Cô Tiểu Phương sống ở Trung Quốc quyết định ly hôn chồng vì anh ta nghiện cờ bạc, rượu chè, thường xuyên bạo hành cô. Từ đó, Tiểu Phương mang theo vết thương lòng làm lụng nuôi hai con. Nhưng vì quá yêu thương và lo lắng cho con trai, Tiểu Phương còn ngủ cùng phòng với con.
Về chuyện này, con trai Tiểu Phương đã từng thẳng thắn nói với mẹ "như vậy không tốt", "sẽ có ngày mẹ phải để con rời đi". Sau này, con trai vì quá ngột ngạt bởi tình yêu thương quá mức của mẹ, anh quyết định dọn ra khỏi nhà và sống cùng bạn gái.
Cho rằng mình khổ công nuôi nấng con trai nay lại bị con bỏ rơi, Tiểu Phương rất đau đớn, cô cho rằng con trai mình đã bị bạn gái kiểm soát toàn bộ.
Vào tối ngày xảy ra sự việc, con trai đưa cô Tiểu Phương ra ngoài chơi cùng bạn gái nhưng không báo trước. Hai người vì thế mà cãi nhau. Ngay cả lúc ăn cơm, con trai bà cũng phải được bạn gái đồng ý mới bắt đầu ăn.
Điều này khiến Tiểu Phương vô cùng tức giận, cầm dao lên đâm vào bụng con trai và tuyên bố: "Mẹ con ta cùng chết đi, di thư mẹ cũng viết xong rồi!"
Đến khi bình tĩnh lại, Tiểu Phương phát hiện con trai mình đã mất rất nhiều máu. Cô nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa con đến bệnh viện, may mắn thay người con trai qua được cơn nguy kịch và hồi phục dần. Song, cô Tiểu Phương cũng bị bắt ngay sau đó.
Tại phiên tòa xét xử, cô Tiểu Phương nghẹn ngào nói rằng, lúc đó chỉ muốn dạy dỗ con trai một chút nhưng không khống chế được cảm xúc, vì vậy gây ra bi kịch.
Con cái mong được cha mẹ yêu thương và tôn trọng
Yêu thương con là bản năng, nhưng nuôi dạy con là cả một nghệ thuật. Có thể vì quá thương nên cha mẹ tự cho mình quyền quyết định, quyền sở hữu đối với con cái.
Dẫu biết rằng cha mẹ luôn lo lắng và mong những điều tốt đẹp nhất đến với con của mình song các bậc phụ huynh nên lắng nghe tâm sự của con. Việc dẫn đường chỉ lối một cách áp đặt chỉ khiến con cái bức xúc, khó chịu và có suy nghĩ muốn thoát khỏi cha mẹ.
Hãy nhớ, cha mẹ quyết định thay con càng nhiều, con sẽ học được càng ít, càng trở nên thiếu quyết đoán, thiếu bản lĩnh trong cuộc sống. Trong khi đó, cha mẹ không thể sống đời, ở kiếp cùng con cái.
Ảnh minh họa
Cha mẹ nào cũng mong con mình được hạnh phúc. Nhưng chuẩn hạnh phúc của người này lại rất khác so với người kia. Mặc dù con do mình sinh ra, mỗi người lại là những cá thể rất riêng, đặc biệt về nhân sinh quan, nhu cầu, hứng thú, xu hướng, động cơ. Cha mẹ chỉ nên giữ vai trò định hướng, quyền quyết định tương lai, cuộc đời, đi đường nào để đến hạnh phúc phải do chính con tự vạch ra và nắm lấy.
Đối với những mối quan hệ riêng tư của con, cha mẹ nên thăm dò, đặt ra nhiều câu hỏi, tình huống để lắng nghe, quan sát xem cách con ứng xử, để từ đó, thấu hiểu, đồng cảm, cùng phân tích và cho con quyền tự quyết trong cuộc sống tình cảm, gia đình, không nên lấy thước đo, áp dụng cái chuẩn của mình để áp đặt lên con cái.
Việc tôn trọng con cái đúng cách không hề khó nhưng yêu cầu các bậc phụ huynh phải kiên nhẫn và biết giữ cái tôi của mình ở mức thấp nhất. Chẳng gì tệ hơn hai cái tôi quá lớn đi kèm với hai ý kiến trái ngược nhau. Nhiều bố mẹ nghĩ rằng "Mình sinh ra con, con làm gì cũng phải theo ý mình. Sai là cấm thôi, sao phải giải thích?" – Điều này rất phản khoa học. Dẫu biết bạn muốn tốt cho con nhưng việc quan tâm không đúng cách sẽ đem lại phản ứng ngược, mối quan hệ của cha mẹ và con cái đột nhiên căng thẳng, rạn nứt.