Ở xứ sở Phật giáo Nepal, người dân truyền tai nhau về một cậu bé ngồi thiền, không ăn uống gì suốt 7 tháng. Cậu hầu như không cử động, chỉ ngồi dưới gốc cây lặng như hòn đá khiến họ nghĩ đến phép màu.
Tôi nhận được e-mail từ biên tập viên tại tạp chí GQ về cậu bé 15 tuổi ở Nepal đã ngồi thiền suốt trong 7 tháng mà không có thức ăn hay nước uống. Anh ta hỏi tôi có muốn đi kiểm chứng và viết bài về việc này không.
Qua tìm hiểu trên mạng, được biết tên của cậu bé là Ram Bahadur Bomjon. Cậu bé đang thiền ở dưới gốc cây pơ mu, gần biên giới Ấn Độ. Hàng tuần, hàng nghìn khách hành hương đổ về đây để lễ Phật, họ gọi cậu bé này là “Đức Phật tái thế”.
Cậu chuyện về Ram Bahadur Bomjon được cây viết George Saunders kể lại.
Từng 2 lần gặp nạn nhưng cậu bé đều từ chối chữa bệnh mà tự khỏi bằng... thiền định. Nhiều người sinh nghi, đồn rằng ban đêm có người mang thức ăn đến cho cậu, rằng sư phụ của cậu đang xây một ngôi đền mới, cha mẹ cậu đang xây dinh thự từ tiền quyên góp lên tới hàng chục nghìn USD...
Tôi đã gửi lại email cho biên tập viên nói rằng, tôi đang rất bận rộn, ngoài công việc chính là giảng dạy, kỳ nghỉ Giáng sinh sắp đến thì tôi đã không đặt chân đến phòng tập gym từ học kỳ trước, cộng với việc phải lo khoản thuế cá nhân hàng năm.
Sau đó, chúng tôi bắt tay vào sửa soạn Giáng sinh gấp gáp như thường lệ, nhưng hình ảnh cậu bé vẫn không rời khỏi tâm trí tôi. Tại những bữa tiệc, tôi đã nghĩ đến cậu bé rất nhiều lần, hình ảnh thiếu niên 7 tháng không ăn uống chỉ ngồi thiền vẫn cứ ám ảnh tôi.
Một kiểu người Mỹ - những người theo chủ nghĩa Hiện thực - sẽ phản ứng bằng cách pha trò liên quan đến đồ ăn nhanh, chẳng hạn như, cuối cùng, cậu bé đứng dậy và nhận thấy hóa ra mình đang ngồi trên một đống vỏ giấy gói bơ lạt. Sau đó, cậu bé sẽ giải thích rằng, con người không thể nào sống thiếu thức ăn 1 tuần được, huống gì là 7 tháng.
Loại thứ hai - Tín đồ - sẽ nói “Chà, thật tuyệt vời” và họ ước mình có thể đến Nepal vào ngày mai, sau đó sẽ chuyển sang câu chuyện về một linh hồn trong suốt từng xuất hiện trên sàn hồ bơi của một người bạn với thông điệp về hòa bình thế giới.
Hãy thử đến gặp người tiếp theo mà bạn nhìn thấy và nói "Này, tôi nghe nói đứa trẻ này ở Nepal đã thiền định liên tục trong rừng suốt 7 tháng qua mà không có thức ăn hay nước uống" và hãy nghe câu trả lời của họ. Hoặc hãy hỏi bản thân mình và nghe theo linh tính mách bảo. Cuối cùng, tôi vẫn quyết định đi.
Quang cảnh hùng vĩ của đất nước Nepal.
Chẳng có chiếc bánh cuộn nào có thể dập tắt những suy nghĩ của tôi
Hãng hàng không quốc gia Áo nổi tiếng với món bánh cuộn nướng. Những tiếp viên mặc áo khoác đỏ liên tục chào mời món bánh này bằng nhiều âm điệu tiếng Anh khác nhau. Video hướng dẫn về an toàn trên máy bay thật là phức tạp! Đó là video hoạt hình với một nhân vật nam trông giống trong game mô phỏng The Sims.
Người ngồi cạnh tôi là cựu binh hàng hải, ông ta kể cho tôi nghe về một nhóm quân sự người Serbia có tên là "Bàn tay đen" đã bỏ lại một người bạn thời thơ ấu của ông trên sườn đồi. Là một người tốt bụng và tử tế, ông cảm thấy sợ hãi trước những điều đã phải chứng kiến ở nơi đó và chúng vẫn đôi khi xuất hiện trong ký ức của ông.
Kể hết câu chuyện, ông ta đi ngủ. Nhưng tôi thì không thể. Tôi cảm thấy khó chịu. Tôi tự trách bản thân vì đã ăn 2 cái bánh cuộn nướng, khiến cạp quần chật cứng. Sau khi đọc xong tất cả sách báo và tạp chí, tôi đứng dậy, đi ra cửa sổ ở khu vực tiếp viên và ngắm nhìn mây. Tôi dành không ngớt lời khen ngợi của mình cho một cô tiếp viên tóc vàng về dịch vụ xuất sắc của hãng hàng không Áo. Cô ấy nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ lạ, ánh mắt dành cho kẻ yếu đuối và đáng trách.
Hãng hàng không quốc gia Áo.
May mắn thay, tôi chỉ có 6 giờ nữa trên máy bay này, 2 giờ ở sân bay Viên và 8 giờ nữa là đến Katmandu. Tôi quyết định về chỗ nhắm mắt ngồi, chờ thời gian trôi qua.
Tôi cảm nhận được sự thay đổi của ánh sáng từ mí mắt, dường như bóng của ai đó đang trượt lên cửa sổ. Tôi vẫn nhắm mắt và tò mò: “Chúa ơi, ai vậy nhỉ? Họ đã đi chưa?”. Tôi thực sự muốn mở mắt ra để biết đó là ai, cái bóng đã biến mất hay vẫn còn ở đó. Sau đó, tôi thấy đau ở đầu lưỡi và rất muốn mở mắt ra để ghi chép lại những quan sát và cảm giác thú vị này. Chân tôi, cánh tay và cổ đều muốn cử động.
Ôi Chúa ơi, tôi khát nước kinh khủng, tôi tự hỏi không biết hơi thở của mình sẽ bốc mùi thế nào sau khi trải nghiệm này kết thúc. Tôi tưởng tượng một thác nước có vị bạc hà đang chảy vào miệng tôi, một thác nước tự động bật khi tôi nhấn một nút trên bảng điều khiển có đánh dấu nước bạc hà.
Tâm trí giống như một cỗ máy không ngừng hỏi: Bạn muốn gì? Nhắm mắt lại, từ chối cử động và quan sát tâm trí của bạn đang làm gì. Một ham muốn xuất hiện, bạn thỏa mãn ham muốn đó, và một ham muốn khác lại bắt đầu xuất hiện. Chuỗi ham muốn này là một chu kỳ vô tận mà hóa ra đã có một cái tên: Luân hồi. Luân hồi chính là lòng tham, rối loạn tâm trí, tham vọng, ngoại tình, đam mê tội ác... bắt nguồn từ việc chúng ta tin rằng mình sẽ hạnh phúc khi thỏa mãn mong muốn của mình.
Dù biết điều này nhưng cơn khát nước không thể nào vơi đi được, tôi muốn chân hết đau mỏi, tôi muốn uống gì đó, thậm chí là ăn một cái bánh cuộn nữa. 7 tháng? Tôi tự hỏi. Đứa trẻ đã ngồi ở đó tới 7 tháng?
Đời là bể khổ
Chúng tôi đến Katmandu ngay trước nửa đêm. Thành phố tối như chưa từng thấy ánh sáng bao giờ, không đèn đường, không có đèn báo, mỗi tòa nhà được thắp sáng bởi một hoặc hai bóng đèn nhỏ hoặc một chiếc đèn lồng treo duy nhất. Nơi đây giống như một thành phố thời trung cổ, nghi ngút khói, những tòa nhà nghiêng mình vào những con đường hẹp và nhỏ xíu.
Cứ như thể chiếc xe taxi đã được xuyên thời gian trở về thời đại của các vị vua và những nô lệ và chúng tôi đang hướng tới “cung điện” - khách sạn Hyatt. Từ ánh đèn pha, tôi nhìn thấy một con bò đang gặm nhấm rác thải. Chúng tôi đi ngang qua một cây ATM trơ trọi dưới ánh đèn màu xanh nhạt yếu ớt, như thể được mang tới từ tương lai.
Sảnh khách sạn Hyatt trống trơn, chỉ có hàng tượng Phật, một mê cung không có khách lui tới. Người quản lý kinh doanh của khách sạn không chỉ nghe nói về cậu bé mà còn cho rằng cậu đang được những con rắn nuôi dưỡng. Tôi đi ngủ một giấc sau chuyến đi kỳ lạ tới nỗi thức dậy mà không biết mình đang ở đâu.
Tôi mở tung rèm cửa, chào đón bình minh của Katmandu, một thành phố Seussia rộng lớn, nơi những lời cầu nguyện kéo dài từ những ngọn tháp, hàng hiên của những ngôi chùa. Xa xa là dãy Himalaya trắng kinh khiết, màu trắng đã có trước khi các màu khác được phát minh. Ở phía trước là hồ bơi Hyatt đồ sộ, cạn nước, đang được sửa chữa, trên một cánh đồng cỏ khô và một người phụ nữ đang chăm sóc hàng cây bụi dài vô tận, giống như một bức tranh họa tiết có chủ đề về sự kiên nhẫn.
Người dân bản địa Katmandu.
Tôi quyết định đi dạo một vòng. Sự ồn ào của Katmandu khiến ngay cả khu vực nghèo nhất của thành phố hoang dã nhất nước Mỹ cũng có vẻ yên bình và có quy hoạch hơn. Một vài người ngồi xổm trong cánh đồng đầy rác, liên tục đánh vào một thứ gì đó màu tím nhìn trông như kẹo bông.
Một người phụ nữ có sẹo ở mặt đi ngang qua tôi, có vẻ như cô ấy đang đi chợ, nhưng cũng khiến người khác cảm thấy ái ngại vì cô ấy đi quá nhanh với hàng tá đồ trên tay. Tôi đứng trước một ki-ốt, có vẻ như trước được thuê bởi Pepsi, hiện có dây thép gai và kiểm soát bởi những người lính Nepal, chẳng khác gì một bàn đá phiến với chân làm bằng gạch.
Tôi đi qua một bãi đất trống hoang vắng mà tôi từng thấy trong những giấc mơ, một khu đất được bao quanh bởi những ngôi nhà cao tầng bằng gạch giống như một cái hồ được bao quanh bởi những vách đá. Đảo mắt một lượt, tôi thấy một người phụ nữ khác bế một đứa bé, răng cô ta mọc chìa ra ngoài theo chiều ngang như thể 90 độ. Một tay cô duỗi ra còn tay kia bế đứa bé, khuôn mặt khắc khổ như thể muốn nói: Đứa bé này, những chiếc răng này, chúng ta phải sống như thế nào đây?
Ở một bên của con đường là một vùng trũng kỳ lạ - giống như một hố nông đào tầng hầm với những hàng ghế dài bằng gỗ, trên đó hàng trăm người đàn ông, phụ nữ và trẻ em ăn mặc rách rưới đang chờ đợi một điều gì đó. Giống như một trạm xe buýt nhưng không có đường. Một số người phương Tây tụ tập gần cổng, nhìn chằm chằm với ánh mắt tò mò, có phần tức giận. Một người mù bị đuổi khỏi lô đất và cố nán lại trước cổng, tỏ vẻ bình thường.
Chuyện gì đang xảy ra ở đây? 300 người trong một nhà tù lộ thiên, duy chỉ có gã mù là bị đuổi ra. Tôi bước vào, đi qua đám đông, một người phụ nữ phương Tây đang ngồi ăn ở phía góc với vài vết lở trên miệng.
"Tất cả những thứ ...... này là gì?" Tôi hỏi. “Súp,” cô ấy đáp. “Cho ai vậy…?”. “Cho bất kỳ ai đang cần”. Có vẻ như ai cũng đói: 200 - 300 người, hai bữa một ngày, không bao giờ nồi súp còn thừa. Một anh chàng mù phải ra về vì anh ta đến quá muộn.
Đời là bể khổ, Đức Phật nói vậy. Nhưng không có nghĩa mọi khoảnh khắc của cuộc sống đều là nỗi thống khổ. Chỉ là những hạnh phúc/khoảnh khắc nghỉ ngơi/sự hài lòng, chỉ là thoáng qua, những thứ được cho là vĩnh cửu thực ra chỉ là huyễn hoặc.
Người phụ nữ không có khuôn mặt, một người phụ nữ có hàm răng kỳ quặc, những người già bụi bặm ôm đứa trẻ trong lòng chờ bữa ăn, anh chàng mù bên cổng tỏ vẻ thờ ơ... “Sống là đau khổ, chẳng có gì khó hiểu cả”!
Ở cuối một con đường chật hẹp, chỉ vừa đủ một chiếc xe hơi, bảo tháp Boudha nổi tiếng vẫn khổng lồ, nhợt nhạt, vươn ra khỏi lớp bụi xung quanh giống như chính hy vọng vậy.
(Còn tiếp) - Theo Tạp chí GQ