"Biến vợ thành người tình" tưởng không dễ hóa ra dễ... không tưởng

Có lẽ mơ ước cao nhất của tất cả các cặp vợ chồng trên thế gian này là mãi mãi là người tình của nhau. Nhưng điều đó có bao giờ thành hiện thực được không hay chỉ là ước mơ viển vông lãng mạn? Muốn trả lời câu hỏi đó, trước hết ta phải xem người tình khác với vợ chồng ở chỗ nào?

"Biến vợ thành người tình" tưởng không dễ hóa ra dễ... không tưởng - 1

Thông thường khi yêu nhau, mỗi kẻ tình nhân ở một nhà, mỗi tuần vài ba lần hò hẹn nên lúc nào cũng nhớ. Mỗi khi gặp nhau là những giây phút tuyệt vời. Một nụ hôn, một cử chỉ âu yếm, thậm chí hai bàn tay khẽ chạm nhau đã bao nhiêu ấm áp. Người này nói, người kia nghe, loáng một cái hết mấy tiếng đồng hồ để rồi lại chia tay, lại hò hẹn, lại mong chờ lần gặp tiếp theo.

Không có nỗi nhớ nào da diết bằng nỗi nhớ người yêu. Chẳng phải bao nhiêu tác phẩm âm nhạc, thi ca đều ca ngợi nỗi nhớ đó ư? Cho nên muốn vợ chồng thành người tình của nhau phải có một khoảng cách. Như hai cục nam châm muốn có một lực hút vào nhau phải cách nhau ra một chút.

Đôi vợ chồng hạnh phúc nhất nơi tôi ở, là một cặp vợ chồng mỗi tuần chỉ sống với nhau hai ngày. Nơi anh công tác cách nhà đội 50 cây số. Chị là giáo viên một trường phổ thông trung học ở Hà Nội. Hàng tuần, anh đi từ thứ hai đến thứ sáu mới về và chỉ ở nhà với vợ hai ngày nghỉ cuối tuần.

Hai buổi sáng đó, vợ chồng anh thường cặp kè đi ăn sáng, chiều lại cùng nhau đi dạo, có khi tối còn đưa nhau đi chơi, đi xem. Chẳng bao giờ thấy họ to tiếng. Chỉ nghe vợ chồng con cái cười đùa, có lúc cả nhà ngồi hát karaoke.

Thế rồi thứ hai, tơ mơ sáng vợ đã mở cửa lưu luyến tiễn chồng đi và chiều thứ sáu chị lại mua thức ăn xếp đầy tủ lạnh chuẩn bị đón chồng về. Cuộc sống vợ chồng như thế có khác nào đôi tình nhân?   

Hóa ra khoảng cách không làm người ta xa nhau mà lại gần nhau hơn. Có lẽ khái niệm khoảng cách trong tình yêu không nên hiểu chỉ là không gian có thể đo được bằng ki-lô-mét. Hay khoảng cách thời gian có thể đếm được bằng tháng, bằng ngày. Đó còn là khoảng cách tâm lý, cái khoảng cách tạo ra cho mỗi người cảm giác tự do để được là mình.

Nếu chúng ta, vợ chồng không định sống riêng mỗi người một nơi, thì ít ra cũng đừng xoá sạch mọi khoảng cách giữa hai người. Nghĩa là cần phải tạo ra một cự ly nào đó. Còn tạo ra như thế nào, đó là một nghệ thuật.

Còn gì là âm nhạc, nếu âm thanh cứ tuôn chảy không ngừng. Có một nốt mà nhạc sĩ nào cũng phải dùng, đó là nốt lặng. Chính cái nốt ấy là âm nhạc đấy. Nó sâu lắng hơn bất cứ âm thanh nào. Còn gì là hội hoạ nếu vẽ kín hết cả bức tranh? Những bức tranh thuỷ mặc cổ điển đến nay vẫn làm ngơ ngẩn người xem chính vì những khoảng trống của nó. Chỗ trống đó là hội hoạ đấy...          

Cho nên trong một cuộc sống vợ chồng nếu có cơ hội tách nhau ra vài ba ngày để cảm thấy thiếu nhau đừng ngại. Một cuộc du lịch ngắn ngày, mỗi người đi với bạn bè riêng của mình mà không đi cùng nhau cũng là một cơ hội tạo ra khoảng cách, khi về lại có chuyện kể nhau nghe. Thật sai lầm nếu nghĩ vợ chồng hạnh phúc là không bao giờ rời nhau nửa bước.

Tình yêu là một khái niệm trừu tượng, vô hình. Xa mà gần, gần mà xa. Trên đời không thiếu gì những đôi từng lên thác xuống ghềnh mới đến được với nhau nhưng khi chẳng còn gì ngăn trở nữa, ngọn lửa tình yêu lại tắt tự bao giờ. Nằm cách nhau có một gang tay mà không ai muốn động vào ai.

Cũng như quy luật xoay vần của tạo hoá, hết ngày đến đêm, hết mưa đến nắng, hết bão tố lại bình yên. Tình yêu hay tình vợ chồng cũng thế, muốn bền vững không thể đứng im bất động như hai cái cột đèn ghép chặt vào nhau. Nó phải luôn chuyển động, hết gần đến xa, hết xa lại gần. Nó phải đàn hồi như sợi dây cao su.

Thử hỏi, nếu có sợi dây cao su chẳng bao giờ giãn ra thì làm sao buộc chặt được cái gì? Phải chăng những đôi ngoại tình sở dĩ họ say mê nhau cũng vì mỗi người ở một nơi.

Nhiều năm làm tư vấn tôi rút ra những người chồng bỏ hẳn vợ con đi sống với nhân tình chỉ được dăm bữa nửa tháng tiền hết tình cạn là muốn quay về. Người vợ chẳng cần đi tìm mà chỉ còn mỗi việc tha thứ hay không?

Cũng có những bạn trẻ rủ nhau "sống thử" như vợ chồng nào ngờ trung bình chỉ độ nửa năm đã chia tay trong bẽ bàng tủi hổ..

Hóa ra muốn vợ chồng thành người tình của nhau là không thực tế. Nếu muốn thế đừng chung sống một nhà. Nghe như chuyện hài hước nhưng thống kê gần đây ở Anh quốc cho biết 22% các cặp vợ chồng người Anh đang sống mỗi người một nơi. Cũng có đôi vì hoàn cảnh công việc không ở chung nhà được. Mỗi tuần họ chỉ gặp nhau vài lần.

Lối sống đó đang tăng khá nhanh trong thập niên vừa qua và cứ theo tốc độ này thì không chừng có ngày các cặp vợ chồng đều thành "người tình" của nhau hết.

Ngày nay, liệu pháp tâm lý được các chuyên viên tư vấn hôn nhân gia đình thường hay sử dụng khi gặp một đôi vợ chồng cảm thấy nhàm chán muốn ly hôn là: Hãy tạm xa nhau một thời gian để tái tạo tình cảm.

Thực ra, đây không phải phát hiện mới mẻ gì, nếu chúng ta biết rằng ông cha bà ta đã đúc kết một trong những quy luật cơ bản của tình cảm thành chân lý rất đơn giản: "Xa thương, gần thường" từ lâu rồi.