Bi hài ly thân: chồng kinh doanh với bồ, lúc nợ nần lại đòi vợ

Đó là nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra khi hai vợ chồng ly thân trong thời gian qua mà chuyên gia tâm lý đã tiếp nhận tư vấn.

Bi hài ly thân: chồng kinh doanh với bồ, lúc nợ nần lại đòi vợ - 1

Không ít chị em phụ nữ khi mâu thuẫn vợ chồng xảy ra đã bế con bỏ đi, hoặc bị đuổi ra khỏi nhà chồng, đã chịu thiệt thòi lớn khi phải tự mình vất vả kiếm tiền nuôi con mà người chồng không hề có trách nhiệm cấp dưỡng trong thời gian dài.

Có những bà vợ cũng muốn đòi tiền khi chồng trốn tránh trách nhiệm nuôi con, nhưng khi họ nhờ cơ quan, đoàn thể, ngay cả luật sư để tư vấn trong những trường hợp này thì các luật sư cũng khó xử, bởi luật đâu có quy định trách nhiệm cấp dưỡng trong thời gian ly thân?

Đó là chưa kể nhiều người đã tìm cách tẩu tán, hợp thức hóa tài sản chung thành tài sản riêng, hoặc cố tình vay mượn để bắt người kia phải chung trách nhiệm trả nợ…

Cũng trong giai đoạn này rất nhiều trường hợp, một bên có quan hệ tình cảm với người khác và chuyển đến ở cùng người mới khi vợ chồng ly thân thì có được phép không cũng cần phải có luật định. Có trường hợp đi góp vốn làm ăn với người thứ ba nhưng sau đó thua lỗ, nợ nần, dẫn đến người vợ/chồng hợp pháp bị buộc trách nhiệm cùng trả nợ vì giữa vợ chồng chưa có thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ ly thân.

Cũng trong thời kỳ này, do quan hệ hôn nhân không còn bền chặt, mà tình trạng một trong hai vợ/chồng đau ốm, hoạn nạn bị người kia lơ là trách nhiệm, dẫn đến mâu thuẫn, xô xát giữa họ hàng hai bên cũng không ít.

Đặc biệt, con cái bị ảnh hưởng nhiều vì ly thân vẫn đang là thời kỳ hôn nhân, song do không cùng chung sống, nên ai là người có trách nhiệm nuôi dưỡng con cái cũng phát sinh nhiều mâu thuẫn. Không ít đứa trẻ bị "đá bóng" trách nhiệm nuôi dưỡng, dẫn đến buồn chán, bỏ bê học hành, sa vào tệ nạn xã hội, hoặc phạm pháp.

Đó là nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra khi hai vợ chồng ly thân trong thời gian qua mà tôi đã tiếp nhận tư vấn. 

Khi hôn nhân có mâu thuẫn xảy ra thì vợ, chồng có quyền lựa chọn phương thức giải quyết mâu thuẫn một cách tốt nhất, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Đó là thông qua hòa giải để đoàn tụ, hoặc ly hôn.

Pháp luật nhiều nước đã quy định ly thân là quyền của vợ, chồng lựa chọn phương thức giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân. Điều đó tạo căn cứ pháp lý cho các quan hệ tài sản, nhân thân, con cái trong giai đoạn quan hệ hôn nhân nhạy cảm này.

Còn ở Việt Nam, mặc dù chưa được quy định trong luật nhưng trong thực tế tư vấn chúng tôi thường gặp vấn đề ly thân diễn ra nhiều khi khá phức tạp. Đặc biệt, với những cặp vợ chồng theo Công giáo, với giáo lý "những gì Chúa đã tác hợp thì người đời không có quyền sửa đổi" nên họ không ly hôn, mà khi mâu thuẫn xảy ra, thường chấp nhận ly thân, thậm chí là sống ly thân đến hết đời. 

Phải chăng ta nên luật hóa chế định ly thân để có cơ sở pháp lý giải quyết những rắc rối  trong thực tế?

Có khá nhiều lý do mà nhiều cặp vợ chồng tuy xác định không thể hàn gắn, nhưng vẫn không muốn ly hôn mà chọn cách ly thân vì họ ngại mang điều tiếng bị vợ bỏ, chồng bỏ, ảnh hưởng đến uy tín gia đình, ảnh hưởng đến công việc, ảnh hưởng việc kết hôn của con cái, khó khăn trong chia tài sản chung… 

Bi hài ly thân: chồng kinh doanh với bồ, lúc nợ nần lại đòi vợ - 2

Nhiều đứa trẻ bị "đá bóng" trách nhiệm trong giai đoạn cha mẹ ly thân. (Ảnh minh họa)

Đôi khi có trường hợp không thể cứu vãn quan hệ hôn nhân, nhưng khi biết người kia có hạnh phúc mới thì có tâm lý "phá đám, trả thù". Khi ra Tòa, những người này viện cớ tuy vợ chồng không sống cùng một nơi, nhưng quan hệ hôn nhân của họ vẫn đang bình thường, mâu thuẫn chưa trầm trọng và họ không đồng ý ly hôn để ngăn cản người kia không được phép kết hôn với người khác và kéo dài tình trạng này vô thời hạn.

Trong khi những cặp vợ chồng này chỉ tồn tại trên danh nghĩa pháp lý, còn cả về tình cảm, lẫn tài sản đều đã rạch ròi.

Thực ra ly thân được hiểu là vợ chồng không cùng chung sống, không có quan hệ tình cảm, không thiết lập khối tài sản chung với nhau nên khi xét xử, nhiều thẩm phán vẫn xem xét đến tình trạng ly thân như là một trong những cơ sở cho thấy mâu thuẫn vợ chồng đã kéo dài, không thể hàn gắn để cho họ ly hôn. Nhưng vì không được luật quy định nên ngay cả việc xác định một cặp vợ chồng đang trong tình trạng ly thân hay không cũng không dễ dàng.

Ly thân là khoảng thời gian cần thiết để các cặp vợ chồng đang mâu thuẫn nhìn nhận lại mối quan hệ từ đó cân nhắc có thể tiếp tục chung sống, hay quyết định ly hôn. Do đó, Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi cần bổ sung chế định ly thân với tư cách là một quyền của các cặp vợ chồng, chứ luật không khuyến khích cứ xảy ra mâu thuẫn vợ chồng là ly thân. 

Tuy nhiên, luật cần quy định, kể từ thời điểm ly thân, hai bên có quyền xác lập tài sản riêng để hạn chế các tranh chấp phức tạp nảy sinh sau đó. Với những cặp vợ chồng xảy ra mâu thuẫn trầm trọng, một bên cố tình níu giữ quan hệ hôn nhân bằng cách ly thân để ngăn cản người kia tìm hạnh phúc mới thì đây cũng là một trong các căn cứ để Tòa án xem xét cho ly hôn dù không có sự thuận tình.