Theo trang Deseret News, cách đây 20 năm, các chuyên gia khảo cổ đã tìm thấy một khối đá kỳ lạ ở vườn quốc gia Arches ở bang Utah, Mỹ. Sau khi kiểm tra, họ cho biết tảng đá thuộc hệ tầng núi Cedar. Bất ngờ hơn, bên trong nó đang "phong ấn" khoảng 20 con "quái thú" khác nhau.
Mặc dù, phát hiện này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của giới khoa học nhưng sau đó các nghiên cứu đã không được tiến hành vì thiếu kinh phí. Giáo sư James Kirkland, nhà cổ sinh vật học bang Utah chia sẻ với AP: "Mọi người đều nghĩ rằng ai đó đang chi trả cho việc nghiên cứu này. Nhưng cuối cùng, chẳng có ai chi trả cho nó cả."
Năm 2013, các nhà khoa học và tình nguyện viên đã phủ một lớp thạch cao và vải bố bảo vệ lên khối đá nặng 9 tấn này. (Ảnh: Deseret News)
Năm 2013, các nhà khoa học và tình nguyện viên đã phủ một lớp thạch cao và vải bố bảo vệ lên khối đá nặng 9 tấn này, sau đó vận chuyển nó đến Wasatch Front để nghiên cứu. Hơn một thập kỷ trôi qua, khối đá hiện đang được lưu giữ trong một nhà để xe của bang ở Salt Lake City. Scott Madsen, chuyên gia phục chế hóa thạch, người đã dành nhiều năm để khoan, chạm khắc và làm sạch bề mặt khối đá, cho biết: "Nó chỉ đơn giản là có vô số xương 'quái thú' bên trong. Một tập hợp xương tuyệt vời."
Những cuộc nghiên cứu tỉ mỉ gần đây cho thấy nó vô cùng giá trị. Bên trong khối đá là hóa thạch xương của rất nhiều con khủng long. Giáo sư Kirkland gần như chắc chắn rằng đó là một đàn bò sát thuộc loài được đặt tên theo nơi phát hiện ra chúng - Utahraptor.
Utahraptor là loài săn mồi hung dữ kỷ Phấn trắng, chúng có kích cỡ trung bình, tương tự như loài khủng long đã từng xuất hiện trong bộ phim "Công viên kỷ Jura" của Steven Spielberg. Các nhà địa chất kết luận rằng khối đá chứa đầy xương này ban đầu là một vũng cát lún bị hóa thạch có niên đại khoảng 136 triệu năm.
Nhà cổ sinh vật học James L. Kirkland và bàn chân được tái tạo của loài khủng long Utahraptor. (Ảnh: Deseret News)
Nhóm chuyên gia cho rằng một con khủng long ăn cỏ nào đó đã bị mắc kẹt trong cát lún, thu hút một đàn Utahraptor đến ăn thịt.
Madsen giải thích: "Điều xảy ra là, chúng cũng bị sa lầy và không thể thoát ra được. Cuối cùng, chúng chết, bị chôn vùi và biến mất trong lớp bùn lầy." Theo thời gian, cát lún cứng lại thành đá sa thạch, giữ nguyên hiện trạng của những bộ xương khủng long bên trong.
"Chúng tôi đã tìm thấy xương đùi, xương chày, một chiếc hàm dưới của những con Utahraptor. Ngoài ra còn có bốn bộ xương nhỏ xíu của khủng long con cùng một loài chưa từng biết, cỡ bằng con gà", Scott Madsen cho biết.
Ước mơ của Giáo sư Kirkland là có thể phục dựng đầy đủ bộ xương của loài Utahraptor ở mọi lứa tuổi và kích thước, sau đó trưng bày chúng tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Utah và có thể là tại Công viên Bang Utahraptor trong tương lai. Ông tin rằng "khối đá này sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu nhiều thế hệ tiếp theo những kiến thức khoa học mới mẻ và hữu ích."
Tuy nhiên, nguồn ngân sách của Cục Khảo sát Địa chất Utah không đủ để chi trả cho công tác phục chế hóa thạch. Cho đến nay, phần lớn kinh phí đến từ những người đam mê khủng long và cổ sinh vật học ngoài bang Utah. Học sinh ở Utah và nhiều nơi khác cũng đóng góp một khoản tiền đáng kể.
Mới đây, một cặp vợ chồng đã nghỉ hưu ở Pennsylvania, những người trước đó đã quyên góp 50.000 USD, tiếp tục đề nghị hỗ trợ thêm 50.000 USD và kêu gọi các nhà hảo tâm khác chung tay. Nếu không thể huy động đủ số tiền cần thiết, bí mật 136 triệu năm tuổi của khối đá khổng lồ có thể sẽ không bao giờ được hé lộ.
Nguồn: Deseret News, AP