Tôi lấy chồng về gia đình khá phức tạp. Mẹ chồng tôi mất từ khi chồng tôi mới lên 10. Trải qua hơn 1 năm "gà trống nuôi con", bố anh tái hôn với một người phụ nữ cũng đã từng có một đời chồng và có một đứa con gái riêng kém chồng tôi 2 tuổi. Sau đó không lâu, hai người sinh được một đứa con gái chung.
Vậy là cuộc hôn nhân "chắp vá" với "con anh, con tôi, con chúng ta" kéo dài suốt hơn 15 năm qua đã trải qua không biết bao nhiêu sóng gió. Trong câu chuyện mà chồng kể lại, tôi phần nào có thể cảm nhận được những ấm ức, thiệt thòi của anh khi phải sống với người mẹ kế mưu mô nhưng luôn ẩn sau vẻ "thảo mai" thương yêu con chồng.
Với lý do là anh cả trong nhà, lại là con trai nên chồng tôi phải đảm nhận mọi việc lớn bé theo sự sai bảo của mẹ kế. Thậm chí là nghỉ học đi làm sớm để phụ giúp gia đình và nhường việc đi học lại cho hai em.
Sau này khi đi làm kiếm ra tiền, mẹ kế thẳng thừng chìa trước mặt chồng tôi quyển sổ ghi chép lại toàn bộ chi phí nuôi chồng tôi trong những năm sống chung và yêu cầu anh phải giao nộp toàn bộ tiền lương để trả nợ. Khi nào trả nợ xong, hai em học hành đàng hoàng rồi mới được nghĩ đến chuyện lấy vợ.
Chồng tôi là người thẳng tính, ít nói. Anh không muốn mang ơn ai nên đồng ý với đề nghị của mẹ kế mà không hề nói cho bố biết. Hàng tháng, anh đều chuyển tiền đều đặn cho mẹ kế, bản thân chỉ giữ lại chút ít tiền để trả tiền phòng trọ và chi tiêu dè xẻn vài trăm nghìn mỗi tháng.
Thế nhưng lần nào về thăm bố, mẹ kế cũng "diễn kịch" nói chồng tôi đừng lao lực kiếm tiền vì gia đình quá mà không quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Bà ta còn nói không muốn việc học của hai em trở thành gánh nặng của anh cả, như thế là không công bằng với anh.
Nhìn rõ con người nham hiểm, sống hai mặt của mẹ kế, chồng tôi chỉ im lặng, làm đúng thỏa thuận. Anh cũng mong sớm trả hết nợ để không còn ràng buộc gì với người mẹ kế thủ đoạn này.
Sau này lúc tôi về làm dâu, mẹ kế hết lần này đến lần khác dùng khổ nhục kế để vòi tiền tôi nhưng tôi không giống chồng, tôi thẳng thừng từ chối nói tiền dành dụm còn để lo cho việc con cái sau này.
Không những thế, dù không sống chung nhưng mẹ kế chồng lại yêu cầu chúng tôi phải góp chút tiền hàng tháng coi như tiền phụng dưỡng bố chồng. Trong khi bố chồng tôi vẫn đi làm bảo vệ có lương và chưa bao giờ yêu cầu vợ chồng tôi phải đưa tiền như vậy.
Về cơ bản, mẹ kế chồng thủ đoạn nhưng tôi cũng không hiền để dễ bắt nạt nên bà ta không làm gì được tôi. Chính vì thế nên mẹ kế chồng rất tức tối, luôn tìm cách hạ bệ tôi trước mặt cả nhà mỗi khi gia đình có giỗ chạp, lễ Tết.
Thậm chí bà ta còn nhiều lần "bơm kích" nói con trai, con dâu vô ơn, không quan tâm đến sức khỏe của bố mà chỉ có hai cô con gái thường xuyên gọi điện về hỏi han. Mục đích của bà ta là để chia rẽ tình cảm của bố chồng với vợ chồng tôi và nâng con gái bà ta lên.
Tôi biết bố chồng không hoàn toàn tin lời vợ nói nên thỉnh thoảng vẫn nhắc chúng tôi tập trung làm việc, không cần bận tâm quá nhiều đến những gì mẹ kế nói. Tuy nhiên, một chuyện bất ngờ xảy ra đã khiến mọi chuyện bị đảo lộn, rối ren.
Bố chồng tôi đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn và sau đó, mẹ kế đã công bố một bản di chúc với nội dung chia toàn bộ nhà cửa, đất đai (gần 500 mét vuông đất thổ cư) cho vợ và 2 người con gái (1 con đẻ, một con riêng của vợ).
Còn vợ chồng tôi chỉ được đúng vài chục mét vuông căn nhà nhỏ đang ở mấy năm nay. Và giờ đang bị mẹ kế tìm cách "hất cẳng" đi nốt vì dám cãi lời bà ta trong đám tang của bố.
Dĩ nhiên, chúng tôi phản đối vì nét chữ trong di chúc không phải của bố tôi, chữ ký cũng không phải, chỉ không hiểu sao trong bản đó có dấu vân tay của bố chồng tôi. Vợ chồng tôi cùng nhiều người nghi ngờ đó là di chúc giả do mẹ kế dựng lên để chiếm tài sản. Còn dấu vân tay, có thể bà ta đã lấy từ trước đó.
Từ hôm ấy đến giờ, nỗi đau mất bố cùng việc bị mẹ kế lộng hành, chèn ép khiến vợ chồng tôi không đêm nào yên giấc. Chồng tôi muốn buông, thậm chí muốn bỏ quê để đi lập nghiệp nơi khác nhưng làm như thế chẳng khác nào đúng ý của mẹ kế. Giờ tôi phải làm thế nào để đòi lại công bằng cho gia đình đây?