Đậu mùa khỉ đã bùng phát bên ngoài những địa bàn "truyền thống" của nó ở châu Phi từ tháng 5 năm nay. Hơn 2 tháng nay, bệnh được đánh giá là lây lan nhanh với tính chất không giống với trước đây. Bệnh đã thành mối lo ngại của giới chuyên môn y tế đến mức Tổ chức Y tế thế giới hôm thứ Bảy tuần trước đã phải tuyên bố đậu mùa khỉ là vấn đề khẩn cấp y tế công cộng quốc tế. Vậy nên, rất cần thiết phải nhận định đúng mức độ của nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng chống.
Diễn biến đậu mùa khỉ trên toàn cầu
Hiện thế giới có hơn 19 nghìn ca bệnh đậu mùa khỉ, ghi nhận tại 76 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước có ca mắc được thể hiện bằng vòng tròn càng lớn thì số ca mắc càng nhiều. Vòng tròn cũng có 2 màu: Xanh và da cam. Màu xanh là những nước mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu, tức là từng xuất hiện nhiều lần. Còn màu da cam là những nơi mà đợt bùng phát dịch này là lần đầu tiên họ ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ. Trong đó, điểm nóng hiện nay đang là khu vực châu Âu, chiếm khoảng 80% số ca. Đặc biệt Tây Ban Nha, Anh, Đức, Pháp có từ 1.500 đến hơn 3.700 ca.
Phía bên kia Đại Tây Dương, Mỹ cũng đang phải huy động gấp các nguồn lực đối phó đậu mùa khỉ, khi đã ghi nhận hơn 3.500 ca, là quốc gia có nhiều ca bệnh thứ hai trên thế giới, chỉ sau Tây Ban Nha.
Bệnh đậu mùa khỉ cũng đã xuất hiện ở nhiều nước châu Á. Với 10 ca mắc, Singapore là nơi có nhiều ca đậu mùa khỉ nhất trong khu vực. Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan mới ghi nhận các ca bệnh đầu tiên. Chính quyền thủ đô Bangkok, Thái Lan, đã đặt những khu vực có nguy cơ cao ở thành phố vào tình trạng cảnh báo cao nhất đối với bệnh đậu mùa khỉ, mặc dù Bộ Y tế nước này cho rằng chưa cần nâng cấp bệnh đậu mùa khỉ từ "bệnh truyền nhiễm đang được giám sát" lên thành "bệnh truyền nhiễm nguy hiểm".
Vì sao WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là vấn đề khẩn cấp?
Ngày 23/7 vừa qua là lần thứ hai trong hơn 2 năm, Tổ chức Y tế thế giới đưa ra mức cảnh báo cao nhất đối với một căn bệnh truyền nhiễm. Tuyên bố của WHO rằng đậu mùa khỉ là vấn đề khẩn cấp y tế công cộng quốc tế sẽ khiến các quốc gia phải huy động các nguồn lực cần thiết nhằm ngăn chặn dịch. WHO đã báo hiệu nguy cơ lớn về y tế, đòi hỏi sự phối hợp của các quốc gia để ngăn chặn đậu mùa khỉ lây lan xa hơn.
Ông Tom Inglesby - Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins, Mỹ cho rằng: "Tuyên bố của WHO có thể thu hút sự ủng hộ của quốc tế và củng cố, đẩy nhanh ứng phó với dịch đậu mùa khỉ đang bùng phát trên khắp thế giới. Thúc đẩy các nước triển khai biện pháp ngăn chặn, giám sát nguồn bệnh và phòng ngừa như tiêm vaccine. Triển khai nguồn lực phòng dịch sâu rộng từ các thành phố lớn đến các địa phương quy mô nhỏ hơn".
Ông James Lawler - Trung tâm An ninh sức khỏe toàn cầu, Đại học Nebraskas, Mỹ nói: "Sẽ phải mất nhiều, nhiều tháng nữa chúng ta mới có thể kiểm soát được đợt bùng phát này. WHO và các tổ chức có trách nhiệm khác cần quyết liệt và phát đi báo động sớm hơn, nhưng muộn còn hơn không, tuyên bố của WHO sẽ giúp ích nhiều cho các nỗ lực kiểm soát dịch của chúng tôi".
Các chuyên gia ước tính, thế giới cần ít nhất một năm để kiểm soát đợt bùng phát đậu mùa khỉ hiện nay. Trong thời gian đó, virus có thể sẽ lây nhiễm cho hàng trăm nghìn người và có thể tồn tại vĩnh viễn tại một số quốc gia.
Ứng phó của Việt Nam với nguy cơ đậu mùa khỉ
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể. Để chủ động phòng chống, Việt Nam đã triển khai các hoạt động giám sát, ứng phó.
Ông Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: "Nguy cơ đậu mùa khỉ có thể xâm nhập vào Việt Nam bằng các đường hàng không, cửa khẩu trong lúc đại dịch COVID-19 diễn ra trong vòng 2 năm rưỡi và cho đến hiện tại, chúng ta đã mở cửa tất cả để du lịch trở lại, kinh tế xã hội phát triển. Vấn đề là những người đi từ vùng dịch ở các nước như châu Phi, châu Âu có thể vào Việt Nam và có thể xuất hiện các trường hợp thâm nhập về đậu mùa khỉ.
Bắt đầu từ tháng 5, Bộ Y tế đã ra văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố và các Viện vệ sinh dịch tễ chủ động trong việc giám sát các trường hợp nghi ngờ đậu mùa khỉ, có thể đi từ các cửa khẩu, các cảng hàng không Việt Nam, có thể xuất hiện ở các cơ sở y tế để có thể có đáp ứng kịp thời. Thứ hai, chúng tôi liên tục cập nhật tình hình từ Tổ chức Y tế thế giới. Hàng tuần, các văn phòng đáp ứng khẩn cấp y tế công cộng của Cục Y tế dự phòng họp với WHO, CDC để phân tích diễn biến tình hình dịch trên thế giới cũng như các trường hợp đậu mùa khỉ có thể xâm nhập vào Việt Nam.
Bài học từ điểm nóng đậu mùa khỉ
Châu Âu là nơi đậu mùa khỉ bùng phát đầu tiên ở bên ngoài châu Phi, cho đến giờ vẫn là nơi dịch diễn biến mạnh nhất, chiếm khoảng 80% số ca trên thế giới. Quan sát trên thực tế tại những nước châu Âu có người lây nhiễm, 98% tổng số người bị nhiễm virus đậu mùa khỉ là đồng tính nam, chỉ có một số lượng rất nhỏ là phụ nữ và trẻ em. Về cơ chế lây nhiễm, còn có những điểm chưa rõ ràng, nhưng châu Âu đánh giá đây không phải là bệnh truyền qua đường tình dục, mà là qua tiếp xúc trực tiếp da chạm da, hoặc chạm vào quần áo, khăn tắm, vải trải giường, vỏ gối… và các bề mặt trong nhà tắm, nhà vệ sinh của người đang phát bệnh.
Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh châu Âu đánh giá, đây là loại bệnh tự khỏi sau 2 đến 3 tuần. Tổ chức Y tế thế giới xác nhận ở châu Âu chưa có tử vong do virus đậu mùa khỉ.
Hiện nay đã có các nước Anh, Bỉ, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tổ chức tiêm chủng cho nhóm đối tượng đồng tính nam, họ dùng vaccine ngừa bệnh đậu mùa đã có từ lâu, chứ không phải là vaccine đặc chủng ngừa đậu mùa khỉ. Thụy Sĩ và các nước khác chưa có kế hoạch tiêm chủng. Theo cơ chế lây truyền, cách để phòng nhiễm bệnh vẫn là hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách. Không có nước châu Âu nào thiết lập kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu hoặc khai báo y tế để phát hiện ca lây nhiễm nhập cảnh, mặc dù người ta vẫn nghi ngờ các ca lây nhiễm đầu tiên là từ những người đi du lịch tại châu Phi, nơi bệnh đậu mùa khỉ đã được phát hiện cách đây 52 năm nhưng rất hiếm khi lây ra bên ngoài châu Phi.