Bí mật của phượt thủ "xe cà tàng"

Trở về Việt Nam sau hành trình 3 năm qua 6 châu lục trên chiếc xe máy cũ, câu chuyện của Trần Đặng Đăng Khoa đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới cộng đồng. Còn với Khoa, từ khóa truyền tinh thần và sức mạnh cho anh là “em” xe Memo, Gia đình và Thế giới.

Bí mật của phượt thủ "xe cà tàng" - 1

Trước Khoa đã có nhiều người trên thế giới đi vòng quanh trái đất bằng xe máy, xe đạp nhưng trên một chiếc xe máy rẻ tiền cũ kỹ thì hình như chưa có ai. Độc hành  80.000 cây số, qua 65 quốc gia trong 1.111 ngày mà vừa di chuyển vừa kiếm tiền giúp gia đình có lẽ chỉ có Khoa.

Hiệu ứng từ chiếc xe cà tàng

Quê Khoa ở Đồng bằng Sông Cửu Long, chiếc xe máy có tiếng nổ tành tạch như xuồng máy nên anh gọi nó là Mê Kông motor boat (Xuồng máy Mê Kông), đọc tắt là Memo, Khoa giải thích về tên gọi chiếc xe từng gắn bó với anh hơn 10 năm. Nó cũng là “bùa hộ mệnh” cho anh trong cả chuyến du hành đình đám vừa qua.

Việc xin giấy thông hành cho Memo không ít lần còn phức tạp hơn xin visa cho Khoa nhập cảnh vào các nước. Thế nhưng ở nhiều nước, chiếc xe bụi bặm lại giúp chủ nhân dễ dàng nhận được con dấu thị thực của cảnh sát cửa khẩu.

Ở mọi điểm đến, Memo đều được lên sóng check- in. Khoa có bao nhiêu fan hâm mộ thì Memo cũng có ngần đó fan. Chuyến đi của anh có lúc trở thành “du lịch mạo hiểm” vì chất lượng khiêm tốn của xe. Trước khi khởi hành, Khoa từng học một khóa sửa xe nhưng dọc đường đi nhiều lần anh phải gọi về quê nhờ bạn hướng dẫn khắc phục những hỏng hóc lặt vặt.

Ở Hà Lan, một nhóm thợ đã sửa xe miễn phí vì cảm kích với hành trình “liều lĩnh” của Khoa. Ở Mỹ, một cựu quân nhân gặp Khoa bên chiếc xe hỏng đã đưa cả hai về nhà ông trú tạm. Hôm sau ông lại đưa chiếc xe vượt cả trăm cây số đến xưởng sửa chữa. Rất nhiều người ái ngại nhìn chiếc xe khi biết về cung đường Khoa sắp phải trải qua.

“Tôi có thể bỏ Memo giữa chừng, mua xe mới nhưng tôi không làm thế. Tôi muốn cùng nó hoàn thành ước mơ vòng quanh thế giới, đến những nơi mà chỉ từng được thấy qua phim ảnh”.

Ngoài ra, bỏ Memo sẽ bị coi là bỏ cuộc. Tại Mozambique trong tháng 4, chuyến đi bị gián đoạn vì dịch Covid 19, Khoa phải gửi Memo qua đường biển, bản thân thì về Việt Nam bằng đường hàng không. Phí dịch vụ vận chuyển lên đến 5.000 USD là quá đắt, thế nhưng anh vẫn gửi thay vì bỏ nó lại.

Đúng 2 tháng từ ngày trở về Việt Nam, giữa tháng 8, Đăng Khoa mới đón được chiếc xe từ container cập cảng Cát Lái. Anh dự định sau đây sẽ lau chùi gỉ sét (vì hấp hơi muối biển) cho em nó rồi đóng vào tủ kính ngắm chơi. Khoa từng coi Meno như bạn thân, người yêu, thú cưng bởi thực ra, có thể Khoa không biết mà cũng có thể biết rằng Memo có nhiều điểm giống Khoa - vóc dáng khiêm tốn, ngầu, lì, dễ thương.

Xuất phát từ Cửa khẩu Mộc Bài (biên giới với Campuchia) vào ngày 1/6/2017 trong vòng 4 tháng đi qua nhiều nước tại châu Á, Khoa có khoảng 40 ngàn người theo dõi. Ngày 28/10/2017 sau dòng trạng thái và bức ảnh Khoa mặc áo dài Việt Nam cùng Memo đứng ở chân tháp Eiffel (Paris), lượng người theo dõi vụt tăng lên 160 ngàn. Rất nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng bấm like và chia sẻ.

Liều lĩnh và đảm đang

Hồi mới khởi hành, nhiều người cho rằng, chuyến đi của Khoa là không tưởng. Một số nhãn hàng từ chối hợp tác. Khoa rời Việt Nam chỉ với 25 triệu VNĐ. “Tôi để lại gần hết số tiền mình có cho ba mẹ để lo cho em trai học đại học. Chuyến đi của Khoa trở nên hấp dẫn hơn bởi chiếc xe quá cũ và áp lực tự kiếm tiến nuôi hành trình".

So sánh có thể hơi khập khiễng nhưng mức độ đảm đang của Khoa giống như người phụ nữ xưa tham gia cuộc thi thổi cơm. Người dự thi thực hiện trong một vòng tròn đường kính 1,5m. Họ vừa thổi cơm vừa phải giữ một đứa trẻ chừng 7 - 8 tháng tuổi (không phải là con đẻ của họ) và canh chừng một con cóc không để nó nhảy ra khỏi vòng tròn. Họ tự róc mía, nhai lấy bã và vỏ mía để làm củi nấu cơm thật dẻo. Chiếc Memo cà tàng giống đứa trẻ có thể khóc bất cứ lúc nào.

Hợp đồng công việc viết quảng cáo sẽ tăng tỉ lệ thuận với dặm đường, số lượng quốc gia đã đi qua và lượt người theo dõi. Đến Paris là cột mốc quyết định giúp Khoa tăng thu nhập. Lúc đó, vài nhãn hàng thờ ơ ban đầu liên hệ tìm lại Khoa nhưng “vị thế của tôi lúc này đã khác rồi”.

Hầu như mỗi tuần, ngoài những bức ảnh thắng cảnh đẹp, độc, lạ khiến mọi người phải ghen tị, Khoa đều chia sẻ kinh nghiệm cụ thể về việc xin giấy tờ nhập cảnh cho người và xe, tối giản hành lý, mẹo di chuyển và tạm trú an toàn. Anh dành thời gian nhất định để giải đáp cụ thể thắc mắc của bạn bè trên trang cá nhân.

Có những chặng đường nguy hiểm đe dọa tính mạng như sạt lở núi và đạn lạc ở vùng tranh chấp. Trên màn hình chính điện thoại Khoa luôn có ý thức cài số điện báo tình trạng khẩn cấp của địa phương phòng trường hợp bất tỉnh.

Bí mật của phượt thủ "xe cà tàng" - 2

Khoa và chiếc xe máy cũ đến được Paris thì mọi người bình thường khác cũng có thể chạm đến ước mơ này ảnh: NVCC

Hỏi Khoa: "Nếu chuyến đi được lặp lại, bạn sẽ bổ sung vật dụng hay bí quyết gì không". “Tôi vẫn trang bị như lần đầu thôi. Điện thoại, túi ngủ, dao đa năng và chiếc khăn rằn “thần thánh”. Khăn vừa để quàng cho ấm cổ, vừa lau mồ hôi, khi cần buộc đồ cũng rất chắc”. Là cựu sinh viên Đại học kinh tế - luật, kiến thức về marketing và tiếng Anh giỏi giúp Khoa rất nhiều trong hoạch định hành trình.

Trái với nhiều dự đoán ban đầu Khoa là con nhà đại gia, có người cấp tiền cho đi phượt thế giới, thực tế thì “Tôi là lao động chính trong nhà. Thu nhập từ chuyến đi cao hơn lương văn phòng. Vừa đi tôi vừa gửi tiền về nhà đều như lúc trước đó”.

Bí mật của phượt thủ "xe cà tàng" - 3

Ở tuổi 33, Khoa có hai điều để tự hào. Gia đình và chuyến phiêu lưu. Mặt tối của chuyến đi dài ngày là bất lực khi nghe tin bố mẹ bị ốm nhưng vẫn phải tiếp tục đi. 

Lúc này, Phượt thủ 8X đang bắt tay vào viết 1 cuốn sách, tuyển 1 sách ảnh, thu thập video thành bộ phim kể về chuyến đi. Toàn bộ tiền bán sách (dự kiến thu được 500 triệu) dùng để hỗ trợ trẻ em nghèo.

Sắp tới Khoa lên kế hoạch lấy vợ, sinh con, mua một căn chung cư. Chuyến đi tiếp theo sẽ vào khoảng 18-20 năm sau. “Lúc đó có thể tôi sẽ cùng vợ đi xe bán tải đến châu Âu hoặc thuyền buồm ghé thăm các bến cảng của thế giới”. 

“Bạn cứ đi đi để thấy cuộc đời. Lúc nhắm mắt xuôi tay mới biết đúng hay sai. Không có chân lý chôn chặt nào đâu. Không có gì trường tồn, bất di bất dịch đâu”. - Trần Đặng Đăng Khoa.