Tai nạn thương tâm xảy ra tại trang trại chăn nuôi lợn ở một thị trấn thuộc thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Bảy người thiệt mạng do ngộ độc khí; cơ quan quản lý về tình trạng khẩn cấp ở địa phương đang điều tra nguyên nhân cụ thể.
Headline News dẫn báo cáo của cơ quan chức năng nói trên cho hay, vụ tai nạn ngộ độc khí từ bể phốt tự hoại xảy ra vào chiều 13/4. Các lực lượng chức năng của thành phố Bành Châu cùng đơn vị phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, các sở Y tế, Nông nghiệp, Nông thôn... nhanh chóng cử người đến hiện trường, phối hợp triển khai các hoạt động cứu hộ và đưa cả 7 người khỏi bể tự hoại.
Vụ ngộ độc khí bể phốt xảy ra tại trang trại lợn ở Tứ Xuyên khiến 7 người thiệt mạng. (Ảnh minh họa: Unsplash)
Tuy nhiên, 4 nạn nhân đã tử vong sau khi việc cấp cứu tại hiện trường không hiệu quả. Ba người còn lại được đưa đi cấp cứu và điều trị đặc biệt, nhưng những nỗ lực này cũng không đem lại hiệu quả gì; họ qua đời tại bệnh viện.
Đại diện cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của Bành Châu chia sẻ: "Chúng tôi vô cùng đau buồn và rất tiếc về điều này. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra thêm".
Liên quan đến vụ việc thương tâm trên, các chuyên gia cảnh báo rằng luôn có những rủi ro nhất định trong những không gian có lối vào, lối ra nhỏ hẹp, hệ thống thông gió kém. Việc thâm nhập không gian này một cách thiếu thận trọng có thể dẫn đến ngộ độc, ngạt thở, thậm chí tử vong.
Việc giải cứu một cách vội vàng, thiếu khoa học có thể khiến tình trạng thương vong gia tăng, người đi cứu cũng trở thành nạn nhân.
Cũng theo khuyến cáo của các chuyên gia, những khu vực như giếng nước thải, tầng hầm, hầm, bể tự hoại, bể chứa phân, cabin tàu thủy... đều là nơi có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc khí.
Hồi cuối tháng 10 năm ngoái, một cậu bé đang chơi gần giếng nước thải ở Ninh Hạ thì không may rơi xuống đó. Ông nội và cha cậu bé lần lượt xuống giếng để giải cứu. Cả ba người đều qua đời vì khí độc ở dưới giếng.
Để tránh những thảm kịch như trên, nếu thấy người gặp tai nạn tương tự, bạn nên gọi cho lực lượng cứu hộ thay vì tự nhảy xuống cứu người khi bản thân không được huấn luyện hay trang bị đồ bảo hộ.