Quan Âm Các hay còn có cái tên khác là đền Long Bàn, là ngôi chùa tọa lạc giữa đoạn sông Trường Giang chảy qua thành phố Ngạc Châu ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Đây được xem là một trong những công trình vững chắc nhất ở Trung Quốc khi vẫn trụ vững giữa dòng nước chảy xiết của con sông dài nhất đất nước tỷ dân suốt hơn 700 năm qua.
Theo ghi chép, tiền thân của Quan Âm Các là một ngôi chùa thờ Bồ Tát giữa lòng sông Trường Giang được xây dựng vào thời nhà Tống và được nâng cấp, tu sửa lần đầu tiên vào năm nhà Nguyên thứ 5 (1345).
Ngôi chùa từng bị phá hủy hoàn toàn vào năm Gia Tĩnh thứ sáu của nhà Minh (1527), sau đó được huyện lệnh Hứa Sắc Khanh xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có thêm đình Quan Âm và lầu Thuần Dương. Ngôi chùa một lần nữa được tu sửa và gia cố vào năm Đồng Trị thứ 3 của nhà Thanh (1864) và tồn tại cho tới ngày nay.
Ngôi chùa có chiều dài 24 m, chiều rộng 10 m và chiều cao 14 m, gồm 2 tầng chính với nhiều cửa nhỏ được sơn màu trắng và phần mái ngói phủ rêu phong.
Bà Hoàng Tuyết Cầm, chuyên viên Phòng Quản lý Văn hóa của Bảo tàng Thành phố Ngạc Châu, cho biết Quan Âm Các được xây dựng trên một phần móng vững chắc, được gọi là khối đá Long Bàn. Bên cạnh đó, phía trước ngôi chùa có một bức tường rào hình vòng cung bảo vệ. Hình dáng vòng cung của bức tường sẽ điều tiết dòng chảy và làm giảm lực nước, giữ cho kiến trúc phía sau bức tường chịu một trọng lực nhỏ hơn rất nhiều.
Chính vì vậy mà hàng trăm năm qua, ngôi chùa vẫn đứng vững dù hứng chịu vô số trận đại hồng thủy. Đặc biệt phải kể đến trận đại hồng thủy năm 1998 hay năm 1954 trên sông Trường Giang, khoảng 30.000 người thiệt mạng. Kinh khủng hơn còn có những trận ngập lụt kỷ lục diễn ra năm 1911 cướp đi sinh mạng của khoảng 100.000 người.
Khi nước lũ ập đến, ngôi chùa sẽ bị nước tràn vào, chỉ còn lại những ô cửa sổ cao tầng lộ ra bên ngoài. Chỉ đến khi mùa khô, mực nước sông thấp thì toàn bộ ngôi chùa lại hiện ra và đứng sừng sững giữa lòng sông.
Năm 2006, Quán Âm Các được công bố là di sản văn hóa trọng điểm quốc gia Trung Quốc. Tuy nhiên, vì vị trí đặc thù nên Quan Âm Các không mở cửa đón khách tham quan. Dù vậy, nhiều người tìm đến tận nơi để chiêm ngưỡng công trình độc đáo này.