở các khu vực đô thị. Chúng chủ yếu ăn côn trùng, giun và ấu trùng.
Maroc là nơi có quần thể hoang dã lớn nhất còn lại của cò quăm đầu hói phương Bắc, một phần là nhờ vào những nỗ lực bảo tồn bền bỉ, nghiêm túc của họ. Việc thành lập Công viên quốc gia Souss-Massa ở bờ biển phía tây Maroc vào năm 1991 đã giúp bảo vệ các khu vực làm tổ và kiếm ăn cho loài chim này. Năm 1994, một chương trình nghiên cứu đã được thiết lập để theo dõi các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Theo IUCN, quần thể cò quăm ở Maroc không di cư theo mùa, và hiện đang ổn định.
Quần thể cò quăm đầu hói phương Bắc ở Trung Đông từng được tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, và được biết đến với tuyến đường di cư rộng lớn – một cuộc hành trình dài hàng ngàn dặm đến và đi từ Ethiopia, bay qua Eritrea, Sudan, Ả Rập Saudi và Jordan. Về sau, quần thể này đã suy giảm đáng kể và đã tuyệt chủng hoàn toàn trong tự nhiên.
Trước đây, loài cò quăm đầu hói phương Bắc cũng xuất hiện ở một số vùng của Nam Âu cho đến thế kỷ 16. Các dự án tái du nhập loài này vào lục địa đang được tiến hành, bao gồm một dự án ở Andalusia, Tây Ban Nha, bắt đầu vào năm 2004.
Một nỗ lực độc đáo khác nhằm tái du nhập quần thể cò quăm ở Áo và Đức đang được tiến hành, do nhà sinh vật học người Áo Johannes Fritz dẫn đầu. Năm 2003, Johannes Fritz, cùng với nhóm nghiên cứu và bảo tồn Waldrappteam của mình, bắt đầu đưa những loài chim bị nuôi nhốt trở lại tự nhiên.
Lấy cảm hứng từ bộ phim năm 1996 "Fly Away Home", trong đó một thiếu niên dẫn đầu một đàn ngỗng di cư trên một chiếc tàu lượn, Fritz đã nghĩ ra ý tưởng đích thân hướng dẫn đàn cò quăm di cư theo một chiếc máy bay siêu nhẹ, bay từ Đức đến Ý. Trong bức ảnh này, một nhóm cò quăm bay theo tàu lượn của Waldrappteam trong quá trình di cư của chúng.
Theo Waldrappteam, đã có 17 chuyến di cư kể từ đó – vào tháng 8 và tháng 9 hàng năm. Vào năm 2023, họ đã thay đổi lộ trình di cư để kết thúc ở Tây Ban Nha thay vì Ý do các yếu tố môi trường.
Ngày nay, hầu hết các loài chim châu Âu không còn cần sự hướng dẫn của con người nữa. Nhưng loài cò quăm đầu hói phương Bắc vẫn phải đối mặt với nhiều mối đe dọa khác nhau. Chúng chủ yếu ăn côn trùng và việc sử dụng thuốc trừ sâu ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thức ăn của chúng.
Nạn săn trộm đã giết chết 17% tổng số cò quăm di cư ở châu Âu vào năm 2023 và biến đổi khí hậu cũng đang ảnh hưởng đến loài này, đòi hỏi chúng phải thay đổi thời điểm trong năm mà chúng di cư và làm tăng thêm những thách thức trên đường đi.
Tham khảo:CNN