Sự việc hy hữu xảy ra tại một khu dân cư thuộc thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Bà Trần tố cáo một nhân viên dọn vệ sinh trong khu dân cư ăn trộm tấm ván giường bằng gỗ quý nhà mình, đòi bồi thường 170 nghìn nhân dân tệ (gần 584 triệu đồng). Bà đặt món đồ này ở đường đi, nữ lao công không hỏi han gì đã lấy đi.
Theo bà Trần, tấm ván giường bằng gỗ quý đó vốn là quà cưới của hai vợ chồng bà, trị giá 150 nghìn nhân dân tệ (khoảng 515 triệu đồng). Nó đã được sử dụng gần 30 năm, có ý nghĩa đặc biệt vì đã cùng hai vợ chồng bà trải qua đủ đắng cay ngọt bùi của cuộc sống.
Nơi tấm ván giường - quà cưới của bà Trần - được hong khô.
Lý giải việc đặt món quà cưới quan trọng như vậy ở lối đi, bà Trần cho biết, trước khi qua đời vào năm 2019, chồng bà đã trải qua những ngày cuối cùng trên tấm ván giường này. Mỗi lần nhìn thấy nó, bà lại nhớ đến ông. Khi phân loại những di vật của chồng, bà đã cọ rửa tấm ván giường và đặt nó ở lối đi để phơi cho khô trước khi đem cất. Nào ngờ, ngoảnh đi ngoảnh lại, bà thấy tấm ván giường kỷ niệm đã biến mất.
Qua camera giám sát, bà Trần phát hiện nữ lao công trong khu dân cư đã lấy tấm ván giường, liền tìm đến người này thông qua công ty quản lý tài sản, khẳng định chỉ cần được trả lại món đồ ấy thì sẽ coi như không có chuyện gì. Tuy nhiên, tấm ván giường đã bị nữ lao công bán đi như một thứ phế liệu với giá 25 nhân dân tệ (gần 90.000 đồng). Sau đó, nó đã được tái chế, bán qua tay nhiều mối phế liệu nên không lấy lại được nữa.
Quá tức giận vì mất đi món quà cưới đong đầy kỷ niệm, bà Trần đâm đơn kiện nữ lao công, yêu cầu "đền" tấm ván giường và thêm 20 nghìn nhân dân tệ tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần, tổng cộng là 170 nghìn nhân dân tệ (gần 584 triệu đồng).
Cô lao công cũng bức xúc không kém. Người phụ nữ này cho biết, công việc của cô là giữ môi trường trong khu dân cư được sạch sẽ. Trên tấm ván giường nói trên không có thông tin liên quan nào, không có giấy nhắn cho biết đây là tài sản của ai. Do đó, việc cô coi nó là rác thải và dọn dẹp là rất bình thường.
Trong phiên xét xử mới đây, tòa án cho rằng nữ lao công không vi phạm quy định và đã hoàn thành nghĩa vụ dọn dẹp trong phạm vi kinh nghiệm nghề nghiệp của mình. Vì vậy, cô không có trách nhiệm bồi thường cho bà Trần.
Nguồn: Soha