"Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu mơ ước một giấc mơ mới", đó có lẽ là điều mà nhiều người sẽ nhận ra sau khi đọc hành trình trở thành phi công của Mạch Thị Thùy Khanh (SN 1996, ở TP.HCM).
Khi còn ngồi trên ghế giảng đường trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, từ năm nhất trở đi, Khanh đã trải qua nhiều công việc cả đúng và khác ngành. Thế nhưng, tất cả những công việc đó đều không cho Khanh sự hứng thú. Cô nàng nhận thấy bản thân không thích làm những công việc phải mang việc về nhà, hay chạy deadline mỗi ngày. Khanh nghĩ mình cần thay đổi và có một công việc khác cho tương lai.
Có mẹ công tác trong ngành hàng không, cô bé Khanh năm 13 tuổi đã từng mặc bộ đồ phi công nhí để biểu diễn ca khúc "Anh phi công ơi" ở Hội diễn nghệ thuật quần chúng của cơ quan mẹ. Trong những năm học Đại học, Khanh cũng nhận thấy niềm đam mê của mình với nghề phi công. Quyết tâm rẽ hướng theo đuổi điều bản thân thực sự mong muốn, Khanh dự thi và đã trúng tuyển.
Cô bạn xinh đẹp Mai Thị Thùy Khanh.
Thùy Khanh từng tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc TP.HCM.
Biết con gái trúng tuyển ngành phi công, mẹ của Khanh ngỡ ngàng. Bà chỉ nghĩ con mình thi thử cho vui, ai ngờ đậu thật. Nhưng ngay lập tức, vấn đề tài chính khiến mẹ Khanh suy nghĩ rất nhiều. Việc học để trở thành phi công sẽ tốn chi phí khoảng 200.000 USD (gần 4,6 tỷ đồng). Nhận thấy ý chí của cháu gái, ông ngoại và cậu của Khanh đã động viên, hỗ trợ một phần học phí cho cô.
Có được sự trợ giúp của mọi người, mẹ Khanh mới nhẹ người và có thêm động lực cố gắng để con được theo đuổi nghề nghiệp mong muốn. Đến giờ, Khanh vẫn gọi đùa ông ngoại là đại gia của mình.
"Mình từng du học tại Mỹ và Singapore. Ở Mỹ là giai đoạn bay cơ bản, bay máy bay thật, 4 chỗ ngồi, 2 người lái, bay để biết về chiếc máy bay và có thêm kinh nghiệm giờ bay. Sau đó mình qua Singapore học về chiếc máy bay thật mà mình sẽ lái ở Việt Nam, là máy bay Airbus A320", Khanh tiết lộ.
Khanh đã chuyển hướng xuất sắc, trở thành một nữ phi công
Cô hiện là cơ phó huấn luyện của hãng Pacific Airlines
Nữ cơ phó xinh đẹp, kinh nghiệm hơn 300 giờ bay
Sau 1 năm học tập, hiện tại Khanh đang là cơ phó huấn luyện của hãng Pacific Airlines. Cô còn là một Youtuber với những clip về cuộc sống khi đi du học, những trải nghiệm với máy bay và khám phá sân bay các nước. Nếu tính theo giờ bay, Khanh đã bay được hơn 300 giờ, còn chuyến bay dài nhất là bay ở Mỹ, kéo dài 5 tiếng.
Được làm đúng công việc mình thích nên mỗi lần bước chân lên máy bay, cảm giác của Khanh luôn là sự hào hứng. Khanh chia sẻ thêm, làm phi công có thể phải đi xa nhà vài ngày, hoặc lâu hơn nhưng khi nào không bay thì sẽ được ở nhà dài dài.
Là con gái lại làm một công việc khá vất vả, khi được hỏi về sự lo lắng trong vấn đề rủi ro khi bay, Khanh thể hiện sự mạnh mẽ của bản thân: "Mình là con người của công việc, khi đang làm việc thì sẽ chỉ tập trung vào những điều mình đang làm, không có thời gian nghĩ ở dưới đất nó sẽ như thế nào? Mình chỉ muốn số lần cất cánh bằng số lần hạ cánh là điều tuyệt vời rồi".
Khanh hào hứng mỗi lần bước lên máy bay.
Hành trình theo đuổi đam mê của Khanh khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Cơ phó sinh năm 1996 cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm cá nhân rằng nếu ai không có tài chính tốt thì không nên theo học ngành phi công. Bởi vất vả trong việc học là một phần, còn vất vả thêm vấn đề tài chính nữa thì sẽ làm tăng sự gian nan cho con đường mà mình chọn.
Nhìn con gái gặt hái được những thành công trong công việc, mẹ của Khanh vô cùng hạnh phúc. Bà mong trong tương lai sẽ được ngồi trên chiếc máy bay do con gái điều khiển. Đồng thời, như bao người mẹ khác, mẹ Khanh hy vọng khi đã có được công việc ổn định, nữ cơ phó sẽ dần xây dựng tổ ấm riêng với người chồng tốt và những đứa con ngoan.