Người đàn ông họ Wang, 39 tuổi, đã đoàn tụ với gia đình tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc vào ngày 16/11 vừa qua.
Trong một video được đăng trên Weibo (mạng xã hội của Trung Quốc), Wang vừa khóc vừa khuỵu gối xin lỗi cha mẹ sau nhiều năm không gặp.
Theo truyền thông địa phương, Wang từng là học sinh giỏi cấp 3 hồi năm 2001 rồi thi đậu vào đại học. Tuy nhiên, đến năm 2005 khi chưa tốt nghiệp đại học, Wang đột ngột chuyển khỏi Sơn Đông và cắt đứt mọi liên lạc với gia đình.
Lý do là vì anh cảm thấy quá xấu hổ, không thể đối diện với cha mẹ khi đã bị nghiện trò chơi điện tử và không thể tốt nghiệp đại học. Wang khi đó đang theo học tại đại học Trường An, một trong những trường đại học được xếp hạng cao ở Trung Quốc.
Trong 16 năm xa nhà, Wang đã trải qua nhiều công việc lặt vặt ở Tây An để không phải khai báo với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, khi phải đến văn phòng chính quyền Tây An làm mới giấy tờ tùy thân, các quan chức chính phủ phát hiện ra rằng Wang nằm trong danh sách người được tuyên bố mất tích và đã liên lạc với gia đình anh ở Sơn Đông.
Chia sẻ với Bailu TV, Wang cho biết dù phải xoay xở làm nhiều việc để kiếm sống nhưng anh không dám quay trở lại nhà vì xấu hổ.
Trong khi đó 16 năm qua, cha của Wang đã đến Tây An ít nhất 2 lần mỗi năm để tìm con trai. "Mỗi lần đến, tôi sẽ ở lại trong khoảng 1 tuần, đến mọi quán cà phê Internet, tìm khắp các con phố ở Tây An. Vợ chồng tôi đã rất đau khổ khi mất mọi liên lạc với con".
Mẹ Wang thậm chí đã "chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất" và nghĩ rằng Wang có thể đã qua đời: “Chúng tôi đã không nhận được tin tức gì về thằng bé vì vậy tôi lo lắng và buồn bã khi nghĩ về những gì có thể xảy ra với con. Nhưng tôi không trách con. Tôi hạnh phúc khi được gặp lại nó”.
Mặc dù phản ứng của Wang có thể bị xem là cực đoan song không khó hiểu khi hệ thống giáo dục Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng với áp lực cao trong học tập, thúc đẩy người trẻ thành công bằng mọi giá. Năm 2018, chính phủ Trung Quốc đã cấm "bài kiểm tra vớt" - được xem là cơ hội thứ 3 cho những sinh viên đã thi trượt 2 lần - nhằm tạo áp lực, buộc sinh viên phải thi qua ngay lần thử đầu tiên.
Áp lực phải thành công thậm chí còn dẫn đến xu hướng "nằm thẳng" trong giới trẻ, xu hướng những thanh niên chỉ lao động ở mức độ tối thiểu, làm việc đủ để tồn tại.