Cậu ấy đang ở đó, cách tôi chỉ 150 m, trong bụi cây phía trước. Tôi bước qua những người hành hương, đến bên hàng rào và nhìn vào bên trong.
Bảo tháp là một công trình Phật giáo khổng lồ có 3 chiều, hình mái vòm và là nơi lưu trữ những thánh tích như lọn tóc của Đức Phật. Công trình đặc biệt này đã được bồi đắp trong nhiều thế kỷ, một số tài liệu cho rằng nó tồn tại từ năm 500 sau Công nguyên.
Bảo tháp được bao quanh bởi một con đường vòng tròn với hàng trăm phật tử hành hương dọc theo Nepal, Tây Tạng, Bhutan, Ấn Độ. Họ khoác lên mình những bộ trang phục với đủ các màu tím, đỏ và cam; khuyên xỏ và kiểu tóc khác thường. Tiếng bài kinh tụng om mani padme hung (Nam mô A di đà Phật) được lặp đi lặp lại cả ngày từ một cửa hàng bán đồ lưu niệm.
Những chiếc chuông cổ vật tại bảo tháp Boudha.
Bảo tháp có nhiều tầng và bậc thang, người hành hương đi vòng quanh các tầng. Bóng chim bồ câu bay vội mỗi khi thấy bước chân người hòa cùng với bóng của hàng nghìn lá cờ cầu nguyện. Những cậu bé đi chân trần đội những xô quét vôi màu vàng lên tầng cao nhất và ném chúng lên bề mặt mái vòm để lại những vệt màu vàng lởm chởm. Âm thanh to rõ nhất là tiếng chim hót và tiếng chuông thỉnh thoảng leng keng, phía xa là tiếng máy cưa điện.
Tôi đi hết vòng này đến vòng khác, cầu nguyện cho những người thân yêu của tôi. Đối với tôi, đây là một năm đầy khó khăn và biến động: Người chú yêu quý nhất của tôi ra đi, ngôi nhà của cha mẹ tôi bị phá hủy bởi bão Katrina, cậu em họ tốt nhất của tôi đã phải tới Irag, một vụ tai nạn ô tô khiến cô con gái mới lớn của tôi khóc nức nở bên vệ đường trong đêm lạnh giá. Sau 18 năm hôn nhân, càng yêu vợ bao nhiêu tôi càng nhận thấy một điều đáng sợ rằng, một ngày nào đó sẽ có thể chúng tôi phải chia tay.
Hôm đó, tại bảo tháp, tôi chợt nhận ra nỗi sợ hãi này tạo nên một định nghĩa, một triết lý rất cơ bản của con người: Sau một khoảng thời gian sống, chúng ta trở nên yếu đuối và lo sợ, để rồi ta lại khao khát muốn chấm dứt nỗi sợ hãi đó.
Hàng triệu người đã đi vòng quanh bảo tháp này trong suốt hàng trăm năm kể từ khi nó được xây dựng. Các cửa hàng, những tấm phù điêu, những bức tượng, những bức tranh tangka, tụng kinh, hàng trăm ngàn kiếp người đã trải qua - tất cả những điều này bắt đầu từ khi một người đàn ông bước vào khu rừng, ngồi xuống và cố gắng chấm dứt nỗi sợ hãi bằng cách rèn luyện tâm trí của mình.
Khi tôi rời khỏi bảo tháp, một cậu bé đưa tôi vào căn phòng nhỏ phía bên cổng chính. Bên trong là 2 vòng cầu nguyện khá lớn. Cậu bé đó hướng dẫn tôi quay 3 vòng để được ban nhiều phước lành. Ở góc phòng, một người lùn mặc áo tu sĩ đang cầu nguyện.
“Lạt ma!”, hướng dẫn viên của chúng tôi chào anh ta khi cả đoàn đi qua. Ở vòng thứ hai, hướng dẫn viên giới thiệu về một bộ sưu tập hình ảnh của các vị Phật vĩ đại nhất, được dán phía trên một cửa sổ nhỏ. Đây là Đức Đạt Lai Lạt Ma, kia là Guru Rinpoche - người đầu tiên mang Phật giáo đến Tây Tạng, còn đây là Bomjon - cậu bé đang ngồi thiền trong khu rừng...
Bức ảnh chụp một cậu bé khoảng 12 tuổi, một chàng trai mỉm cười với mái tóc húi cua mũm mĩm, nhút nhát nhưng đầy vẻ kiêu hãnh, giống như một cầu thủ bóng chày tí hon ở giải đấu Little Leaguer nhưng thay vì mặc đồng phục thể thao, cậu ấy khoác áo choàng của nhà sư.
“Bomjon!”, tôi thốt lên. "Chính xác đấy!", anh chàng hướng dẫn viên đáp.
Cậu chuyện về cậu bé Ram Bahadur Bomjon được cây viết George Saunders thực hiện.
Mảnh đất cằn cỗi và nghèo đói
Trở lại Hyatt, tôi gặp phiên dịch của mình là Subel, một thanh niên 23 tuổi tốt bụng, am hiểu về truyền thông, có vẻ ngoài giống như diễn viên Robert Downey Jr. Chúng tôi đi qua Katmandu trên chiếc xe máy cũ kỹ của cậu ấy.
Katmandu đang có lịch cắt điện luân phiên giữa các thị trấn để tiết kiệm nhiên liệu, do đó chúng tôi phải mua vé ở một văn phòng du lịch tối om dưới ánh nến. Nhân viên bán vé làm thủ tục cho chúng tôi dưới ánh sáng từ 3 ngọn nến đỏ nghiêng trên những tờ báo.
Đây là thời kỳ Nepal bất ổn. Trong bữa ăn tối, Subel rơm rớm nước mắt kể cho tôi nghe về nhiều điều, bày tỏ mong muốn sẽ rời khỏi Nepal và quay về khi cậu đã học những kiến thức bổ ích, khiến mình trở nên khác biệt. Ở Katmandu, dường như mọi người đều biết về cậu bé đang ngồi thiền, theo dõi tin tức về cậu ấy một cách say sưa, tin rằng cậu bé sẽ hoàn thành được tâm nguyện của mình và chúc cậu mọi điều may mắn. Bạn có thể thấy họ coi cậu bé như một vị cứu tinh trước tình cảnh nghèo đói và bất ổn. Họ cần sự cứu rỗi từ bất kỳ điều gì.
Một người bạn của Subel nói với tôi rằng anh ta hy vọng "cậu bé Phật" này sẽ làm nên kỳ tích cho đất nước nghèo nàn bị tàn phá này, một đất nước rất đỗi thân thuộc với anh ta.
Sáng hôm sau, chúng tôi bay tới ngôi làng phía nam Simra trên một chiếc máy bay giống tàu ngầm, có tấm che nắng, một mảnh báo dán vào kính chắn gió, ghế ngồi có màng và khung kim loại giống như ghế nằm trên bãi cỏ, sàn làm bằng kim loại chống móp. Chúng tôi đi qua trang trại nằm trên đỉnh núi dốc với những sườn núi màu xám, nhìn từ xa chỉ bé như một cái tem màu xanh trên lá thư.
Từ Simra, chúng tôi bắt xe jeep đến Birgunj và trải qua một đêm không ngon giấc trong khách sạn ở Gogolian. Đèn phòng tắm kêu vang ngay cả khi đã được tắt, tôi đứng bối rối trước một bảng điều khiển chằng chịt những công tắc dường như không thể điều khiển nổi những bóng đèn.
Sáng hôm sau, chúng tôi đến gặp cậu bé. Chúng tôi quay trở lại Simra bằng xe tải nhỏ và sau đó xa hơn, tới vòng xoáy của sự nghèo đói. Những cô gái đi ra từ rừng sâu với quang gánh chứa đầy lá rừng trên lưng để nuôi gia súc. Một người phụ nữ khác đang lấy nước ở cái ao bùn phía ở phía xa, những người đàn ông đang mài giũa kim loại vào với nhau, những đứa trẻ và đàn chó bẩn thỉu đang túm tụm quanh bãi rác...
Nepal hiện nay đã phát triển hơn nhờ du lịch. (Ảnh: Sagawa)
Sau một vài giờ, chúng tôi tiến vào một khu vực rải sỏi với biểu ngữ chào mừng màu đỏ. Trên một tấm biển quảng cáo lớn - biển quảng cáo duy nhất mà tôi nhìn thấy trong suốt buổi sáng - người ta khuyên các cặp vợ chồng trẻ làm chuyện ấy an toàn.
"Chúng ta tới nơi rồi phải không?", tôi hỏi. “Đến nơi rồi!”, Subel đáp.
Chỉ một chút nữa thôi
Rừng ở đây rậm rạp hơn, con đường lòng sông đã cạn khô mất hút đần vào rừng sâu. Cuối cùng, chúng tôi đến một loại gian hàng nhỏ thô sơ làm bằng gỗ. Những tấm bưu thiếp có chủ đề về "cậu bé Phật", những bức ảnh được đóng khung, những tờ rơi được rao bán cùng với hoa và khăn quàng cổ để làm lễ vật.
Chúng tôi rời khỏi xe và đi dọc theo một con đường đất. Rác thải của người hành hương xếp đầy các rãnh ở hai bên. Ở trên chiếc bàn ọp ẹp dựng bên đường là một chiếc ti vi cũ kỹ đang chiếu phim Bollywood.
Xa hơn một dặm nữa, chúng tôi đi bộ trên một con đường hẹp với dấu mòn của hàng vạn bàn chân khách hành hương. Con đường đi qua rễ của một cây pơ mu lớn treo những bức ảnh của cậu bé. Đi thêm 1/4 dặm nữa, chúng tôi đứng trước một tấm biển treo trên cây bằng tiếng Nepal, yêu cầu giữ yên lặng và cấm chụp ảnh với đèn flash, nhất là chụp ảnh cậu bé đang ngồi thiền. Ở phía ngoài tấm biển, 7 - 8 người hành hương mới đến nơi đang đứng trước cổng có hàng rào thép gai, cố gắng nhìn ngắm cậu bé trong khi nhét những tờ tiền nhỏ vào thùng quyên góp bằng gỗ gắn trên hàng rào.
Mặc dù tôi không thể nhìn thấy cậu ấy từ đây, nhưng cậu ấy đang ở đó, cách tôi chỉ 150 m, trong bụi cây phía trước. Tôi bước qua những người hành hương, đến bên hàng rào và nhìn vào bên trong.
Cư dân mạng đồn rằng, vào ban đêm, một tấm màn sẽ được kéo xung quanh cậu bé, có lẽ người ta cho rằng cậu bé ăn bằng cách đó. Tôi khá tò mò và muốn xem thử bức màn kéo phía sau được treo ra từ đâu. Từ cái cây? Hoặc có thể họ đã đục một căn phòng bên trong thân cây để theo dõi màn trình diễn của cậu bé và lén đưa thức ăn cho cậu ta vào ban đêm?
(Còn tiếp) - Theo Tạp chí GQ