Bị buộc tội bạo lực gia đình vì ép chồng làm "chuyện ấy" khi đang ngủ

Người vợ bị cho là tiếp cận chồng khi ông này đang ngủ trên ghế bành vào sáng sớm.

Bà Anastacia Tasch, 44 tuổi, bị buộc tội bạo lực gia đình - tờ NZ Herald dẫn báo cáo của cảnh sát cho hay.

Bị buộc tội bạo lực gia đình vì ép chồng làm "chuyện ấy" khi đang ngủ - 1

Theo báo cáo, bà Tasch bị cho là tiếp cận chồng khi ông này đang ngủ trên ghế bành vào sáng sớm. Báo cáo cho biết, "không có sự khiêu khích hay cho phép", bà Tasch dùng tay tóm "của quý" của chồng và siết mạnh đến mức ông này ngã xuống sàn và thét lên trong đau đớn. Người chồng được cho là khó đi lại một lúc lâu.

Ông chồng gọi cảnh sát đến nhà của hai người ở Tampa và bà vợ sau đó đã thừa nhận đã hành động khi chồng chưa cho phép. Người vợ nói bà không cố ý gây bạo lực.

Người vợ bị bắt và bị phạt 1.500 USD, sau đó được thả.

Khi nam giới là nạn nhân của bạo lực gia đình

Chuyên gia về giới và phát triển ThS. Ngô Hà nhận định trên truyền thông: "Các số liệu thống kê ở trên thế giới và Việt Nam chỉ ra rằng, nữ giới bị bạo lực hơn so với nam giới, nhưng không có nghĩa rằng nam giới ở Việt Nam không bị bạo lực trên cơ sở giới...".

Một người đàn ông cảm thấy mình bị tổn hại về thể chất, tinh thần do những hành vi, thái độ và lời nói mà người khác gây ra thì được gọi là nạn nhân của bạo lực. Người gây ra bạo lực có thể bất kỳ ai ở trong gia đình.

Cũng như phụ nữ, nam giới có thể bị bạo lực ở các dạng như quấy rối tình dục trực tiếp hoặc qua tin nhắn điện thoại, email, facebook hay bị lăng mạ, đánh đập. Trong gia đình, phụ nữ là người hay gây ra bạo hành nhưng không giống đàn ông. Họ ít khi bạo hành trên cơ thể chồng mà thường bạo hành tinh thần.

Bị buộc tội bạo lực gia đình vì ép chồng làm "chuyện ấy" khi đang ngủ - 2

Nhiều nạn nhân của bạo lực trong gia đình, xã hội không nhận ra mình bị bạo lực hay thậm chí nhận ra nhưng lại câm nín, chấp nhận, chịu đựng và sống trong thời gian dài. Ảnh minh hoạ

Ai cũng có thể là nạn nhân

Một người đàn ông họ Li (sống tại TP.Bắc Hải, khu tự trị Choang Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc) đã nộp đơn thỉnh cầu cơ quan chức năng ban hành lệnh bảo vệ ông khỏi hành vi bạo lực thể xác do người vợ họ Bai gây ra.

Theo đơn, ông khá lo lắng cho sự an toàn của bản thân vì đã bị vợ bạo hành trong một thời gian dài. Từ lúc kết hôn năm 1997, cặp đôi đã có mối quan hệ không tốt đẹp. Suốt hai thập niên qua, ông Li bị vợ tấn công liên tục, ngoài ra bà còn theo dõi và quấy rối, thậm chí ông chồng này đã từng bị vợ cắn.

Không thể chịu đựng nổi nữa, người đàn ông 49 tuổi quyết định làm đơn tố cáo sự việc với cảnh sát địa phương. Sau khi thu thập các bằng chứng, cảnh sát đã đề nghị ông cần thêm sự can thiệp hỗ trợ từ các cơ quan tư pháp. Lập tức tòa đã ra phán quyết áp dụng các biện pháp bảo vệ ngay trong ngày ông Li nộp đơn.

Tin tức vụ việc được đưa lên Weibo đã khơi mào cho cuộc tranh luận về bạo lực gia đình, đặc biệt là quyền của các nạn nhân nam, điều hiếm khi được bàn luận ở Trung Quốc.

Một người dùng mạng xã hội tự xưng là giáo viên viết: "Tôi rất ủng hộ việc thành lập một ủy ban bảo vệ quyền hợp pháp của những người đàn ông đã kết hôn".

Tuy nhiên, một số người khác lại tìm cách đổ lỗi cho nam nạn nhân bằng các định kiến về vai trò giới.

Bị buộc tội bạo lực gia đình vì ép chồng làm "chuyện ấy" khi đang ngủ - 3

Người đàn ông bị bạo hành gia đình bị tổn thương tâm lý nặng nề hơn phụ nữ do các định kiến xã hội đặt lên họ. Ảnh minh hoạ

Một luật sư có trụ sở tại Quảng Châu nói rằng các nạn nhân là nam giới thường tự che giấu vấn đề của mình do quan niệm cổ hủ của xã hội về bạo lực gia đình và giới.

"Tỷ lệ bạo hành gia đình do phụ nữ gây ra ít hơn so với nam giới, nhưng điều đó không có nghĩa là không tồn tại nạn nhân nam. Xã hội chúng ta rất dễ nghiêng về sự sai trái của đàn ông khi có bạo lực gia đình, ngay cả khi anh ta là nạn nhân. Tuy nhiên, bất luận nạn nhân là nam hay nữ, thì tình trạng bạo lực gia đình phải bị ngăn chặn và trừng phạt", vị luật sư này nói.

Elizabeth Bates - nhà nghiên cứu tại Đại học Cumbria (Anh) cho biết, xã hội không thừa nhận rằng cũng có những người đàn ông dễ bị tổn thương, những người đàn ông là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Cô chia sẻ: "Chuyện đàn ông bị bạo lực đôi khi được miêu tả trên TV hoặc trong các chương trình hài, với bối cảnh hài hước. Chúng ta có thể cười nhạo bạo lực của phụ nữ với nam giới, và điều này vô tình ngăn cản nam giới tìm kiếm sự giúp đỡ, xuất phát từ nỗi sợ rằng không ai tin họ".

Nghiên cứu của Bates cho thấy, do cách nhìn nhận của xã hội, nam giới khó coi mình là nạn nhân của bạo lực gia đình. Trên thực tế, điều này có thể khiến các nạn nhân nam phải trả một cái giá rất lớn: "Tất cả các nạn nhân đều mô tả các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần lâu dài do bạo lực mà họ đã phải gánh chịu", Bates giải thích.