Trên Weibo Trung Quốc có một chủ đề nóng thu hút sự chú ý của mọi người. Đó là "Có cần thiết phải chia sẻ nỗi buồn của bản thân với cha mẹ mình không?"
Có rất nhiều bình luận được chia sẻ, chẳng hạn như:
"Trớ trêu một điều là khi ta chia sẻ nỗi buồn, nó lại trở thành cái cớ để cha mẹ trách mắng".
"Sau khi cãi nhau với bạn cùng lớp, tôi về nhà kể lại chuyện này với bố mình. Trái ngược với những gì tôi nghĩ mình sẽ được an ủi, ông lại trách mắng tôi đã làm sai điều gì đó nên mới cãi nhau như vậy".
Thời thơ ấu nhiều người đã từng trải qua cảm giác như vậy, rõ ràng mình không phải là người làm sai, nhưng lại bị chỉ trích, thực sự rất oan.
Nhiều khi cha mẹ la mắng để trút bỏ nỗi lo lắng trong lòng, quả thật họ rất lo lắng cho con cái, nhưng những gì họ nói không phải là tình yêu thương mà là "nhát dao" khiến trẻ thêm tổn thương.
Nhiều bố mẹ nghĩ rằng quát mắng có thể khiến con sợ, giúp giải quyết được vấn đề ngay lập tức cũng như ngăn chặn việc tái phạm lỗi. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu tâm lý, việc quát mắng chẳng những không giải quyết được vấn đề mà còn có thể khiến con cư xử tồi tệ hơn, gây hệ lụy về lâu dài.
Hình phạt không thay đổi hành vi của con
Trẻ không nên bị phạt vì vô tình làm đổ cốc sữa, nhưng chúng có thể chịu trách nhiệm về hành động của mình bằng cách lau sạch nó. Việc quát mắng, phạt đánh con bởi những lỗi nhỏ như vậy khiến trẻ không thoải mái, khó có thể tiếp thu và không biết cách tự tìm ra hành vi đúng.
La mắng trẻ khiến chúng cảm thấy cha mẹ không có giá trị gì cả
Nhà tâm lý học Laura Markham cho rằng: "Sợi dây gắn kết tất cả mọi người với nhau là cảm xúc được tôn trọng bởi đối phương. Cảm giác được người khác coi trọng là cách chúng ta đo lường giá trị bản thân và xác định liệu mình có quan trọng với thế giới xung quanh hay không. La hét là một trong những cách nhanh nhất để khiến ai đó cảm thấy họ không có giá trị".
Nói một cách dễ hiểu, khi tức giận và la hét, chúng ta đang xem mình như một cái búa và mọi người xung quanh là cái đinh. Trong tình trạng như vậy, con cái giống như kẻ thù chứ không phải là một người đang được yêu thương.
Hành vi của trẻ trở nên tồi tệ hơn
Một nghiên cứu về mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái cho thấy, ở nhiều gia đình có con trên 13 tuổi, khi bị bố mẹ quát mắng, chúng thường phản ứng chống đối bằng cách gia tăng hành vi xấu.
Trẻ dễ có xu hướng nói dối nhiều hơn
Trẻ thường xuyên bị trừng phạt sẽ dễ hình thành thói quen nói dối để che giấu điều mình đã làm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới việc hình thành tính cách của trẻ. Ngoài ra, nó cũng tác động xấu mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, lâu dần dẫn đến sự thiếu tin tưởng và khó có điểm chung khi giao tiếp.
Thay đổi cách phát triển não bộ
Việc bố mẹ thường xuyên quát mắng hay đưa ra các hình phạt khắc nghiệt có thể làm thay đổi cách phát triển não bộ của con. Đó là bởi con người xử lý thông tin và sự kiện tiêu cực nhanh chóng, triệt để hơn thông tin tốt.
Một nghiên cứu so sánh khi quét MRI não của những người có tiền sử bị cha mẹ lạm dụng bằng lời nói thời thơ ấu với những người không bị cho thấy sự khác biệt đáng kể về thể chất trong các phần của não bộ chịu trách nhiệm xử lý âm thanh và ngôn ngữ.
Trẻ khó kiểm soát cảm xúc
Do trẻ còn nhỏ, việc trừng phạt thường xuyên không giúp con kiểm soát tốt cảm xúc của mình. Thậm chí, điều này còn khiến con luôn có cảm giác sợ hãi, xấu hổ và khó giữ được cảm xúc đúng đắn.
La hét dẫn đến lo lắng, trầm cảm và hạ thấp lòng tự trọng
Nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng, cha mẹ la mắng con cái sẽ khiến chúng có xu hướng dễ bị trầm cảm hơn.
Tiến sĩ Neil Bernstein, một nhà tâm lý học lâm sàng và là tác giả của những đầu sách giáo dục cho biết: "Tiêu cực giống như một nguồn nhiên liệu cho sự lo lắng và trầm cảm".
Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất
Những trải nghiệm thời thơ ấu có thể ảnh hưởng đến trẻ theo nhiều cách, cả về tinh thần lẫn thể chất. Một nghiên cứu cho thấy thường xuyên trải qua căng thẳng khi còn nhỏ có thể tác động lâu dài đến sức khỏe thể chất, cụ thể là dễ gặp phải các bệnh mãn tính, rối loạn nội tiết tố, bệnh mạch máu, rối loạn tự miễn, thậm chí tử vong sớm.
Một nghiên cứu của tiến sĩ Jennifer R. Piazza, được tài trợ bởi Viện sức khỏe quốc gia, Viện lão hóa quốc gia Mỹ cho biết, việc bị quát mắng thường xuyên còn dẫn đến các cơn đau mãn tính, gồm: viêm khớp, đau đầu, vấn đề ở lưng, cổ.
Khi tức giận, thay vì la mắng con cái, cha mẹ nên làm gì?
Bước đầu tiên để xua tan cơn tức giận chính là việc bản thân cha mẹ nhận ra mình đang tức giận.
Tiến sĩ Shrand nói: "Khoảnh khắc bạn nhận ra cơn giận của mình, bạn sẽ kích hoạt vỏ não trước trán và làm gián đoạn những cảm xúc. Đó là việc đưa bộ não của bạn từ chế độ cảm giác sang chế độ suy nghĩ".
Theo các chuyên gia, để làm dịu cơn tức giận tức thì, cha mẹ nên tuân thủ những điều sau:
- Hít thở sâu.
- Đếm ngược.
- Chạy tại chỗ.
- Nói càng ít càng tốt cho tới khi bình tĩnh lại.
- Đặt tay dưới vòi nước chảy.
- Cố gắng cười.
Sau khi bình tĩnh lại, cha mẹ đã sẵn sàng để giải quyết vấn đề thay vì làm trầm trọng thêm tình hình.